(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay trong dân gian còn lưu truyền câu thơ: Bình Khương vỗ đá kêu oan/Dấu tay còn để muôn vàn thu dư. Nội dung câu thơ nói lên sự tích nàng Bình Khương đập đầu kêu oan cho chồng khi xây dựng Thành Nhà Hồ.

Chuyện xây thành cửa Đông Thành Nhà Hồ và đền thờ bia ký nàng Bình Khương

Hiện nay trong dân gian còn lưu truyền câu thơ: Bình Khương vỗ đá kêu oan/Dấu tay còn để muôn vàn thu dư. Nội dung câu thơ nói lên sự tích nàng Bình Khương đập đầu kêu oan cho chồng khi xây dựng Thành Nhà Hồ.

Chuyện xây thành cửa Đông Thành Nhà Hồ và đền thờ bia ký nàng Bình Khương

Đền thờ nàng Bình Khương. Ảnh: Bùi Trang

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng giêng năm Đinh Sửu 1397, Hồ Quý Ly khi đó là Thái sư triều Trần đã sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Thanh Hóa đo đạc khảo sát, đắp thành, đào hào, lập nhà để xây thành An Tôn (Thành Nhà Hồ).

Để hoàn thành công trình Thành Nhà Hồ, lực lượng dân phu đào đắp tới trên 100.000m3 đất, khai thác vận chuyển xây lắp từ 20.000 đến 25.000m3 đá phiến. Có khối đá nặng tới 26 tấn như ở cổng thành phía Tây còn lại hiện nay. Đó còn chưa kể đến khối lượng đào đắp hào thành, la thành. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, công trình vĩ đại này đã hoàn thành trong ba tháng. (Trang 715 Tập 1- NXB Văn hóa Thông tin năm 2004). Tương truyền, trong quá trình xây thành, Cống sinh Trần Công Sĩ được phân công chỉ đạo xây thành cửa Đông. Một điều trớ trêu là khi đoạn tường thành gần xong thì bị đổ không rõ nguyên nhân từ đâu. Lần thứ hai cũng diễn ra như vậy. Hồ Quý Ly nổi giận cho rằng Trần Công Sĩ có mưu đồ phản, làm chậm trễ việc xây thành; nên hạ lệnh chôn sống chàng xuống vị trí thành bị đổ.

Nàng Bình Khương khi nghe tin chồng bị nạn, liền chạy đến cửa Đông thành. Đau khổ trước cái chết oan uổng của chồng, nàng vật vã khóc lóc thảm thiết. Vừa thương chồng, vừa phẫn uất, nàng đã đập đầu vào đá nguyện lấy cái chết để kêu oan cho chồng mình. Trước cái chết tiết liệt của nàng Bình Khương, triều đình đã cho điều tra xem xét nguyên nhân vì sao tường thành cửa Đông bị đổ. Qua kiểm tra mới biết nguyên nhân chính là dưới chân đoạn tường thành phía Đông địa chất không ổn định, có mạch nước ngầm lớn chạy qua, cát đùn lên làm cho đoạn tường thành bị đổ. Để khắc phục sự cố trên, Hồ Nguyên Trừng - con trai trưởng của Hồ Quý Ly (khi đó là công trình sư xây dựng thành) tổng chỉ huy đã cho lát một số phiến đá rộng dưới chân móng khu vực tường thành bị đổ và tiếp tục thi công, kết quả thành không bị đổ nữa.

Theo sử sách, đến thời vua Đồng Khánh (1885-1888) trong dân gian nghe tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm mà vết lõm vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành gây sự hiếu kỳ nên khách đổ về đây rất đông. Có lẽ do cái chết tiết liệt của nàng Bình Khương, những người thợ đã tạo nên vết lõm để lưu giữ sự tích này. Viên Hào lý làng Đông Môn sợ phiền phức vì người đến mỗi ngày một đông đã thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn đi. Công việc này được tiến hành trong đêm khuya không ai hay biết. Điều kỳ lạ là người thợ sau này mắc bệnh lạ rồi chết, viên Hào lý cũng đột tử. Nghe tin, tri Phủ Doãn Thước lo sợ đã sai lính điều tra tìm được nơi chôn phiến đá. Ông đã cho lính đào lên đưa về chỗ cũ, còn khắc lên dòng chữ: “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương phu nhân chi thần”, nghĩa là: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương – nương tử của Cống Sinh vương triều nhà Trần.

Tri phủ Doãn Thước đã bỏ tiền ra xây dựng một “Bia đinh” (Bia và nhà bia). Trên tấm bia ca ngợi cái chết tiết liệt của nàng Bình Khương. Tấm bia khắc bài thơ đã được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Tuấn Phổ dịch như sau:

Thành mở đường hoa đà tuyệt tích

Bia chuyện Bình Khương còn cảm kích

Thư sinh mang sức cả muôn nhà

Đá cứng liễu mềm mà vô địch

Oai Thượng tướng vang trời hiển hách

Nửa trời nhật nguyệt tỏ đến nay

Triều Trần trung liệt ghi sử sách.

Theo các cụ truyền lại, năm 1903, Tổng đốc Thanh Hóa là Vương Duy Trinh, trong đêm nằm mộng gặp một người con gái khóc lóc dưới chân thành kêu oan cho chồng. Điều lạ là tổng đốc nằm mộng đến hai lần. Lần thứ hai ông còn thấy nàng hiện về báo mộng nhờ xây lại đền thì ông sẽ sinh quý tử. Khi đó Tổng đốc chưa có con trai. Ông điều tra và hỏi thêm Nhân dân trong vùng mới biết người con gái trong giấc mơ là nàng Bình Khương, thế rồi kêu gọi quyên tiền xây dựng lại ngôi đền khang trang, thâm nghiêm hơn. Đền được xây dựng gồm Tiền đường và Hậu cung. Đặc biệt, Hậu cung đặt bệ thờ ngay trên phiến đá có dấu ngón tay và vết lõm đá khi nàng Bình Khương đập đầu tuẫn tiết kêu oan cho chồng. Trong khuôn viên đền, ông còn dựng tấm bia ghi lại sự tích Cống Sinh - Bình Khương cùng với vần thơ ca ngợi:

Tấm lòng trinh tiết in vào đá

Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng đền, trồng thêm cây xanh, phu nhân Tổng đốc Vương Duy Trinh có thai và đã sinh hạ một bé trai khôi ngô tuấn tú. Từ đó, đền thờ nàng Bình Khương thường xuyên có người dân khắp nơi đến dâng hương cầu nguyện.

Chuyện xây thành cửa Đông Thành Nhà Hồ và đền thờ bia ký nàng Bình Khương

Phiến đá tương truyền là nơi nàng Bình Khương kêu oan cho chồng. Ảnh: Bùi Trang

Do có giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc, đền thờ và bia ký nàng Bình Khương đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào năm 1995. Năm 1999 đền thờ và bia ký nàng Bình Khương đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư tôn tạo lại và giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quản lý.

Từ khi Thành Nhà Hồ được tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa Thế giới (27-6-2011), đền thờ bia ký nàng Bình Khương ngay tại cửa Đông thành trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Lê Văn Sự


Lê Văn Sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]