(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đã có nhiều dịp lang thang từ hạ lưu đến thượng nguồn sông Mã để khám phá văn hóa đôi bờ của nó. Dòng sông Mã mang phù sa bồi đắp, kiến tạo một vùng châu thổ rộng lớn và tạc nên hình hài dáng vóc của xứ Thanh. Dòng sông ghi dấu những chiến công lừng lẫy, vẻ đẹp của nó đã đi vào rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa. Những năm gần đây, tuor du lịch "Ngược xuôi sông Mã" được thiết lập đã cho tôi thêm cơ hội được giới thiệu với bạn bè phương xa vẻ đẹp của dòng sông nổi tiếng trên quê hương mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du ngoạn Mã giang

Tôi đã có nhiều dịp lang thang từ hạ lưu đến thượng nguồn sông Mã để khám phá văn hóa đôi bờ của nó. Dòng sông Mã mang phù sa bồi đắp, kiến tạo một vùng châu thổ rộng lớn và tạc nên hình hài dáng vóc của xứ Thanh. Dòng sông ghi dấu những chiến công lừng lẫy, vẻ đẹp của nó đã đi vào rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa. Những năm gần đây, tuor du lịch "Ngược xuôi sông Mã" được thiết lập đã cho tôi thêm cơ hội được giới thiệu với bạn bè phương xa vẻ đẹp của dòng sông nổi tiếng trên quê hương mình.

Tôi đã có một ngày “du ngoạn Mã giang” vô cùng ý nghĩa với những người bạn văn nghệ sỹ của mình. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo, nhà biên tập xuất bản... đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Chúng tôi có mặt tại bếnHàm Rồng vào khoảng 8 giờ sáng, lên tàu để bắt đầu hành trình ngược dòng sông Mã.

Trên chiếc du thuyền có sức chứa lên đến 100 người, chúng tôi được bố trí chỗ ngồi với đầy đủ bàn ghế, nước uống, có hệ thống trang âm để hát hò giao lưu. Các nhân viên của Trung tâm phát triển du lịch sông Mã đón tiếp, hướng dẫn tận tình về lịch trình của chuyến đi. Ngay những phút đầu thuyền rời bến, mọi người đặc biệt ấn tượng với cô gái có cái tên rất đẹp và người cũng đẹp: Lý Dạ Hương. Tưởng cô chỉ là MC của nhà thuyền, hóa ra là Phó Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch sông Mã. Lý Dạ Hương hát hay, và đặc biệt giới thiệu rất cuốn hút về lịch sử, văn hóa của xứ Thanh.

Sau khi rời bến, du thuyền qua cầu Hàm Rồng, cây cầu lịch sử ghi dấu những chiến công của quân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thuyền ngược dòng đưa du khách ngắm cảnh đôi bờ. Trên dãy núi Rồng uốn lượn, Thiền viện Trúc Lâm hiện ra trong làn sương sớm mờ ảo. Lý Dạ Hương cho biết, tới đây khi tuor du lịch hoàn thiện, bến và đường lên Thiền viện sẽ được thiết kế để thuyền có thể cập vào, đưa du khách lên vãn cảnh.

Từ trên du thuyền, ta có thể quan sát được sự mênh mang dài rộng của dòng sông và phong cảnh hai bên bờ, vừa giao lưu, trò chuyện, vừa tham gia những hoạt động văn nghệ. Các nghệ sỹ do Trung tâm phát triển du lịch sông Mã mời làm cộng tác viên đã hát tặng du khách những làn điệu dân ca ba miền, những bài hát nổi tiếng về Hàm Rồng - sông Mã và quê hương Thanh Hóa. Lý Dạ Hương hát tặng chúng tôi khá nhiều bài, khiến mọi người rất phấn khích và ai cũng muốn hát song đôi với cô trong không khí vui tươi và phong cảnh hữu tình. Chiếc du thuyền êm ả trôi giữa trời xanh nước biếc, trong lời ca tiếng hát rộn ràng làm mê đắm lòng người.

