(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoạt động du lịch Thanh Hoá ngày càng có sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng này đòi hỏi các khu, điểm du lịch không ngừng cải thiện và đổi mới sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu được tham gia, khám phá và trực tiếp trải nghiệm văn hóa, cuộc sống tại điểm đến. Trong đó du lịch sáng tạo đã và đang được các chuyên gia du lịch đánh giá là một cách thức mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch sáng tạo: Để lối nhỏ thành đường

Hoạt động du lịch Thanh Hoá ngày càng có sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng này đòi hỏi các khu, điểm du lịch không ngừng cải thiện và đổi mới sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu được tham gia, khám phá và trực tiếp trải nghiệm văn hóa, cuộc sống tại điểm đến. Trong đó du lịch sáng tạo đã và đang được các chuyên gia du lịch đánh giá là một cách thức mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Từ những điển hình thành công

Du lịch sáng tạo được hiểu là loại hình du lịch mà khách du lịch có cơ hội được phát triển tiềm năng sáng tạo của họ, thông qua các trải nghiệm học tập, tìm hiểu... Đây cũng đồng thời được các chuyên gia, nhà quản lý du lịch nhìn nhận như một cách thức mới, có thể thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Vào năm 2017, khi bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” vừa đóng máy và nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả toàn cầu, tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng “bắt trend” và tận dụng phim trường (nằm trong quần thể di sản Tràng An) thành một điểm du lịch mới và là một mô hình du lịch sáng tạo độc đáo của Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù mới đây tỉnh Ninh Bình đã có quyết định tháo dỡ khu vực này, song không thể phủ nhận được những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển du lịch từ hiệu ứng của bộ phim này.

Nhắc đến du lịch sáng tạo, chúng ta càng không thể bỏ qua điểm đến nổi bật Hội An, với nhiều mô hình tour mới, sáng tạo trải nghiệm mới thu hút du khách. Chẳng hạn, “Một ngày làm cư dân phố cổ”, “Một ngày trải nghiệm làm nông dân”... Khi khách du lịch tham gia các tour này, sẽ được sống cùng với gia đình nghệ nhân làng nghề làm đèn lồng, hoặc tham gia trồng rau với người nông dân ở làng rau Trà Quế. Trong những ngày sống với gia đình nghệ nhân làng nghề, du khách được chủ nhà giải thích cặn kẽ về những công đoạn làm nên chiếc đèn lồng, rồi được tự tay làm từ khâu chọn vải, cắt dán đến vuốt nan làm khung; ra đồng trồng rau với người nông dân ở làng rau Trà Quế. Theo đó, cách thức sinh hoạt, sản xuất cũng như đời sống tinh thần của dân cư các làng nghề truyền thống sẽ được du khách trải nghiệm, khám phá và thu nhận kiến thức, sự hiểu biết cho riêng mình.

Du khách cùng tham gia nhảy sạp với người dân bản Mạ (Xuân Cẩm, Thường Xuân).

Theo nhiều nghiên cứu, cho đến nay, mặc dù những sản phẩm du lịch sáng tạo tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước hiện còn khá manh mún, song bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực từ du khách, nhất là du khách quốc tế. Trong đó, với những trải nghiệm thú vị tại làng rau Trà Quế (Quảng Nam), nhiều khách quốc tế đã cho đánh giá “tuyệt vời” (mức 5 - mức cao nhất) ở mục “kinh nghiệm du lịch nổi tiếng thế giới”. Qua các ví dụ về du lịch sáng tạo, không khó để nhận ra đặc trưng nổi bật nhất của loại hình du lịch này là đề cao sự tương tác giữa du khách với văn hóa bản địa, có sự kết nối chặt chẽ với người dân địa phương. Nhiều người có thể lầm tưởng du lịch sáng tạo với du lịch homestay. Song, du lịch homestay lấy phương thức “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt) để du khách quan sát, thưởng ngoạn. Còn du lịch sáng tạo nhấn mạnh và tô đậm hơn mối liên hệ cùng sự tương tác giữa du khách với cộng đồng địa phương, thông qua quá trình trải nghiệm của chính họ.

Cơ hội mở ra cho du lịch xứ Thanh

Dựa theo những đặc trưng và lợi ích của du lịch sáng tạo, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn, Thanh Hóa đang có điều kiện và cơ hội để phát triển mạnh mẽ loại hình này trong thời gian tới. Trước hết phải kể đến đó là các giá trị văn hóa truyền thống như: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian, phong tục tập quán, ẩm thực đặc sắc, các danh lam thắng cảnh đẹp, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch ngày càng đồng bộ, hiện đại, công nghệ thông tin phát triển nhanh...

Mặc dù hiện nay, tại một số điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như: Pù Luông (Bá Thước), bản Ngàm (Quan Sơn), bản Hang (Quan Hoá), bản Năng Cát (Lang Chánh), bản Mạ (Thường Xuân)... bước đầu đã thu hút du khách tham gia vào những trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương như: đánh bắt cá, gặt lúa, nhảy sạp... Tuy nhiên, những hoạt động tại đây chưa được tổ chức bài bản, thường xuyên, chuyên nghiệp.

Vào tháng 9/2019, khi Thanh Hóa đón đoàn khách nhà báo quốc tế đến tham quan Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Dù thời gian không dài và họ cũng chưa có cơ hội được trực tiếp trải nghiệm, khám phá đời sống cùng cộng đồng địa phương. Song họ vẫn kịp lưu lại nhiều ấn tượng đẹp đối với văn hóa bản địa, thông qua các loại hình văn hóa - văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc như: trò Xuân Phả, múa sạp, múa cây bông... Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo tồn và gìn giữ tốt các giá trị văn hóa truyền thống này chính là chìa khóa tạo tính hấp dẫn cho du lịch Thanh Hóa, mở ra cơ hội cho du lịch sáng tạo phát triển.

Tuy nhiên, cần có cơ chế chính sách khuyến khích dành cho các doanh nghiệp du lịch sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp với các sản phẩm du lịch độc đáo; thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội thảo hoặc phát động các cuộc thi phát triển du lịch sáng tạo... Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ, khoa học để tạo ra các sản phẩm du lịch sáng tạo là xu hướng tất yếu và rất cần thiết để tạo ra các sản phẩm mới nhằm nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch tại mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa. Bởi, du lịch sáng tạo đề cao sự trải nghiệm, tham gia và học hỏi của du khách. Do đó, cư dân bản địa chính là cầu nối, tạo ra sự tương tác và môi trường lành mạnh, để du khách có thể trực tiếp tham gia và hòa nhịp vào cuộc sống với “tư cách” là một thành viên của cộng đồng.

Với những điểm sáng dù nhỏ từ những trải nghiệm dành cho du khách từ du lịch cộng đồng miền Tây, đây là cơ sở để chúng ta có thể hy vọng về sự phát triển của du lịch sáng tạo ở xứ Thanh trong thời gian tới, nếu được nâng đỡ bởi chiến lược, quy hoạch đủ lớn và bài bản của cơ quan quản lý du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]