(vhds.baothanhhoa.vn) - Bá Thước tự hào là nơi in dấu tích vương triều Nhà Lê với các địa danh nổi tiếng ở các xã trên địa bàn huyện, như: Miếu thờ Lê Lợi tại thôn Bo Hạ (Kỳ Tân), Thung Xay (Điền Thượng), núi Đèn (Điền Hạ), “Sự tích làng Mù, làng Khờ” (Điền Quang)... Trải qua nhiều thế kỷ, các địa danh gắn với dấu ấn của Nhà Lê được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ, trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Dấu ấn nhà Lê trên vùng đất Bá Thước

Bá Thước tự hào là nơi in dấu tích vương triều Nhà Lê với các địa danh nổi tiếng ở các xã trên địa bàn huyện, như: Miếu thờ Lê Lợi tại thôn Bo Hạ (Kỳ Tân), Thung Xay (Điền Thượng), núi Đèn (Điền Hạ), “Sự tích làng Mù, làng Khờ” (Điền Quang)... Trải qua nhiều thế kỷ, các địa danh gắn với dấu ấn của Nhà Lê được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ, trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Dấu ấn nhà Lê trên vùng đất Bá ThướcThầy và trò Trường THCS Kỳ Tân tìm hiểu thực tế tại miếu thờ Lê Lợi, thôn Bo Hạ, xã Kỳ Tân.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Bá Thước, vùng đất Bá Thước trước kia thuộc huyện Lỗi Giang, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Đây là địa bàn hoạt động liên tục và lâu dài nhất của nghĩa quân Lam Sơn với nhiều chiến thắng lớn nhất tại miền núi Thanh Hóa, như: chiến thắng Bù Mộng, Bù Ti An (vùng Điền Hạ, Điền Thượng) năm 1420. Sau chiến thắng này, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra đóng quân ở trại Ba Lẫm (Chiềng Lẫm, xã Điền Lư). Thời ấy, đây là nơi trung tâm của Mường Khả, có tên là làng Lẫm. Tại đây, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bá Thước nô nức gia nhập nghĩa quân, ủng hộ lương thực, vũ khí, hiến kế đánh giặc. Sau khi củng cố lực lượng, chuẩn bị quân khí, nghĩa quân Lam Sơn tiến hành vận động chiến khắp địa bàn dọc sông Mã, từ vùng đất Eo Lê tiếp giáp với các huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy trở lên vùng đất Bá Thước, Quan Hóa. Từ năm 1420-1423 nghĩa quân Lam Sơn giành được nhiều chiến thắng vang dội, trong đó có trận Ba Lẫm (Điền Lư, Điền Quang) vào năm 1420; trận Kình Lộng (Cổ Lũng), Úng Ải (Ban Công, Thiết Ống) năm 1421; trận Quan Da (Hồi Xuân, Quan Hóa) vào năm 1422... Những đóng góp của Nhân dân huyện Bá Thước đối với nghĩa quân Lam Sơn còn lưu lại trong các câu chuyện dã sử và di tích thờ cúng. Tiêu biểu là ba miếu thờ Lê Lợi trên đất Bá Thước được Nhân dân thờ cúng nhiều đời, như miếu Bo Hạ (Kỳ Tân), miếu Thung Xay (Điền Thượng), miếu núi Đèn (Điền Hạ)...

