(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguồn nhân lực cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực đào tạo khó nhất, vì bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thì điều quan trọng cần phải làm là nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của cộng đồng ở những vùng di sản, ở vùng có điểm, trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch (Bài 3): Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cộng đồng

Nguồn nhân lực cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực đào tạo khó nhất, vì bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thì điều quan trọng cần phải làm là nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của cộng đồng ở những vùng di sản, ở vùng có điểm, trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cộng đồng ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Nguồn nhân lực đặc thù

Cùng với nguồn nhân lực tại các khối doanh nghiệp, quản lý Nhà nước, nguồn nhân lực cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch. Trong đó, bao gồm cả những người trực tiếp kinh doanh dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng như cộng đồng dân cư tại mỗi điểm đến.

Thực tế, hiện nay một số địa phương trong cả nước đã chú trọng đến việc đào tạo nhân lực cộng đồng, phát huy vai trò của họ trong hoạt động du lịch, mà Hội An (Quảng Nam) là một ví dụ. Hội An từ lâu được biết đến là môi trường sinh sống của hàng chục nghìn người, mang ý nghĩa như một bảo tàng sống về kiến trúc, quy hoạch, lối sống đô thị. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Hội An bắt đầu khởi động, chuẩn bị các điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa hiện có. Trong đó, việc đầu tiên mà địa phương chú ý đến là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Được khởi động từ năm 1992, khi Hội An chưa là một địa danh du lịch của khu vực, đến nay, Hội An đã xây dựng thành công thương hiệu điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện của miền Trung và của thế giới, với số lượng khách đến tham quan du lịch đạt vài triệu lượt mỗi năm.

Và nếu Hội An là điển hình của miền Trung, thì trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Bá Thước là điển hình trong chất lượng nguồn nhân lực cộng đồng. Nếu đến đây vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc mùa lúa chín, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh hàng đoàn khách đi bộ tham quan bản làng, các đoàn xe đi theo tour hoặc khách lẻ. Đông khách là thế, nhưng nhiều người dân sẵn sàng làm “hướng dẫn viên”, tuyệt nhiên không có sự chèo kéo, mời chào hay giành giật khách lẫn nhau giữa các cơ sở lưu trú, homestay. Đành rằng, nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây có sự đầu tư của các doanh nghiệp, sự quản lý trực tiếp của đội ngũ quản lý có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhân lực phục vụ tại đây chủ yếu là người dân địa phương. Hơn nữa, tại các homestay chất lượng phục vụ cũngđược du khách đánh giá cao. Trong khi đó, đây là khu vực miền núi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Có được điều đó một phần nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sở, ngành liên quan trong công tác định hướng, đào tạo nguồn nhân lực cộng đồng.

Chia sẻ về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nguồn nhân lực cộng đồng, một số chuyên gia cho rằng, việc bồi dưỡng, truyền đạt kiến thức với đối tượng này không phải chuyện ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình. Đặc biệt, đối với cộng đồng khu vực miền núi, cần đào tạo bài bản cách thức triển khai mô hình du lịch cộng đồng cho đến công tác tổ chức hoạt động đón tiếp khách, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm ẩm thực và tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ khách... Quan trọng là kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống trong quá trình phục vụ khách du lịch, vốn hiểu biết của cộng đồng về du lịch có trách nhiệm.

Cần có hướng đào tạo hiệu quả

Ngày 1/1/2018, Luật Du lịch có hiệu lực, trong đó có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng. Vấn đề không mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động du lịch có sự chung tay của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò của họ, hướng đến sự phát triển bền vững thì cần cách làm bài bản.

Theo Trưởng Khoa Du lịch, Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa - TS Vũ Văn Tuyến, tại nhiều điểm du lịch trên thế giới, du khách khi đến nghỉ dưỡng không sợ bị mất cắp, hoặc cướp giật, bởi cộng đồng dân cư ở khu vực đó nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh và tạo lòng tin cho du khách. Họ bảo vệ du khách cũng chính là bảo vệ thu nhập và kinh tế, hình ảnh của nơi họ sinh sống.

Tuy nhiên, thực tế tại Thanh Hóa hiện nay, đa số cộng đồng dân cư khá bị động khi tham gia hoạt động du lịch. Do đó, để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, cần xây dựng những mô hình bài bản, khoa học. Mỗi khu, điểm du lịch, đặc biệt là du lịch dựa vào cộng đồng nên thành lập một ban quản lý du lịch để tổ chức hoạt động, phân bổ nguồn lực, đưa ra tiêu chí phục vụ khách, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ứng xử văn minh, bảo đảm quyền lợi từng thành viên trong cộng đồng.

Đến nay, không chỉ tại một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như Pù Luông (Bá Thước), thác Ma Hao (Lang Chánh), bản Hang (Quan Hoá)... được đánh giá cao về chất lượng phục vụ, ứng xử của cộng đồng, mà tại các khu du lịch biển như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong chất lượng phục vụ du khách. Để có được kết quả này, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tuyên truyền, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... các cấp chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch. Đồng thời, các địa phương đã đưa ra nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch miễn phí cho cộng đồng...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa khẳng định, cộng đồng dân cư chính là trung tâm của phát triển du lịch, mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá hiệu quả về văn hóa, lịch sử của địa phương với du khách. Chính vì vậy, ngoài việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng trực tiếp hưởng lợi từ du lịch, mà cần tuyên truyền để người dân địa phương, đặc biệt là những nơi có khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử văn minh du lịch, góp phần tạo nên môi trường du lịch văn minh, chuyên nghiệp. Những năm gần đây, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tuyên truyền đến tất cả các đối tượng là chủ các đơn vị kinh doanh dịch vụ, người điều khiển phương tiện vận chuyển du khách, nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch, cộng đồng dân cư tại khu, điểm du lịch.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích người dân tham gia, tạo điều kiện để người dân phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách. Nhờ đó, họ không chỉ có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống. Và quan trọng nhất là giúp người dân nhận thức được vai trò của phát triển du lịch đối với địa phương, hiểu cách làm du lịch, từ đó tự giác tham gia. Có như vậy mới có thể phát triển du lịch bền vững.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]