(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh đang là điểm đến hấp dẫn những du khách yêu thích khám phá. Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp của “đất và người” xứ Thanh, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở những vùng đất còn nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch cộng đồng - những tín hiệu vui

Những năm gần đây du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh đang là điểm đến hấp dẫn những du khách yêu thích khám phá. Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp của “đất và người” xứ Thanh, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở những vùng đất còn nhiều khó khăn.

Khởi sắc kinh tế từ du lịch cộng đồng

Vùng miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa được biết đến là vùng có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, cộng với nguồn vốn văn hóa đặc sắc của người dân các dân tộc thiểu số. Đây là nền tảng cơ bản để phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng.

Thực tế, một vài năm trở lại đây, khu vực miền núi đã hình thành một số điểm du lịch dựa vào cộng đồng như: khu BTTN Pù Luông (Bá Thước), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh)... Các mô hình hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng này đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương trực tiếp và gián tiếp tham gia.

Từ tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch này mà trong những năm gần đây đã giúp người dân có nguồn thu nhập khá ổn định, trong khi nguồn vốn “đầu tư” chủ yếu là những thứ sẵn có. Theo báo cáo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh, Lang Chánh và Bá Thước là hai địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch này. Cụ thể, trong năm 2017, huyện Bá Thước đã thu hút 16.400 lượt khách (tăng 23,1% so với năm 2016), phục vụ gần 30.000 ngày khách, với tổng thu du lịch đạt 11,2 tỷ đồng (tăng gần 40% so với năm 2016); huyện Lang Chánh thu hút được gần 13.000 lượt khách (tăng gần 18,7% so với năm 2016), phục vụ gần 20.000 ngày khách, tổng thu du lịch đạt 3,7 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2016).

Ông Trần Văn Quyền - Quản lý khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat (Bá Thước) cho biết: “Có thể nói du lịch cộng đồng là loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng và có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều sự hỗ trợ dành cho sự phát triển du lịch cộng đồng nói chung và Pù Luông Retreat nói riêng. Cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã có rất nhiều chính sách phát triển hoạt động du lịch cũng như hỗ trợ người dân nơi đây trong việc tiếp cận phương thức làm du lịch cộng đồng. Năm 2017, chúng tôi đã mời các chuyên gia lĩnh vực du lịch về đào tạo cho đội ngũ nguồn nhân lực địa phương. Đồng thời xác định đây là hoạt động thường niên, góp phần cùng với địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch này”.

Có thể nói, ngoài đóng góp về mặt thu nhập cho kinh tế địa phương, du lịch cộng đồng đã và đang mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Đặc biệt, trong tương lai khi loại hình du lịch cộng đồng được đầu tư và nhân rộng hiệu quả thì nhu cầu về dịch vụ cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn. Mặt khác, sự gia tăng về mức sống sẽ góp phần thay đổi về lối sống, nếp nghĩ, phép ứng xử cũng như cách thức làm du lịch trong cộng đồng dân cư.

Để du lịch cộng đồng ngày càng phát triển

Tuy loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đang có xu hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế tại khu vực miền núi Thanh Hóa. Song trên thực tế sự tham gia của cộng đồng trong du lịch còn mang tính chất tự phát, chưa được nghiên cứu, phân tích một cách đầy đủ để đánh giá về vai trò, hiệu quả của nó, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển phù hợp để khuyến khích phát triển loại hình du lịch này.

Theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, trước hết tỉnh Thanh Hóa cần quy hoạch và tổ chức quản lý phát triển du lịch, bởi loại hình du lịch dựa vào cộng đồng tại miền núi Thanh Hóa chỉ có thể phát triển bền vững khi có quy hoạch đúng đắn và phù hợp với phát triển KT-XH, đồng thời được tổ chức quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

Cùng với đó, hoạt động du lịch cộng đồng diễn ra theo quy luật cung - cầu, vì vậy cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nghiên cứu các nhu cầu thị hiếu của thị trường khách du lịch, xúc tiến du lịch để tạo ra và cung ứng những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt.

Ngoài ra, để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cần đẩy mạnh việc vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các doanh nghiệp lữ hành trợ giúp cho cộng đồng trong việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến phát triển du lịch, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch...

Đặc biệt, cần quan tâm chú trọng đến vấn đề xúc tiến phát triển du lịch, bởi khu vực này có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng cũng như KT-XH còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy du khách thường khó nắm bắt được thông tin về các điểm đến. Du lịch dựa vào cộng đồng chỉ có thể phát triển đạt hiệu quả cao khi hoạt động xúc tiến phát triển du lịch được đầu tư và triển khai đúng đắn, hiệu quả theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa của các dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách để kêu gọi, thu hút đầu tư. Cùng với đó, các địa phương cũng đã chủ động trong công tác quảng bá, tuyên truyền, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần từng bước thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Đồng thời, đây chính là cơ hội để Thanh Hóa phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng một cách toàn diện.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]