(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 7-8/12, tại TP Huế, Hội Nhà báo các tỉnh Bắc miền Trung đã tổ chức Hội thảo nghiệp vụ “Vai trò của báo chí truyền thông với sự phát triển du lịch cố đô Huế và các tỉnh Bắc miền Trung”. Có nhiều tham luận, giải pháp đề cập đến vấn đề thúc đẩy sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch các tỉnh Bắc miền Trung

Ngày 7-8/12, tại TP Huế, Hội Nhà báo các tỉnh Bắc miền Trung đã tổ chức Hội thảo nghiệp vụ “Vai trò của báo chí truyền thông với sự phát triển du lịch cố đô Huế và các tỉnh Bắc miền Trung”. Có nhiều tham luận, giải pháp đề cập đến vấn đề thúc đẩy sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch.

Hội thảo “Vai trò của báo chí truyền thông với sự phát triển du lịch cố đô Huế và các tỉnh Bắc miền Trung” diễn ra tại TP Huế.

“Mạnh ai nấy làm”

Bắc miền Trung là khu vực có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu cùng nhiều bãi biển dài và đẹp. Do đó, khi sự liên kết trong lĩnh vực du lịch chặt chẽ sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết là cơ hội mở rộng thị trường khách du lịch, cơ hội quảng bá, xúc tiến. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, vấn đề liên kết phát triển du lịch của các tỉnh du lịch Bắc miền Trung, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa mang lại những kết quả mang tính bền vững.

Để khai thác tốt tiềm năng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch của Chính phủ nói chung, của mỗi địa phương nói riêng, vấn đề hợp tác, liên kết giữa các địa phương trên nhiều lĩnh vực của hoạt động du lịch như: Tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng vùng, liên kết phát triển tour tuyến, trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... là hết sức cần thiết.

Theo báo cáo về kết quả hoạt động du lịch năm 2018, hoạt động du lịch của các tỉnh Bắc miền Trung tiếp tục có những chuyển biến tích cực, lượng khách du lịch tăng cao. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đón được gần 8,3 triệu lượt khách, tổng thu đạt trên 10,6 nghìn tỷ đồng; Nghệ An đón được trên 6 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt gần 7,5 nghìn tỷ đồng; Hà Tĩnh đón được 3,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng; Quảng Bình đón được gần 4 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt gần 4,5 nghìn tỷ đồng; Quảng Trị đón được 1,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng; Huế đón được 4,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4,4 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung các chỉ tiêu khách du lịch và tổng thu du lịch năm 2018 của cả 4 tỉnh đều vượt kế hoạch. Tuy nhiên, những con số này chưa nói lên điều gì trong việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

Việc liên kết giữa các địa phương bước đầu mới chỉ dừng lại ở một số kết quả như: Hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến; kết nối các đoàn famtrip, presstrip các tuyến du lịch đặc trưng như “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường sinh thái, văn hoá tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững”; liên kết tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm; liên kết đào tạo nguồn nhân lực...

Mặc dù chưa có bất cứ đánh giá cụ thể nào về hoạt động liên kết của cả 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, thông qua kết quả hoạt động liên kết của các tỉnh Bắc miền Trung trong thời gian qua phần nào cho thấy, việc liên kết trong phát triển du lịch của các tỉnh Bắc miền Trung ít nhiều còn nằm ở mặt hình thức, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng và triển khai bằng những hành động thiết thực. Dẫn đến hiệu quả trong công tác liên kết còn rất hạn chế.

Các tỉnh Bắc miền Trung thường xuyên tổ chức hoạt động khảo sát điểm đến nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối.

Cần đi sâu vào thực tế, chất lượng

Cũng tại Hội thảo “Vai trò của báo chí truyền thông với sự phát triển du lịch cố đô Huế và các tỉnh Bắc miền Trung” nhiều ý kiến của các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ đã có rất nhiều hội nghị bàn về vấn đề thúc đẩy hợp tác du lịch các tỉnh Bắc miền Trung được tổ chức, chúng ta thường xuyên nghe thấy câu “chúng tôi sẵn sàng hợp tác” đến từ các doanh nghiệp hay lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Thế nhưng, nhìn vào thực tế, câu chuyện sẵn sàng hợp tác du lịch của 6 tỉnh Bắc miền Trung mới chỉ tiến hành triển khai một số hoạt động giao lưu xúc tiến, quảng bá, khảo sát điểm đến... Trong khi đó, những vấn đề quan trọng như: Xây dựng nội dung tuyên truyền chung của các tỉnh Bắc miền Trung, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng chung, tour kết nối giữa các địa phương, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, định vị thương hiệu du lịch vùng... vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều. Do đó chưa kêu gọi được các đơn vị lữ hành uy tín hàng đầu trong cả nước cũng như tại các địa phương vào cuộc.

Nhà báo Trương Diệu Hương (Chi hội Nhà báo Quảng Bình) cho rằng: Để có thể khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, trước hết các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu việc xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu cho điểm đến du lịch chung; đánh giá khoa học đầy đủ về tính hiệu quả và phương thức thực hiện của các địa phương trong việc phát triển điểm đến chung. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh du lịch cần thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin có liên quan, giới thiệu các sản phẩm, tuyến - điểm du lịch mới không chỉ của địa phương mình mà còn của địa phương bạn trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các sự kiện văn hoá, du lịch lớn của mỗi địa phương.

Đối với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch, cần khuyến khích hiệp hội du lịch các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành tích cực triển khai xây dựng các tour kết nối giữa du lịch văn hóa và du lịch biển các địa phương như: “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung”... Vấn đề đặt ra là phải kết nối như thế nào để có thể giới thiệu một tour du lịch xuyên suốt giữa các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, thu hút được đông đảo du khách tham quan, mặt khác vẫn đảm bảo được lợi ích giữa các địa phương.

Có thể nói, câu chuyện liên kết các địa phương trong phát triển du lịch là vấn đề của cả hệ thống, chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Và đằng sau đó là hàng loạt “nút thắt” chưa thể tháo gỡ. Thế nhưng, trong xu thế phát triển hiện nay, việc liên kết trong phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Do đó, các địa phương cần đề ra những giải pháp mang tính mấu chốt, chiến lược, hướng đến phát triển tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô lãnh thổ lớn hơn, tạo ra được sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao hơn, góp phần thúc đẩy du lịch các tỉnh Bắc miền Trung ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]