(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xác định du lịch là một trong những chương trình trọng tâm phát triển KT-XH, Thanh Hóa đã và đang huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch Thanh Hóa thêm nhiều tín hiệu vui

(VH&ĐS) Xác định du lịch là một trong những chương trình trọng tâm phát triển KT-XH, Thanh Hóa đã và đang huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch

Không chỉ có vị trí địa lý, giao thông thuận tiện, Thanh Hóa còn được đánh giá nổi lên so với các địa phương khác trong cả nước về nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng và rất đặc trưng. Trong đó, điểm nổi bật của Thanh Hóa là địa hình đa dạng từ núi cao qua miền đồng bằng và kéo dài ra biển. Không những vậy, địa hình miền biển đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch. Biển đã đem lại cho Thanh Hóa những điểm nghỉ mát nổi tiếng như: Sầm Sơn, Quảng Vinh, Quảng Lợi, Hải Tiến, Hải Hòa... Ngoài khơi vùng biển còn có một số đảo nhỏ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên như: Hòn Mê, Hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn...

Nếu như nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đã tạo nên những khu, điểm du lịch nổi tiếng cho xứ Thanh thì tài nguyên du lịch nhân văn là một nguồn vốn quan trọng giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Với gần 1.600 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có gần 800 di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, có những cụm di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như nghệ thuật, kiến trúc như: Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt... và độc đáo hơn cả là di tích lịch sử Thành Nhà Hồ, với những giá trị mang tính đặc trưng, nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có hệ thống văn hóa phi vật thể rất đa dạng và đặc sắc, mang sắc thái riêng của các dân tộc anh em. Với 160 lễ hội truyền thống liên quan đến di tích lịch sử, danh thắng được Nhà nước công nhận, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng riêng biệt. Ngoài ra, các giá trị văn hóa được thể hiện qua những trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ như: hò Sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, múa sặp, múa xòe... và các món ăn đặc sản nổi tiếng như: Chè Lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, nem chua, dừa Hoằng Hóa, cá Mè sông Mực... đều có giá trị phục vụ du lịch cao.

Điểm khiến du lịch hấp dẫn chính là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 680 CSLT với 22.300 phòng, trong đó, có 172 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1- 5 sao, 380 cơ sở xếp hạng nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Cùng với CSLT, hệ thống cơ sở kinh doanh ăn uống ở Thanh Hóa rất đa dạng, chất lượng ngày càng được cải thiện. Hầu hết các khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ đều kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, xứ Thanh còn có hệ thống nhà hàng, quán ăn từ cao cấp đến bình dân tại các khu, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng.

Cùng với đó là các điểm vui chơi giải trí cũng đang được tỉnh khuyến khích đầu tư và tập trung khai thác để đáp ứng nhu cầu cho du khách như sân tennis, xông hơi, bể bơi và các công viên, khu vui chơi giải trí... nhằm thu hút du khách, kéo dài thêm thời gian lưu trú, tăng thu nhập cho ngành du lịch và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Môi trường du lịch - khâu đột phá của du lịch xứ Thanh

Hiện nay, hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phát động phong trào làm vệ sinh công cộng, thu gom rác trên bãi biển, hè phố, thôn xóm, khơi thông cống rãnh... đem lại cảnh quan môi trường sáng, sạch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó phải kể đến nhà hàng tại Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia) đều thực hiện cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh; các cơ sở lưu trú đều thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng.

Đặc biệt phải kể đến môi trường xã hội, cho đến nay hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh bước đầu đã đẩy lùi được tình trạng ăn xin, bán hàng rong. Giá hàng hóa, dịch vụ được niêm yết công khai và thực hiện bán đúng giá niêm yết, thiết lập lại trật tự các khu dịch vụ; đảm bảo không gian thông thoáng, thuận tiện cho khách du lịch tham quan và nghỉ dưỡng... Trong đó, phải kể đến khu du lịch Sầm Sơn, hiện thành phố đã đầu tư lắp đặt 48 cụm, với 88 loa truyền thanh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền du lịch, đồng thời duy trì hoạt động 4 số điện thoại đường dây nóng.

Những khách sạn sang trọng tạo điểm nhấn cho du lịch xứ Thanh.

Năm 2017, ngành VH,TT&DL Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển, vãn cảnh, tham quan; tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, mở thêm các quầy giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm, phục vụ các món ăn đặc sản địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, nhân viên làm du lịch; thực hiện tốt việc kết nối giữa các điểm, tour du lịch trong và ngoài tỉnh với một số điểm du lịch trên địa bàn.

Mới đây, vào trung tuần tháng 5, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa về việc “Xem xét, bổ sung Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Vườn Quốc gia Bến En vào danh mục các khu du lịch quốc gia; Khu di tích lịch sử Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa vào danh mục điểm du lịch quốc gia trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Thủ tướng giao Bộ VH,TT&DL xem xét, trình chính phủ trong thời gian tới. Đây được xem là tín hiệu vui, góp phần đưa du lịch Thanh Hóa thêm cơ hội phát triển, là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển KT-XH, Thanh Hóa đã và đang tập trung khai thác tối đa tiềm năng, nguồn lực sẵn có, nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thanh Hóa cơ bản khắc phục được tính mùa vụ và trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

Hoài Anh - Ngọc Huấn

Ông Lê Trường Sơn - Giám đốc điều hành khách sạn Dragon Sea (TP Sầm Sơn): Cùng với sự tuyên truyền của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, thông qua báo chí, những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như chúng tôi hiểu rõ hơn về du lịch có trách nhiệm và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững. Từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh một cách cụ thể hơn, có tầm nhìn, định hướng phát triển lâu dài. Nhờ nhận thức đúng về phát triển du lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn Sầm Sơn trong những năm gần đây có những bước chuyển biến khả quan, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Quản lý Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH,TT&DL:Báo chí đã từng bước tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cá nhân, của các tổ chức kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao nhận thức về du lịch, hiểu về du lịch, từ đó đã tác động đến cách làm du lịch của các cấp, ngành, địa phương. Năm 2017, với các hoạt động nổi bật như: 110 năm du lịch Sầm Sơn, mở đường bay charter Thanh Hóa - Băng Cốc (Thái Lan), tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch... cùng nhiều hoạt động du lịch thường niên khác. Để những hoạt động này mang lại hiệu quả tích cực và đi sâu vào cuộc sống, ngành du lịch xứ Thanh rất cần có sự ủng hộ, vào cuộc của các cơ quan báo chí cũng như phía cộng đồng dân cư.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]