Du thuyền tiến dần đến Ngã Ba Đầu (hay còn gọi là Ngã Ba Giàng), nơi nổi tiếng với Bàn A Thập cảnh (hội tụ 10 cảnh đẹp của xứ Thanh). Đôi bên bờ sông đều có những đền chùa nổi tiếng linh thiêng. Đây cũng là nơi dòng sông Chu hợp lưu với sông Mã sau khi rong ruổi một hành trình dài từ đất nước Lào, qua Nghệ An và chảy vào xứ Thanh. Đến đây, Lý Dạ Hương cho chúng tôi thưởng thức những điệu hò sông Mã, với nhiều làn điệu khác nhau và giải thích nguồn gốc, ý nghĩa từng làn điệu: khi thuyền rời bến, khi xuôi dòng, khi ngược dòng, khi trăng lên, khi mắc cạn... Giọng Hương lúc khoan, lúc nhặt, khi dồn dập, khi êm ái... Khách thì cứ lặng người đi mà nghe như bị thôi miên. Nhiều bạn bảo tôi: Thỉnh thoảng có nghe hò sông Mã trên sóng radio, nhưng không hề biết nó có nhiều làn điệu hay và ý nghĩa đến thế.

Qua Ngã Ba Đầu nơi sông Chu và sông Mã hợp lưu, sẽ đến một địa danh mới, cũng là ngã ba sông. Dòng sông Mã chảy từ Sơn La, xuyên qua đất nước Hoa Chăm pa về Thanh Hóa, đến giữa huyện Vĩnh Lộc quê hương Di sản Thành Nhà Hồ thì hợp lưu với sông Bưởi. Đến cuối huyện, tại Ngã Ba Bông, sông Mã chia tách thành 2 nhánh, nhánh nhỏ gọi là sông Lèn, nhánh lớn xuôi về Ngã Ba Đầu, rồi sau đó chia tách thành hai dòng đổ ra biển qua cửa Lạch Trường và Lạch Hới. Ngã Ba Bông là nơi "một con gà gáy 6 huyện cùng nghe", vì vùng tụ thủy này là địa điểm tiếp giáp giữa các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định. Đến đây, du khách sẽ rờithuyền, lên bờ để dâng hương đền cô Bơ hay còn gọi là đền Cô Ba Bông.

Đền Cô Bơ là địa danh nổi tiếng thờ hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh, đây là nét đặc trưng của tục thờ Đạo Mẫu ở xứ Thanh. Khách thăm đền vừa dâng hương, vãn cảnh, vừa xem các thanh đồng nhập giá. Đây là hoạt động vừa mang yếu tố tâm linh vừa mang màu sắc nghệ thuật dân gian, bởi khi nhập giá, thanh đồng vừa múa vừa hát theo các tích trò gắn với hình tượng hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh. Các đệ tử vây quanh đệm theo tiếng đàn nhịp phách và những làn điệu cung văn làm không khí trở nên rộn rã tươi vui như một hoạt cảnh trên sân khấu lớn.

Những người bạn của tôi đến từ các tỉnh ngoài luôn xuýt xoa khen cảnh đẹp của khu vực ngã Ba Bông. Họ thỏa sức chụp ảnh đăng facebook, “livestream” để khoe với những bạn ở nhà về chuyến đi thú vị của mình. Những người bạn tôi ở Hà Tĩnh tỏ vẻ rất hào hứng khi được tham gia chuyến đi, và mong ước quê hương Sông La núi Hồng cũng có tuor du lịch đường thủy như vậy.

Rời đền Cô Bơ, chúng tôilại lên thuyền để xuôidòng. Lúc này nhà thuyền đã dọn sẵn bữa tiệc với những món ăn đậm chất Thanh. Các bạn tôi thích nhất là món “rau má quấn tôm sông”; những con tôm càng được đánh bắt từ sông được chiên lên vàng rộm, giòn tan, khi ăn thì quấn thêm những cọng rau má tươi xanh của đồng đất quê Thanh, vị thơm bùi hòa quyện nhau rất đặc trưng.

Xuôi dòng thì thuyền đi nhanh hơn vì có sức nước đẩy. Khi mọi người xong bữa trưa, cũng là lúc về gần đến Hàm Rồng. Nhà thuyền cho cập mạn bên trái để lên dâng hương vãn cảnh chùa Sùng Nghiêm, đền - nghè Yên Vực. Đây là quần thể di tích tâm linh tọa lạc ở phía bờ tả sông Mã, trên đất làng Yên Vực, thuộc phường Tào Xuyên thành phố Thanh Hóa. Cụm Đền - Nghè - Chùa này là điểm phối thờ cả Thần - Thánh - Phật, nằm giữa vùng thắng cảnh tuyệt đẹp, xa xa là cầu Hàm Rồng nối hai đầu núi Ngọc, núi Rồng. Đối diện bên kia sông là Thiền viện Trúc Lâm.

