(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi hoạt động du lịch trở lại, cứu cánh duy nhất cho các địa phương cũng như doanh nghiệp đó là dòng khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, ngay cả hướng hồi phục duy nhất này cũng còn gặp nhiều rào cản bởi tâm lý e ngại của một bộ phận du khách, quỹ thời gian nghỉ lễ dài ngày từ nay đến cuối năm không còn, doanh nghiệp tập trung sản xuất...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Còn nhiều rào cản để du lịch nội địa phát triển

Ngay sau khi hoạt động du lịch trở lại, cứu cánh duy nhất cho các địa phương cũng như doanh nghiệp đó là dòng khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, ngay cả hướng hồi phục duy nhất này cũng còn gặp nhiều rào cản bởi tâm lý e ngại của một bộ phận du khách, quỹ thời gian nghỉ lễ dài ngày từ nay đến cuối năm không còn, doanh nghiệp tập trung sản xuất...

Mặc dù du lịch nội địa đã mở cửa trở lại, song lượng khách vẫn còn khá hạn chế.

Còn nhiều rào cản

Mặc dù thị trường du lịch nội địa đã ấm dần lên trong những ngày qua. Tuy nhiên, lượng khách đến với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế. Ghi nhận tại một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh, lượng khách ký hợp đồng đặt tour không nhiều, một vài doanh nghiệp hợp đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có đơn vị còn chưa khai thác được khách. Trong đó, một phần là khách hoãn chuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thực tế hiện nay, tại khu du lịch biển Sầm Sơn, mặc dù chính quyền TP đã cho phép mở cửa trở lại các bãi tắm công cộng kể từ cuối tháng 4, các hoạt động dịch vụ cũng bắt đầu trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, sau vài tuần quay trở lại hoạt động, lượng khách vẫn còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần; phần lớn vẫn là khách nội tỉnh, lượng khách đoàn đến từ các tỉnh khác chưa nhiều. Theo một số chủ cơ sở lưu trú tại đây, mặc dù bãi tắm vào những ngày cuối tuần đông, tuy nhiên khách lưu trú giảm mạnh so với mọi năm, chủ yếu là khách lẻ, khách gia đình xuống tắm biển, các nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp.

Không chỉ riêng Sầm Sơn, đó còn là thực trạng chung của các khu, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh hiện nay. Nguyên nhân một phần do sau thời gian ngừng hoạt động, tạm nghỉ vì dịch bệnh, các cơ quan, đơn vị đang tập trung vào sản xuất, kinh doanh, làm việc trở lại. Mặt khác, một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng chưa hoạt động bình thường trở lại. Đây là một trong những rào cản đối với du lịch nội tỉnh, nội địa. Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, việc học sinh nghỉ học kéo dài và đi học sau thời gian cách ly xã hội, năm nay thị trường du lịch hè gần như mất trắng lượng khách “chủ đạo”. Chưa kể, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và du lịch được coi là không thiết yếu trong thời điểm hiện nay. Do đó, hoạt động này dễ bị các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cắt giảm và tập trung cho việc hồi phục kinh tế. Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay khách du lịch nội địa được xem là cứu cánh duy nhất cho các điểm đến cũng như các doanh nghiệp dịch vụ du lịch của tỉnh.

Đại diện một số đơn vị lữ hành cũng cho rằng, hiện nay các hãng hàng không chưa được cấp phép khai thác tối đa trở lại, các chuyến bay bị giảm tần suất khiến giá vé máy bay dịp cuối tuần vẫn khá cao. Hơn nữa, mặc dù hệ thống các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Thanh Hoá đã sẵn sàng đưa ra gói khuyến mãi nhằm kích cầu du lịch. Tuy nhiên, một số địa phương lân cận, các doanh nghiệp dịch vụ cũng như điểm đến chưa đưa ra chương trình kích cầu cụ thể, việc này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi làm tour liên kết.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Ngày 8/5, Bộ VH,TT&DL phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước. Việc Bộ VH,TT&DL kích hoạt chương trình du lịch nội địa là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để chương trình đạt được hiệu quả cao, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần có sự chung tay từ nhiều phía.

Về phía tỉnh Thanh Hoá, hiện nay ban quản lý các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp dịch vụ đã sẵn sàng khởi động lại chương trình kích cầu du lịch đã ký kết vào hồi cuối tháng 2/2020. Hầu hết các đơn vị, BQL đều thống nhất đưa ra gói kích cầu chung với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”. Trong đó, khối dịch vụ lưu trú có 15 khách sạn tiêu biểu đăng ký giảm giá từ 10 - 30%; khối nhà hàng đạt chuẩn đăng ký giảmgiá từ 10 - 20%; khối doanh nghiệp lữ hành có 20 đơn vị đăng ký giảm giá từ 10 - 40%; khối vận tải giảm giá từ 20 - 50%.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành chỉ là đơn vị thừa hưởng các chương trình kích cầu nên khó quyết định trong việc giảm giá tour. Để làm được điều đó, lữ hành cần hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ trong tour và mỗi doanh nghiệp cho ra một gói kích cầu riêng. Đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền... từ đó tạo ra sự thống nhất trong hành động, đẩy mạnh việc liên kết về mọi mặt của du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Đình Sơn khẳng định: Trong khi thị trường quốc tế chưa có lối thoát thì thị trường nội địa là “cứu cánh”. Và đối với Thanh Hoá lúc này rất cần đẩy mạnh truyền thông điểm đến an toàn, kích cầu du lịch nội tỉnh, nội địa để khôi phục du lịch. Việc kích cầu nên hướng tới gia tăng các sản phẩm trải nghiệm tại điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú của khách, đồng thời đẩy mạnh tập trung vào các sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh như nghỉ dưỡng biển, sinh thái cộng đồng, văn hóa, lịch sử, ẩm thực... Đặc biệt, việc kích cầu du lịch rất cần có sự vào cuộc của các tỉnh lân cận như Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh... tạo thành tour liên kết để thu hút khách. Nếu tất cả các địa phương, doanh nghiệp đều tham gia kích cầu, cùng hy sinh và chia sẻ lợi ích, chắc chắn sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Cũng theo ông Trần Đình Sơn, trong giai đoạn khó khăn này, việc miễn giảm phí tham quan tại một số khu, điểm du lịch có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nên không phải đơn vị, địa phương nào trong chuỗi liên kết cũng ủng hộ. Vì thế, ngoài việc Hiệp hội Du lịch tỉnh phát động và các BQL khu, điểm du lịch cũng như các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tham gia, cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ và chính sách hỗ trợ cụ thể của chính quyền và các cơ quan quản lý du lịch trong và ngoài tỉnh. Đây không chỉ là việc tham gia hay không tham gia mà còn là cách ứng xử của các địa phương, doanh nghiệp với một ngành kinh tế xác định là mũi nhọn.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]