(vhds.baothanhhoa.vn) - Một độc giả thắc mắc: “Tôi thấy hàng ngày mọi người dùng từ “luyên thuyên” rất nhiều. Vậy, xin mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết chính xác là “huyên thuyên” hay là “luyên thuyên”?

“Huyên thuyên”, “Luyên thuyên” và “Liên thiên”

Một độc giả thắc mắc: “Tôi thấy hàng ngày mọi người dùng từ “luyên thuyên” rất nhiều. Vậy, xin mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết chính xác là “huyên thuyên” hay là “luyên thuyên”?

“Huyên thuyên”, “Luyên thuyên” và “Liên thiên”

Quả tình, trong thực tế tồn tại cả hai từ “huyên thuyên”, “luyên thuyên” và “liên thiên”.

Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giảng: “huyên thuyên. tt. (hoặc đgt.). (Nói năng) nhiều lời và lan man, chưa hết chuyện này đã sang chuyện kia. Nói huyên thuyên. Kể huyên thuyên đủ chuyện”.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) mục “luyên thuyên” ghi chú là “ít dùng” và hướng dẫn xem “huyên thuyên”.

Mục “huyên thuyên”, từ điển này giảng: “[nói năng] nhiều lời và lan man, chưa hết chuyện này đã sang chuyện kia [đủ thứ chuyện trên trời dưới đất]. cười nói huyên thuyên ~ “Khoảng quá nửa đêm lão tỉnh như sáo và bỗng huyên thuyên đủ các thứ chuyện.” (Nguyễn Huy Thiệp”.

Như vậy, theo ghi nhận của Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) thì “huyên thiên, huyên thuyên xích đế, liên thiên, luyên thuyên” là những từ đồng nghĩa, và đều là những cách viết đúng. Tuy nhiên, xét về nghĩa từ nguyên, nếu gọi là “chính xác”, thì cả “huyên thuyên” và “luyên thuyên” đều là cách nói, cách viết không thực sự chính xác. Bởi huyên thuyên hay luyên thuyên là biến âm của “huyên thiên” mà ra.

Huyên thiên là từ ghép chính phụ gốc Hán [xét nghĩa lịch đại]: huyên . nghĩa là ầm ĩ, chỉ âm thanh tạp loạn (như huyên náo); thiên là khoảng không trên trời cao (như thăng thiên; thiên không):

- Hán ngữ đại từ điển giải thích rõ ràng như sau: “huyên: 1 nói rầm rĩ, ầm ĩ.”; “thiên: khoảng trời không.”; “huyên thiên: hình dung thanh âm rất lớn, vang dội tới tận thiên không.”

- Từ điển Đào Văn Tập: “huyên-thiên • Rầm trời lên. • Chỉ người nói nhiều mà không đâu vào đâu <>nói huyên-thiên như người say rượu”.

Với từ “liên thiên” thì Từ điển từ láy giảng: “liên thiên. tt. (Nói) nhiều, nhằng từ chuyện nọ sang chuyện kia, không đâu vào đâu cả. Nói năng liên thiên”.

Dù được Từ điển từ láy tiếng Việt xếp và diện “từ láy”, nhưng thực ra, “liên thiên là từ ghép chính phụ gốc Hán [xét nghĩa đồng đại]: liên nghĩa là liên tiếp, nối tiếp (như liên tục; Súng bắn liên thanh; nói liên mồm); thiên là một phần của cuốn sách có nhiều chương (như đoản thiên tiểu thuyết; thiên thứ nhất, thiên thứ hai...):

- Hán ngữ đại từ điển giảng: “thiên: 1. thẻ tre; sách bằng thẻ tre. Văn chương thời cổ đại viết lên thẻ tre, sắp xếp trước sau hoàn chỉnh, dùng sợi dây hoặc dây da đan lại thành từng tập, gọi là “thiên”.

Với từ “liên thiên”, Hán ngữ đại từ điển ghi nhận hai nghĩa: “1. nói thơ văn thiên này nối tiếp với thiên kia”, và “2. cả thiên hoàn chỉnh”.

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê): “liên • t. liền nhau, nối tiếp nhau, tưởng như không lúc nào ngơi. nói liên mồm ~ làm liên tay”; “thiên • d. 1 từng phần lớn của quyển sách [thường là sách cổ], trong thường gồm có nhiều chương. sách Luận ngữ có cả thảy hai mươi thiên”; liên thiên • t. [nói] lan man, nhiều và lung tung, không đâu vào đâu. Ăn nói liên thiên ~ kể liên thiên đủ thứ chuyện. Đn: huyên thiên, huyên thuyên, huyên thuyên xích đế, luyên thuyên”.

Thành ngữ Hán Liên thiên lũy độc, có nghĩa là dài dòng, lê thê, giống như văn tự ghi trên thẻ tre, hết thiên nọ đến thiên kia, thẻ này xâu với thẻ kia, tiếp nối nhau không dứt...

Như vậy, trong các từ như huyên thiên, liên thiên, huyên thuyên, luyên thuyên, thì huyên thiên và liên thiên là những từ Việt gốc Hán; trong khi huyên thuyên, luyên thuyên là cách nói trại, biến âm từ huyên thiên và liên thiên. Và tất cả cách viết này đều được chấp nhận.

Hoàng Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]