(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch trong những năm gần đây, kèm theo đó là sự phát triển của dịch vụ lưu trú, lữ hành, nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí... cơ hội việc làm cho lao động ngành du lịch ngày càng được mở rộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cơ hội việc làm rộng mở với lao động ngành du lịch

Với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch trong những năm gần đây, kèm theo đó là sự phát triển của dịch vụ lưu trú, lữ hành, nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí... cơ hội việc làm cho lao động ngành du lịch ngày càng được mở rộng.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo báo cáo của Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa, tổng số học viên, sinh viên chuyên ngành du lịch đã tuyển sinh, đào tạo trong 3 năm (2016 - 2018) đạt gần 2.000 học viên. Đến đầu tháng 12/2019 kết quả tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành du lịch của nhà trường đạt 882 học sinh. Ngoài ra nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho trên 4.000 học viên tham gia các khoá học dưới 3 tháng, riêng năm 2019 đạt trên 1.500 học viên. Trong đó, tập trung vào các chuyên ngành: Kỹ thuật chế biến món ăn; nghiệp vụ nhà hàng; nghiệp vụ lễ tân; hướng dẫn du lịch; quản trị lữ hành; quản trị khách sạn; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Điều đáng nói, tỷ lệ học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp các hệ đào tạo ra trường có việc làm lớn. Cụ thể, hệ trung cấp nghề đạt trên 85%, hệ sơ cấp nghề đạt trên 90%, hệ dạy nghề thường xuyên đạt 100%.

Ông Lương Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa cho biết, hiện nay do nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch quá lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều đơn vị sử dụng lao động chủ động liên kết với nhà trường để tuyển lao động. Nếu như năm 2016, mới chỉ có 20 tập đoàn, doanh nghiệp liên kết, đặt hàng lao động với nhàtrường, thì cho đến năm 2019 con số này đã tăng lên tới 35 doanh nghiệp. Do đó, học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp tại đây khi ra trường đều đảm bảo việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

Cơ hội việc làm tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng được mở rộng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có tới 3 cơ sở đào tạo chuyên ngành lĩnh vực du lịch gồm: Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch. Với hàng trăm sinh viên chuyên ngành du lịch tốt nghiệp ra trường mỗi năm, trên 90% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành. Thậm chí, nhiều sinh viên sau một thời gian thực tập, thực tế tại các khách sạn, công ty lữ hành đã được doanh nghiệp liên hệ trực tiếp mời về cộng tác, hoặc ký hợp đồng làm nhân viên. Đến mùa cao điểm, không ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã liên hệ với các khoa chuyên ngành du lịch tại các nhà trường để kêu gọi tuyển dụng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không chỉ sở hữu hàng chục khu, điểm du lịch, sở hữu gần 800 cơ sở lưu trú, trong đó có 245 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Cùng với đó là hệ thống nhà hàng ăn uống, doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó, cơ hội việc làm đối với lĩnh vực này đang ngày càng mở rộng, đặc biệt là đối với lao động đã qua đào tạo cũng là điều dễ hiểu.

Vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Dự báo thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch cả nước đạt từ 25 - 35%. Theo kế hoạch đến năm 2020, ngành du lịch cả nước sẽ cần hơn 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động cung cấp cho du lịch tàu biển. Do đó, đây được xác định là ngành học không lo thất nghiệp, với tỷ lệ có việc làm ngay khi ra trường khá cao.

Ông Lê Đức Sinh - Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá cho biết: Hiện nay cơ hội việc làm đối với lao động lĩnh vực du lịch rất lớn. Tuy nhiên, là ngành dịch vụ, nhân lực trong ngành du lịch đòi hỏi nhiều kỹ năng nghề, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống thực tế... Bởi vậy, hiện nay, nhiều trường đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh đã liên kết chặt chẽ với Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá để xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Điều này không chỉ giúp sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc thực tế từ trong nhà trường, mà đây còn là kênh để doanh nghiệp tìm được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của mình qua quá trình sinh viên thực tập tại đơn vị. Đặc biệt, với những việc làm ở vị trí quản lý, không quan trọng về độ tuổi, mà yêu cầu cao nhất vẫn là trình độ quản lý, kỹ năng nghiệp vụ.

Đánh giá về chất lượng nhân lực du lịch hiện nay, đại diện lãnh đạo Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá cho rằng nguồn lực chất lượng cao còn thiếu trầm trọng. Hiện nay Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá có gần 140 nhân viên, nhưng khi tuyển dụng nguồn lực kế cận vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là các vị trí quan trọng như quản lý, lễ tân, kỹ thuật bếp... Chính vì vậy, hầu hết đội ngũ nhân viên sau khi được tuyển dụng vào làm việc đều được đào tạo, bồi dưỡng theo đúng yêu cầu thực tế của đơn vị.

Hiện nay, hàng loạt các khách sạn 4 - 5 sao liên tục được các doanh nghiệp lớn đầu tư đưa vào hoạt động tại thị trường Thanh Hoá như: Central, Vinpearl, Mường Thanh, FLC Sầm Sơn. Cùng với đó là nhiều nhà hàng ăn uống, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Vì thế, nguồn lao động chất lượng cao được “săn đón” quyết liệt, đầu ra từ các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh gần như không đủ cung cấp cho thị trường thời điểm này và cả những năm tới. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 33.500 lao động, trong đó lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đạt 26.400 lao động (chiếm 78,8%) và 7.100 lao động chưa qua đào tạo bồi dưỡng (chiếm 21,2%). Tuy nhiên, điều đáng nói, trong tổng số lao động đã qua đào tạo thì số lượng đã qua đào tạo chính quy, bài bản, có kỹ năng mềm vẫn còn hạn chế.

Hiến kế cho giải pháp đột phá về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh tăng cường thắt chặt tính liên kết giữa cơ sở đào tạo, người học và doanh nghiệp, cần phải thiết kế chuẩn chương trình đầu ra. Theo đó, thời lượng dành cho thực hành nên chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên trong tổng thời gian học tập. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể về chất lượng giảng viên trực tiếp đào tạo nhân lực du lịch, mặt khác cần sớm hoàn thiện chuẩn nội dung đào tạo theo kịp với chuẩn nghề du lịch của khu vực và thế giới, nhất là năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm liên quan.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]