(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất Mường Khăng (nay là xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa) là một trong những mường lớn của huyện Quan Hóa xưa. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiềm năng sẵn có của địa phương, Mường Khăng đang ngày một đổi mới.

Trên vùng đất Mường Khăng

Vùng đất Mường Khăng (nay là xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa) là một trong những mường lớn của huyện Quan Hóa xưa. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiềm năng sẵn có của địa phương, Mường Khăng đang ngày một đổi mới.

Trên vùng đất Mường Khăng

Chợ Thiên Phủ - Mường Khăng mới đưa vào hoạt động đầu năm 2025.

Từ rất sớm ở Mường Khăng - Thiên Phủ đã có đồng bào dân tộc Thái với các dòng họ Hà, Vi đã đến khai phá vùng đất rậm rạp, núi non hiểm trở bồi đắp thành những bản làng. Đồng bào dân tộc Kinh đến sinh sống ở Thiên Phủ từ ngày cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và sau những năm hòa bình lập lại. Trong đó, chủ yếu là người ở các huyện Thiệu Hóa, Hậu Lộc thực hiện nhiệm vụ đem chữ lên vùng cao, đi xây dựng kinh tế mới, sống tập trung chủ yếu ở bản Chong. Tên gọi Thiên Phủ cũng bởi mong muốn của người dân được Trời phù hộ (theo nghĩa tiếng dân tộc Thái) để mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu. Ngoài ra Thiên Phủ còn thể hiện vị trí địa lý nơi giao thoa giữa đất và trời.

Chúng tôi về vùng đất Mường Khăng cũng là thời điểm cánh đồng lúa nơi đây chuẩn bị thu hoạch. Những bông lúa xanh chắc, dần ngả màu vàng. Thiên Phủ là địa phương có diện tích trồng lúa nước nhiều trên địa bàn huyện Quan Hóa. Những năm qua, bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào gieo trồng nên năng suất lúa tăng lên, trung bình đạt 55 tạ/ha. Những giống lúa năng suất được đưa vào trồng như TBR225, Su Mô; Nếp 97; Nếp Khẩu Cú... Ngoài trồng lúa nước 2 vụ, bà con các bản Dôi, Sài, Chong, Sắng, Hàm... còn thực hiện cây trồng vụ đông như đậu, ngô, dưa chuột, bí xanh... không chỉ phục vụ đời sống mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa.

Trên vùng đất Mường Khăng

Trò chơi trong ngày hội văn hóa Mường Khăng năm 2025.

Kể từ khi được công nhận bản NTM, con đường vào bản Sài thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Bí thư kiêm trưởng bản Sài, ông Hà Văn Khuyển chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của bản: Nhà văn hóa khang trang, đường giao thông thuận lợi nhờ bà con hiến đất, hiến cây mở rộng đường và đóng góp ngày công tu sửa, xây dựng công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu. Bà con bản Sài chủ yếu là dân tộc Mường, Thái, Kinh cùng sinh sống đoàn kết, chung tay xây dựng bản đổi mới. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của bà con mà đời sống người dân những năm gần đây đã cải thiện. Bản Sài với 133 hộ, 648 nhân khẩu, hiện nay chỉ còn 5 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm 2024.

Với diện tích nông, lâm nghiệp lớn, thế mạnh của xã Thiên Phủ là trồng luồng, nứa, vầu - những cây kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó mà xây dựng sản phẩm OCOP “măng khô xé sợi Mường Khăng”. Đồng thời, cây lúa và các loại cây trồng vụ đông đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bà con. Thiên Phủ có 7 bản với 798 hộ, 3.730 nhân khẩu, hiện nay có 4/7 bản đạt chuẩn NTM, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí XDNTM, hộ nghèo toàn xã còn 54 hộ, cận nghèo 154 hộ. Trên địa bàn xã, chợ Thiên Phủ (hay gọi chợ Mường Khăng) vừa được đưa vào sử dụng tháng 2/2025 góp phần trao đổi, giao thương hàng hóa, giao lưu ẩm thực. Chợ không chỉ thu hút bà con trong xã mà còn các vùng lân cận, các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Quan Sơn về họp chợ. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng mặt tiền và không gian nhà ở của mình để mở các cửa hiệu tạp hóa, các đại lý buôn bán lẻ, nhà hàng ăn, uống đa dạng... đã đánh dấu sự hình thành và bước đầu tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển.

Trên vùng đất Mường Khăng

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống qua lễ hội văn hóa Mường Khăng.

Cùng với truyền thống lao động cần cù, người dân Thiên Phủ luôn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa và tính cộng đồng cao. Phần lớn cư dân là người Thái, người Mường với những nét đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nên truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc như: nhảy sạp, hát khặp, khua lóng (khua luống), khèn bè; giữ gìn bộ nhạc cụ phong phú về thể loại, được chế tạo bằng những chất liệu khác nhau có sẵn trong tự nhiên, như: Khèn bè, Sáo ôi, Pí một... và được sử dụng trong các dịp lễ, tết của địa phương. Dân tộc Thái chiếm đa số, có truyền thống lịch sử, văn hóa, chữ viết riêng, do đó cộng đồng dân tộc Thái đã có nhiều tác phẩm như Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu); Khun Lú - Náng Ủa (Chàng Lú - Nàng Ủa)... Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần, thông qua trang phục dân tộc, ẩm thực hàng ngày góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa truyền thống của người Mường Khăng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Phủ Hà Văn Thủy, cho biết: Năm 2025, xã đã tổ chức Lễ hội văn hóa Mường Khăng lần thứ nhất với sự tham dự của đông đảo bà con Nhân dân 7 bản: Dôi, Sài, Chong, Sắng, Háng, Hàm, Lớt Dồi. Nhiều hoạt động được diễn ra tại lễ hội như: Thi múa, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới và truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; Thi Khặp; Khua luống; Trưng bày ẩm thực với cơm lam, bánh ú, rau nộm, gà đồi, lợn nướng, cá nướng, trứng kiến; trò chơi, trò diễn dân gian... Đây là lễ hội văn hóa được xã Thiên Phủ tổ chức lần đầu tiên nhằm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; động viên, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân tạo không khí hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]