(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2017 là năm ngành Du lịch Thanh Hóa gặt hái nhiều thành công, đặc biệt có nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch quan trọng. Trước thềm năm mới 2018, phóng viên báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL về những thành tích nổi bật của ngành trong năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chìa khóa để Du lịch Thanh Hóa có bước phát triển đột phá

Năm 2017 là năm ngành Du lịch Thanh Hóa gặt hái nhiều thành công, đặc biệt có nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch quan trọng. Trước thềm năm mới 2018, phóng viên báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL về những thành tích nổi bật của ngành trong năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

PV: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật mà ngành Du lịch Thanh Hóa đạt được trong năm 2017. Mục tiêu, định hướng phát triển trong năm 2018?

Bà Vương Thị Hải Yến: Năm 2017, Du lịch Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo dấu ấn đậm nét và có sức lan tỏa đến người dân và du khách thông qua một số sự kiện như: tổ chức thành công lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sầm Sơn và công bố nghị quyết thành lập thành phố được người dân và du khách đón nhận; Sầm Sơn được vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam do du khách và các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch cả nước đánh giá và bầu chọn; khai trương đường bay charter Thanh Hóa - Bangkok (Thái Lan) thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Cũng trong năm qua, các chỉ tiêu du lịch đều tăng so với năm 2016. Toàn tỉnh đã thu hút 7 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với năm 2016 (trong đó khách quốc tế đạt gần 200 nghìn lượt, tăng 22,3% so với năm 2016); tổng thu du lịch đạt: 8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2016.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018, Du lịch Thanh Hóa phấn đấu đón trên 8 triệu lượt khách; tổng thu du lịch đạt 10.600 tỷ đồng.

Sầm Sơn không chỉ có bãi biển đẹp, đây còn là điểm du lịch tâm linh.

PV: Năm 2017, Sầm Sơn được vinh danh là “khu du lịch hàng đầu Việt Nam”. Vậy đâu là giải pháp để vực dậy một khu du lịch vốn bị khách tham quan thờ ơ, bỏ qua, có được kết quả như ngày hôm nay, thưa bà?

Bà Vương Thị Hải Yến: Năm 2017 Sầm Sơn được vinh danh là “khu du lịch hàng đầu Việt Nam”, có thể nói rằng đây không chỉ là thành quả của riêng Sầm Sơn hay ngành Du lịch Thanh Hóa mà là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng của chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân Sầm Sơn và của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa nói chung.

Để xây dựng nên thương hiệu cho du lịch Sầm Sơn, các cấp, ngành và đặc biệt là chính quyền thành phố Sầm Sơn đã nghiêm túc triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, tập trung thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Bên cạnh đó phải kể đến việc thực hiện có hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào các dự án phát triển du lịch Sầm Sơn. Có thể nói, trong 10 năm trở lại đây, kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng của Sầm Sơn được tập trung đầu tư mang tính chất chiến lược, với 20 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, có tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 550 tỷ đồng. Các dự án cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch không ngừng được đầu tư theo chiều hướng mở rộng quy mô và chất lượng dịch vụ. Trong đó có những dự án nổi bật như: khách sạn Dragon Sea (4 sao), khu rerost Vạn Chài Sầm Sơn (4 sao)... đặc biệt là dự án quần thể sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC (5 sao), với tổng diện tích trên 450 ha, có tổng mức vốn đầu tư giai đoạn I trên 5.500 tỷ đồng... đã góp phần làm cho diện mạo du lịch Sầm Sơn đổi mới căn bản, khẳng định quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ của du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung.

Cùng với đó, ngành du lịch cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, coi chất lượng dịch vụ là yếu tố then chốt nhằm thu hút, làm hài lòng khách du lịch. Đồng thời, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Du lịch và ban hành quy chế hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, xử lý dứt điểm tình trạng ăn xin, chèo kéo, đeo bám, ép khách, ép giá và thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của khách du lịch.

Ngoài ra, trong những năm qua, thành phố Sầm Sơn cũng đã chú trọng việc thực hiện vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn các hộ kinh doanh cam kết thực hiện tốt các quy định về giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh du lịch; vận động, hướng dẫn các nhà hàng hiện cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh.

Bãi biển Sầm Sơn hấp dẫn du khách.

PV: Với quyết tâm phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Bà có thể cho biết những định hướng, giải pháp giúp Du lịch Thanh Hóa đạt được mục tiêu trong thời gian tới?

Bà Vương Thị Hải Yến: Để tạo bước đột phá, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, sớm đưa Du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch. Trong những năm gần đây Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đổi mới, sáng tạo trong công tác quảng bá, xúc tiến và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, ngành du lịch đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia nước ngoài trong việc lập quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch bảo đảm tính khoa học trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, đồng bộ có tính toán đến các yếu tố bền vững và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tập trung thu hút đầu tư vào du lịch. Trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, chuyên môn sâu, các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh dạn tham gia đầu tư kinh doanh du lịch tại Thanh Hóa, tập trung vào các khu du lịch trọng điểm, mang tính chiến lược nhằm phát triển dịch vụ cao cấp hướng vào thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày và chi tiêu cao.

Mặt khác, tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực để thực hiện “Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên như: sản phẩm du lịch biển đảo tại các khu du lịch trọng điểm: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn - đảo Mê; du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.

Đặc biệt chú trọng tăng cường liên kết với các tỉnh, thành như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, các tỉnh vùng Bắc miền Trung, Duyên hải Bắc Bộ và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong việc khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch chung, đặc thù, liên vùng, nhằm phát huy lợi thế quốc lộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Cảng Hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn...

Trong thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục đổi mới, triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu điểm đến; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao... tạo thời cơ bứt phá, tăng tốc, đưa Du lịch Thanh Hóa phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh, sớm đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]