Nhân viên trường học nóng lòng chờ hưởng phụ cấp ưu đãi 25%
Từ ngày 1/7/2024, nhân viên trường học được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Đây là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Nội vụ tại Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 18/12/2023 (Công văn số 7066).
Tiết đọc sách tại thư viện của học sinh Trường Tiểu học Định Bình.
Tại Công văn số 7066 nêu rõ khó khăn của nhân viên trường học: Tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm cả các loại phí đóng bảo hiểm) dao động từ 3,6 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng/tháng. Trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Với mức lương thấp, nhiều nhân viên kế toán trường học đã phải bỏ nghề. Bên cạnh đó, đa số nhân viên trong trường học chưa được cơ quan quản lý tổ chức thi hoặc xét nâng hạng mà vẫn giữ nguyên hạng chức danh nghề nghiệp kể từ khi mới tuyển dụng nên hệ số lương hưởng vẫn theo bảng lương viên chức loại B và loại A0...
Nếu được đề xuất hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 25% thì đây quả là điều đáng mừng cho nhân viên trường học.
Cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024 tới đây, không chỉ lương tăng mà bên cạnh đó, với 25% phụ cấp được chấp thuận thì thu nhập của nhân viên trường học sẽ ổn định hơn so với thời điểm hiện tại. Thời điểm hiện tại và trước đó, nhân viên trường học với nhiều nỗi niềm. Họ, nhiều người công tác lâu năm vẫn hưởng mức lương quá thấp trong khi kiêm nhiều việc. Phần lớn nhân viên trường học đã có bằng đại học chuyên ngành nhưng lại không được hưởng lương theo bằng cấp.
Cách đây 16 năm, Lê Thị Yến tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và về làm nhân viên y tế tại Trường THPT Nông Cống 2 (Nông Cống). 16 năm công tác, lương chị Yến hiện nay cũng mới chỉ dừng ở 6,1 triệu đồng (đã trừ phí đóng bảo hiểm). Chị Yến nói: “Tôi đang rất mong chờ vào ngày 1/7 tới đây, nhân viên trường học sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi 25%. Gần 20 năm công tác, với mức lương thấp như vậy cũng rất chạnh lòng”.
Tốt nghiệp đại học nhưng lại được hưởng lương cao đẳng, 6 năm qua Nguyễn Thị Loan nhân viên hành chính kiêm văn thư, thư viện, thiết bị thí nghiệm tại Trường Tiểu học Định Bình (Yên Định) cũng chỉ mới hưởng mức lương 4,3 triệu đồng. Nhiều việc, lương thấp, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Định Bình đã tạo điều kiện cho chị Loan trông học sinh bán trú vào buổi trưa để góp thêm vào thu nhập hàng tháng khoảng 800 nghìn đồng. Chị Loan cho biết: “Kiêm nhiều việc nhưng thực sự đồng lương nhận được rất thấp. Tôi ví dụ như mảng thư viện, ngoài kế hoạch bảo quản, lưu trữ, kiểm kê, tôi còn có tiết đọc thư viện với 4 tiết/lớp/năm. Ở tiết này, hoặc tôi lên lớp để phổ biến nội quy thư viện hoặc học sinh sẽ xuống phòng thư viện để tổ chức đọc sách, hướng dẫn, giới thiệu sách cho các em”. Theo thầy giáo Lê Anh Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Bình: “Mỗi bộ phận trong nhà trường đều đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chung. Giáo viên được quan tâm và cải thiện thu nhập đáng kể, nhất là giáo viên trẻ nhưng nhân viên thì thực sự thiệt thòi. Chúng tôi cũng đã tìm cách cho nhân viên thư viện, thiết bị thí nghiệm kiêm văn thư của nhà trường có thêm thu nhập bằng việc trông trẻ bán trú. Thu nhập tất nhiên có thay đổi nhưng không đáng kể”.
16 năm làm nhân viên y tế trường học, mức lương của chị Lê Thị Yến mới được 6,1 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm).
Chia sẻ nỗi niềm của nhân viên trường học, cô giáo Đỗ Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) cũng mang trong mình tâm trạng người làm lãnh đạo. Tại Trường Tiểu học Hải Nhân, nhân viên thư viện, thiết bị thí nghiệm kiêm thủ quỹ công tác đã 16 năm và hiện cũng chỉ hưởng mức lương 5,3 triệu đồng. “Nhân viên trường học rất vất vả trong khi phụ cấp không có, lương thấp... Dù hiệu trưởng có động viên cách nào thì cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi của họ. Cái họ cần là được Nhà nước quan tâm, có chế độ phụ cấp xứng đáng, kịp thời”. Hiệu trưởng Đỗ Thị Thu cho biết.
Nhằm giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lương của nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới cụ thể. Thứ nhất, nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Lý do: Mức 25% là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng. Thứ hai: Khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. Lý do: Đội ngũ nhân viên trường học hiện đang hưởng ở bảng lương viên chức loại B và A0; ngoài ra viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0.
Với những lý do trên, nhân viên trường học cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang rất nóng lòng cho ngày cải cách tiền lương 1/7 tới đây...
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-23 11:49:00
Trường xanh, lớp xanh...
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-03-29 21:07:00
Thực sự cần thiết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo?
Lớp học 3 trình độ trên non cao
Xét công nhận tốt nghiệp THCS nhìn từ Thông tư 31
Thi thử - lo thật
“Tăng tốc” để nâng cao chất lượng giáo dục
Đảm bảo sức khỏe, bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh
[Video] Thư viện xanh nơi vùng cao biên giới
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Ngọc Lặc nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn trong chiến lược phát triển giáo dục
Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Thư viện câu hỏi thi không cần quy trình bảo mật