(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chương trình phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Trong thành công này, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò nòng cốt, quyết định. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, công tác này vẫn đang còn không ít vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải có thêm nhiều giải pháp hiệu quả mang tầm nhìn chiến lược và tổ chức thực hiện quyết liệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch (Bài 1): Nhân lực là yếu tố quyết định

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Trong thành công này, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò nòng cốt, quyết định. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, công tác này vẫn đang còn không ít vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải có thêm nhiều giải pháp hiệu quả mang tầm nhìn chiến lược và tổ chức thực hiện quyết liệt.

Giống như nhiều lĩnh vực dịch vụ khác, với ngành Du lịch, nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm cũng như dịch vụ du lịch. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương trong bối cảnh hiện nay.

Từ thực tế phát triển

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần khoảng 40.000 lao động phục vụ cho phát triển. Song thực tế hiện nay lượng sinh viên lĩnh vực du lịch ra trường hằng năm chỉ đạt khoảng 15.000 người, chỉ hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Đây là mức báo động đỏ với du lịch Việt Nam.

Ở Thanh Hoá, tính đến cuối năm 2019 có 900 cơ sở lưu trú, trong đó có gần 200 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao (3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 29 khách sạn 3 sao, 163 khách sạn 1 - 2 sao); 133 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay; hệ thống các trung tâm mua sắm như: Trung tâm thương mại Vincom Plaza; Vincom Tĩnh Gia; hệ thống các cửa hàng Vinmart; Siêu thị Coopmart; siêu thị BigC... Ngoài ra, còn có hệ thống các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhà hàng...

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển du lịch, trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Mặt khác, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Đến nay toàn tỉnh có tới 33.500 lao động, trong đó lao động qua đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đạt 26.400 lao động, chiếm 78,8% tổng số lao động du lịch; lao động chưa qua đào tạo bồi dưỡng: 7.100 lao động, chiếm 21,2% tổng số lao động du lịch.

Điểm đến sẽ hấp dẫn hơn bởi đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp.

Từ góc nhìn của người làm công tác đào tạo, đồng thời cũng là một du khách trực tiếp đánh giá chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ du lịch tại Thanh Hoá, Th.s Nguyễn Kinh Khánh - Giám đốc Tạo nguồn nhân lực HRD Director cho biết: "Hiện nay hoạt động du lịch tại Thanh Hoá đã có những bước phát triển mạnh so với những năm về trước, ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của du khách, trong đó có khách quốc tế. Điều đó đã phần nào khẳng định rằng chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao".

"Không chỉ riêng Thanh Hoá, ở bất cứ địa phương hay doanh nghiệp nào cũng vậy, nếu sở hữu được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đơn vị đó sẽ được khách du lịch đánh giá cao, khả năng khách hàng quay trở lại cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thương hiệu ngày càng kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nhân lực ngay từ đầu vào. Chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển" - Th.s Nguyễn Kinh Khánh khẳng định.

Đến những điển hình thành công

Có thể nói rằng, điểm đến được yêu thích hoặc đơn vị kinh doanh dịch vụ được đánh giá cao, yếu tố quan trọng vẫn là nguồn nhân lực. Từ việc định hướng sản phẩm đến chất lượng phục vụ. Hiện nay, các điểm đến sáng giá như: Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... là bởi dịch vụ du lịch, chất lượng, thái độ phục vụ tốt. Cụ thể như điểm đến làng rau Trà Quế (Quảng Nam), nơi đây không chỉ thu hút lượng lớn khách mỗi năm, mà còn là điểm đến được du khách quốc tế đánh giá ở mức “Tuyệt vời” (mức 5 - mức cao nhất). Cho thấy, với đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, dịch vụ và chất lượng phục vụ tốt.

Cùng với du lịch cả nước, du lịch Thanh Hoá trong những năm gần đây có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện rõ nét qua những con số ấn tượng về lượng khách, tổng doanh thu hàng năm và cả những giải thưởng uy tín. Trong đó, trước hết phải kể đến khu du lịch biển Sầm Sơn. Năm 2017, tại Lễ vinh danh doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam do Bộ VH,TT&DL tổ chức, Sầm Sơn được vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước, do du khách và các công ty hoạt động lĩnh vực du lịch trong cả nước đánh giá và bình chọn.

Trong khi đó, trước đây không ít du khách cho rằng, du lịch biển Sầm Sơn dường như đã “ngủ quên” trên vinh quang. Từ việc chèo kéo du khách, ăn xin, bán hàng rong, cò mồi, đến thái độ ứng xử của cư dân, những đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú... khiến du khách quay lưng, thậm chí du lịch Sầm Sơn đứng trước nguy cơ bị tẩy chay. Nhìn thấy rõ được những tồn tại, hạn chế, các cấp, ngành chức năng liên quan cũng như chính quyền TP Sầm Sơn đã sớm vào cuộc một cách quyết liệt. Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, chỉnh trang lại khuôn viên bãi biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thái độ ứng xử của người dân, cơ sở kinh doanh được đặc biệt chú trọng. Theo đó, cùng với các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Sở VH,TT&DL, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa tổ chức, TP Sầm Sơn đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao văn hóa giao tiếp ứng xử du lịch. Gần đây nhất, năm 2019, Sầm Sơn đã tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho trên 2.200 học viên là chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, chủ các đại lý hải sản, người điều khiển xích lô, xe điện vận chuyển du khách, nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch, karaoke...

Hiện nay, cùng với Sầm Sơn, tất cả các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đều triển khai thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ như: FLC Sầm Sơn, khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá, Vinpearl Hotel, Sao Mai Hotel, Lam Kinh Hotel, Central Hotel, Dragon Sea, Vietravel, Vietrantour... đặc biệt chú trọng khâu tuyển dụng nhân sự. Chính vì vậy, đây là những địa chỉ luôn được du khách đánh giá cao, đóng góp quan trọng cho việc làm nên “tên tuổi” của du lịch xứ Thanh.

Theo ông Lê Đức Sinh - Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá cho biết: "Hiện nay đơn vị có gần 140 nhân viên. Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu tuyển dụng, 100% lao động sau khi tuyển dụng đều được đào tạo lại một cách bài bản để phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị. Tập đoàn Mường Thanh nói chung, Mường Thanh Thanh Hoá nói riêng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, kiểm tra tay nghề, năng lực làm việc của nhân viên tất cả các bộ phận. Do đó, với nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn như hiện nay, Mường Thanh luôn đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, là địa chỉ tin cậy, được khách hàng đánh giá cao".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đó ngành Du lịch cả nước nói chung, du lịch Thanh Hoá nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Một số đơn vị gặp khó khăn trong vấn đề tài chính đã buộc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc chuyển hẳn sang công việc khác. Song, theo các chuyên gia kinh tế và du lịch, sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành Du lịch sẽ có bước phục hồi nhanh chóng. Chính vì vậy, ngoài giải pháp khắc phục khó khăn trong thời điểm hiện nay, chung tay ngăn chặn dịch bệnh, từng bước tính toán cơ cấu lại thị trường khách, thì việc giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng, có kinh nghiệm, việc phát triển đội ngũ này càng cần được quan tâm. Đây được xem là sự chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng cho những bước phục hồi và thực hiện chiến lược phát triển du lịch một cách căn cơ, bền vững hơn trong thời gian tới.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]