(vhds.baothanhhoa.vn) - Như Thanh - vùng đất với những nét độc đáo về văn hóa và phong phú về điều kiện tự nhiên, là nơi hội tụ của 4 dân tộc sinh sống gồm Kinh, Thái, Mường, Thổ; trong đó dân tộc Thái chiếm 19,21% sinh sống rải rác trên địa bàn các xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Phúc, Xuân Thái, Cán Khê. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của người Thái như: ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian...

Giữ gìn sắc màu dân tộc Thái huyện Như Thanh

Như Thanh - vùng đất với những nét độc đáo về văn hóa và phong phú về điều kiện tự nhiên, là nơi hội tụ của 4 dân tộc sinh sống gồm Kinh, Thái, Mường, Thổ; trong đó dân tộc Thái chiếm 19,21% sinh sống rải rác trên địa bàn các xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Phúc, Xuân Thái, Cán Khê. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của người Thái như: ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian...

Giữ gìn sắc màu dân tộc Thái huyện Như ThanhLễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Độc đáo các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái

Có dịp về thôn Mó 1, xã Cán Khê, được hòa mình cùng đồng bào dân tộc Thái trong lễ hội Sết Boóc Mạy mới thấy những giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang được bà con nơi đây gìn giữ, phát huy, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng.

Từ năm 17 tuổi, bác Trương Thị Dinh, thôn Mó 1 đã theo các bà, các mế trong thôn học cách khua luống, gõ bòm bu vào mỗi dịp thôn tổ chức các nghi thức trong lễ hội Sết Boóc Mạy. Năm nay đã bước sang tuổi 55, đôi tay của bác Dinh vẫn dẻo, lời ca vẫn mượt mà. Trước ngày tổ chức khai hội, bác cùng bà con trong thôn tham gia tập luyện để chương trình diễn ra thành công. Lễ hội Sết Boóc Mạy là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc được lưu truyền từ thời xa xưa; giá trị trường tồn ấy được lớp lớp bà con Nhân dân trong thôn lưu giữ, phát huy và được tổ chức long trọng vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là dịp nhằm tái hiện lại một phần trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập mó đến nay thông qua những làn điệu dân ca giao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau. Đặc sắc hơn nữa là người dân tộc Thái từ thời xa xưa đã tự tạo cho mình một niềm tin hướng thiện là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc với nhau và họ đã dày công vun đắp mà tạo nên - biểu tượng cho tinh thần cố kết cộng đồng đó chính là Sết Boóc Mạy. Lễ hội đang trong quá trình làm hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nếu như Sết Boóc Mạy đang được người dân gìn giữ và trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đệ trình công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy “Hát múa ăn mừng dưới cây bông” của đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Vừa qua (ngày 26-2), cộng đồng dân tộc Thái thôn Rộc Răm tổ chức lễ hội trang trọng, thu hút đông đảo các đại biểu, Nhân dân, du khách về dự. Tục Kin Chiêng Boọc Mạy diễn ra ở các năm làm tiểu thì tổ chức tại các gia đình trưởng họ và đến năm làm đại thì diễn ra ở đền Cấm, nơi làng thờ Thần hoàng Trần Công Bát.

Kin Chiêng là lễ ăn tháng Giêng, Boọc Mạy là cây bông tượng trưng cho đất, trời, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật đều sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái. Đối với lễ tục này, cây bông được xem là nét độc đáo, là linh hồn, vì vậy nên việc làm cây bông này đòi hỏi công phu, tỉ mỉ, khéo léo. Cây bông được làm bằng tre, luồng..., dài khoảng 1,7 – 1,8m có đục lỗ. Cành hoa, bông hoa thường được nhuộm màu sắc sặc sỡ. Mỗi cây có từ 100 đến 200 cành, mỗi cành có từ 50 đến 80 bông hoa, các bông hoa phần lớn những người đến tham gia tự làm và cắm vào cây. Các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất đan bằng tre nứa cũng được treo trên cây bông. Đặc biệt, các tầng cây bông đều có quy tắc riêng. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo của làng, xã mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 hay 12 tầng. Lễ khai hội Kin Chiêng Boọc Mạy diễn ra với các nội dung, như: lễ đón thầy mo, lễ rước cây bông, lễ bắt lợn, lễ cúng đền Cấm, lễ dựng cây bông và chương trình nghệ thuật hát múa dưới cây bông, cúng thần linh, mường trời; đánh thức vua trời; cúng và đánh trống cơm; cúng cơm mới... Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động liên hoan ẩm thực, các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Thông qua lễ hội, đồng bào dân tộc Thái nơi đây gửi gắm ước vọng mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh. Đồng thời, thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng hướng tới tương lai của đồng bào.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Không chỉ gìn giữ các lễ hội truyền thống, là nét riêng của đồng bào dân tộc Thái huyện Như Thanh mà hiện nay, bà con nơi đây vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dân tộc Thái; trang phục, tín ngưỡng thờ Thổ địa; đám cưới; lễ làm vía, lễ cầu mùa...

Ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Thanh, cho biết: Thời gian qua, huyện Như Thanh quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS). Vào mỗi dịp tết đến xuân về địa phương đã tổ chức các trò chơi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian trong các lễ hội. Các làn điệu dân ca cũng được tạo điều kiện để được khôi phục, tái tạo, cải biên, đặt lời mới... đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân. Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa. Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS phù hợp, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Huyện xác định việc giữ gìn, phát huy văn hóa DTTS phải đi đôi với ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào, vừa bảo đảm cho văn hóa DTTS được phát huy, phát triển, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người DTTS với công tác bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]