(vhds.baothanhhoa.vn) - Môi trường không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động du lịch mà còn là yếu tố đánh giá sự hấp dẫn của điểm đến. Trong xu thế phát triển du lịch xanh như hiện nay, ngày càng có thêm nhiều các khu, điểm du lịch điển hình trong công tác bảo vệ môi trường. Song nhìn từ những điển hình về “du lịch xanh” ở xứ Thanh, người ta có thể nhận thấy còn nhiều hạn chế và nhiều vấn đề được đặt ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch xanh: Cần làm từ những điều nhỏ nhất

Môi trường không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động du lịch mà còn là yếu tố đánh giá sự hấp dẫn của điểm đến. Trong xu thế phát triển du lịch xanh như hiện nay, ngày càng có thêm nhiều các khu, điểm du lịch điển hình trong công tác bảo vệ môi trường. Song nhìn từ những điển hình về “du lịch xanh” ở xứ Thanh, người ta có thể nhận thấy còn nhiều hạn chế và nhiều vấn đề được đặt ra.

Du lịch sinh thái cộng đồng miền Tây xứ Thanh không lạm dụng túi ni lông trong hoạt động dịch vụ du lịch.

Có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về “năng lực” sản sinh rác thải nhựa, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Đây là một trong số các nguyên nhân lý giải cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị biển hiện nay.

Đứng trước vấn nạn về rác thải, hồi tháng 3/2018, Chính phủ Thái Lan đã quyết định tạm thời đóng cửa vịnh Maya và đảo Phi Phi, nhằm ngăn chặn những tổn thương lên môi trường tự nhiên, đặc biệt là để cứu các rạn san hô. Trước đó, tháng 5/2016, chính phủ nước này cũng đã đóng cửa hòn đảo Koh Tachai và chưa tuyên bố ngày mở cửa trở lại. Đồng thời, ba hòn đảo Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai (nằm ở Phuket), buộc phải giới hạn lượng khách du lịch.Đóng cửa là giải pháp cấp bách để cứu nguy cho môi trường và khôi phục hệ sinh thái biển, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho du lịch.

Là tỉnh có 102 km bờ biển, Thanh Hóa cũng không nằm ngoài “vấn nạn” rác thải nhựa trên biển. Huyện Hậu Lộc được xem là tâm điểm nhức nhối của tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Cùng với đó, các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn, cũng đang đối mặt với ô nhiễm môi trường biển, ở các mức độ khác nhau. Mặc dù hiện nay vấn đề thu gom, xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt, rác thải trên bãi biển, nhận được nhiều sự quan tâm. Điển hình là tại Sầm Sơn, việc sàng cát và thu gom, xử lý rác tại khu vực bãi biển đang được thực hiện tương đối hiệu quả. Đồng thời, 100% các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch đã thực hiện cam kết thu gom rác tập trung; sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh.

Tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh, đã được trang bị thùng đựng rác, lắp các biển báo chỉ dẫn liên quan và thành lập tổ thu gom rác, thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú lớn đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các giải pháp đưa ra chưa mang lại hiệu quả cao, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, bất cập, môi trường chưa thực sự được đảm bảo.

Nhìn từ một số điểm du lịch

Đối với Việt Nam, việc đóng cửa các khu, điểm du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm môi trường chưa được áp dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các địa phương cứ chú tâm vào số lượng du khách và làm sao để lượng khách năm sau cao hơn năm trước, thì đây là nhận thức đã lỗi thời, thậm chí là sai lầm. Bởi, thu 1 đồng từ du lịch, phải bỏ ra tới 3 đồng để làm sạch môi trường.

Tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp đến với một số điểm du lịch sinh thái tại tỉnh Quảng Bình như: sông Chày, hang Tối, suối nước Moọc. Tại đây, du khách được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như: đu zipline qua sông, chèo thuyền, tắm bùn, bơi lội... Điều đặc biệt ở các điểm đến đó là không cho du khách sử dụng các loại dầu gội hay sữa tắm, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Cho thấy, việc bảo vệ môi trường cần được làm từ những điều nhỏ nhất.

Ở Thanh Hóa, trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng Pù Luông ngày càng thu hút được đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Ý thức được vai trò của du lịch xanh đối với sự phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói”, không chỉ các resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Pu Luong Eco garden, Pu Luong Retreat, Pu Luong Treehouse... mà ngay cả những homestay, người dân rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Tại bản Đôn (xã Thành Lâm), 100% các điểm lưu trú đều là nhà sàn, lợp mái lá. Ngoài ra, một số dụng cụ như cổng nhà, tường rào, cửa nhà tắm, cốc đánh răng, bàn ăn... đều dùng nguyên liệu thiên nhiên như: gỗ, tre... và hạn chế tối đa việc bê tông hóa. Nếu trong tương lai, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông vẫn tiếp tục phát huy những mặt tích cực như hiện tại, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành điểm đến du lịch xanh hàng đầu của Thanh Hóa cũng như khu vực miền Bắc, miền Trung.

Môi trường cần được bảo vệ một cách nghiêm túc, trách nhiệm và trên cơ sở khoa học, thay vì chỉ tuyên truyền chung chung, hình thức và thực hiện các giải pháp “chống chế”. Đồng thời, cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển KT-XH. Do đó, từ chính quyền, đến cộng đồng dân cư và khách du lịch, cần nhận thức đúng vai trò của mỗi bên, để có hành động cũng như cách làm phù hợp.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]