Rời cụm di tích Yên Vực, thuyền qua Bến Hàm Rồng, rồi tiếp tục xuôi dòng về thăm Cửa Hới - Sầm Sơn. Đến cảng Hới, thuyền cập bờ để du khách lên chơi, mua hải sản của các tàu đánh bắt vừa chở về còn tươi roi rói. Khu vực cảng Hới cũng là di tích nơi đón đồng bào, học sinh miền Nam tập kết hơn 60 năm trước. Nếu thuyền đi tiếp ra cửa biển, ven bờ phía đông là TP Sầm Sơn trẻ trung hiện đại, với khu du lịch FLC tráng lệ.

Từ cảng Hới, thuyền ngược về bến Hàm Rồng, kết thúc chuyến đi ngược xuôi sông Mã. Lên bờ, nếu muốn tham quan tiếp thắng cảnh Hàm Rồng, du khách có thể vào động Long Quang ở đầu cầu phía nam, trên đỉnh núi Rồng, thăm đồi C4 là trận địa pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ năm xưa, liền kề đồi C4 là Thiền viện Trúc Lâm, đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ ngự trên đỉnh núi Cánh Tiên, tượng đài thanh niên xung phong Việt Nam ở phía đối diện. Bên kia dãy núi Rồng là làng cổ Đông Sơn, hồ Kim Quy, động Tiên Sơn. Có khá nhiều di tích lịch sử nằm trong phối cảnh thiên nhiên đẹp của Hàm Rồng. Đặc biệt cây cầu Hàm Rồng (còn gọi là cầu 19/5) bắc qua sông Mã, bờ bắc gối vào sườn núi Ngọc, bờ nam gối vào sườn núi Rồng; đây vừa là di tích lịch sử, vừa là trung tâm của thắng cảnh Hàm Rồng, điểm nhấn tạo nên bức tranh tuyệt mỹ nơi đây.

Hành trình của chuyến du ngoạn “ngược xuôi sông Mã” đã mang đến những trải nghiệm thú vị, những cảm xúc không thể nào quên cho những người bạn của tôi.Có một nhạc sỹ đất kinh kỳ còn ngẫu hứng sáng tác ngay một bài hát trên mạn thuyền, và hát cho chúng tôi nghe một cách say sưa. Anh cho biết lần đầu tiên trong đời có được một chuyến du ngoạn sông nước thú vị như vậy, dù chỉ mới trải qua một chặng ngắn trên dòng sông Mã mà đã được khám phá biết bao điều mới mẻ về xứ Thanh.

Được biết từ khi khai trương đến nay, khách đến với tour du lịch đã đông dần. Với chi phí bình quân khoảng 300 - 350 ngàn đồng/một du khách, tour du lịch này có mức giá khá bình dân, phù hợp với nhiều đốitượng. Nhiều người đi rồi vẫn trở lại khi có dịp, nhiều người còn giới thiệu để người thân, bạn bè tìm đến với du thuyền sông Mã. Tuy nhiên, lượng khách tham gia tour không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa bão, thuyền sẽ không đi được, nên có lúc phải hủy lịch đặt của khách hàng. Hơn nữa hiện nay mới chỉ có 2 thuyền phục vụ, nếu khách đăng ký ít quá thì không đủ chuyến, nếu đông quá 100 người thì thuyền không đủ chỗ ngồi.

Tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã góp phần giới thiệu, quảng bá những di tích, danh thắng, những nét văn hóa độc đáo về mảnh đất và con ngườiđôi bờ sông Mã đến với du khách muôn phương. Đây chính là sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh, tạo nên nét khác biệt với các vùng miền khác. Hi vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của đơn vị vận hành tuor và sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, tour du lịch "ngược xuôi sông Mã" sẽ được bổ sung cơ sở vật chất và hoàn thiện hơn nữa về chất lượng dịch vụ, mang đến sự hài lòng cho du khách.

Mai Hương


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]