Địa danh in đậm dấu ấn của Nhà Lê tại vùng đất Bá Thước là khu gò đất giữa cánh đồng thuộc thôn Bo Hạ, xã Kỳ Tân. Tương truyền rằng trong lúc đang cày ruộng, nông dân họ Hà thấy có ba người lạ đi qua, tự xưng làm nghề lái buôn ngỏ ý muốn xin vào lều của người nông dân để nghỉ trưa. Ông nông dân họ Hà vốn hiếu khách, liền mời khách vào lều nghỉ tạm. Thấy khách đói bụng, ông bèn giở đùm cơm nếp, ống canh uôi ra mời khách cùng ăn. Họ vui vẻ trò chuyện, tâm đầu ý hợp, ông nông dân họ Hà bèn thịt con chó của nhà mình, thui lên mời khách. Khách khen bữa cơm ngon, trước khi đi không quên dặn ông nông dân sau này ta thành công, hãy cúng tế ta bằng lễ vật như bữa ăn này là đủ. Về nhà, ông kể lại câu chuyện cho mọi người trong thôn nghe. Nghe xong câu chuyện, nhiều người trong bản suy đoán là Lê Lợi cùng các vị tướng của nghĩa quân Lam Sơn đã cải trang làm lái buôn để che mắt giặc, thăm dò tình hình. Một thời gian sau, Lê Lợi chạy giặc từ phía Pù Rinh (Lang Chánh) hướng về Mường Muần (nay là xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước). Tại đây, nghĩa quân Lam Sơn được dân Mường Muần cưu mang, giúp đỡ. Ông nông dân họ Hà nhận ra chủ soái của nghĩa quân chính là người lái buôn đã từng dùng cơm cùng mình và loan báo cho Nhân dân trong mường cùng biết. Khi biết sự thật người dân trong mường vui mừng đón tiếp nghĩa quân như người thân trở về nhà. Sau một thời gian củng cố lực lượng, nghĩa quân Lam Sơn chuyển sang đánh giặc ở Quan Da (nay là thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa) và giành nhiều chiến thắng tại đây.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Nhân dân Mường Muần lập miếu ở gò đất cao giữa cánh đồng bản Bo Hạ để ghi nhớ công ơn của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Hàng năm, vào ngày 22-8 (âm lịch) Nhân dân trong mường chuẩn bị lễ vật, gồm một con chó nướng để nguyên con, mâm xôi, canh uôi và rượu tới miếu dâng lễ vật, thắp hương tưởng nhớ tới vị Anh hùng Lê Lợi. Trải qua biến cố lịch sử, ngôi miếu trở thành phế tích. Sau này, người dân dựng chiếc lán đơn sơ, làm bằng luồng, lợp mái lá, bên trong có một chiếc bàn bằng luồng làm nơi cúng lễ. Năm 2010, xã Kỳ Tân đầu tư xây dựng gian nhà cấp bốn, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến sinh hoạt tâm linh.

Miếu thờ Lê Lợi tại thôn Bo Hạ, xã Kỳ Tân trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Hàng năm, vào ngày giỗ Lê Lợi, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Kỳ Tân đến miếu dâng lễ vật, thắp hương tưởng nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc. Thầy giáo Lê Bá Mơ, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Tân, cho biết: Miếu thờ Lê Lợi trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước. Nhà trường tổ chức các buổi học trải nghiệm thực tế tại di tích trong chương trình bộ môn học lịch sử địa phương, các hoạt động ngoại khóa. Thông qua các buổi trải nghiệm thực tế này, các em tiếp thu tốt hơn, hiểu hơn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức cho học sinh dọn dẹp vệ sinh, thắp hương tại miếu thờ Lê Lợi. Đây là những hoạt động cụ thể, thiết thực để các em học sinh tìm hiểu về lịch sử của dân tộc. Qua đó, bồi đắp thêm niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và trách nhiệm của mình để xây dựng quê hương, đất nước.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Trải qua nhiều thế kỷ, các dấu tích lịch sử, văn hóa liên quan đến Nhà Lê trên địa bàn huyện Bá Thước được quan tâm gìn giữ, phát huy. Hiện huyện Bá Thước chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng tài liệu giáo dục địa phương huyện Bá Thước, trong đó, lớp 10 sẽ học bài “Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Bá Thước”. Bên cạnh đó, huyện đang có kế hoạch làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận miếu thờ Lê Lợi tại thôn Bo Hạ, xã Kỳ Tân là di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc gìn giữ, phát huy các dấu tích lịch sử, văn hóa của Nhà Lê trên vùng đất Bá Thước không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân Bá Thước.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]