(vhds.baothanhhoa.vn) - Cửa biển Thần Phù gắn liền với quá trình khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi về phương Nam của các đời vua Đại Việt trước thế kỷ XVI. Nơi đây được trùng tu và tôn tạo đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khám phá nơi cửa biển Thần Phù

Cửa biển Thần Phù gắn liền với quá trình khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi về phương Nam của các đời vua Đại Việt trước thế kỷ XVI. Nơi đây được trùng tu và tôn tạo đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Du khách tham quan, thắp hương cửa biển Thần Phù. (Ảnh: P.V)

Trước thế kỷ XVI, dưới các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, việc chinh phạt nước Chiêm Thành để bảo vệ vùng biên cương phía Nam đã được tiến hành. Do giao thông đường bộ khó khăn, việc chuyển quân đánh chiếm Chiêm Thành chủ yếu đi theo đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa biển Thần Phù và dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa hai miền Trung - Bắc nước ta thuở xa xưa, tại đây để lại nhiều di tích như: núi Mai An Tiêm (sự tích quả dưa hấu), động Bích Đào, chùa Tiên (nơi Từ Thức gặp Tiên hái hoa mẫu đơn, rồi theo về trời), cửa biển Thần Phù, Phủ Trèo thờ Áp Lãng Chân Nhân (người có tài dẹp sóng) và Mẫu Liễu Hạnh cùng với con đường bộ cổ đại có tên “hạ giới” của người Việt cổ.

Trong sách “Thanh Hóa Chư thần lục” (bản chữ Hán) được biên soạn ngày 15 tháng 10 năm vua Thành Thái thứ 5 (1903): Vua Hùng đi đánh giặc phương Nam qua cửa biển Thần Phù sóng gió nổi lên dữ dội, trên bờ có một người ngồi ngâm thơ họa cảnh, tự xưng là La Viên (đạo sĩ họ La tên Viên quê làng Nhuệ Trai, huyện Thuần Kinh, nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Vua cho vời xuống thuyền. Thuyền đi đến đâu, sóng êm tới đó. Khi đánh giặc xong thì La Viên tự biến mất. Vua xuống chiếu lập đền thờ và sắc phong thần hiệu... Cũng có sách ghi lại, khi Vua Lý đem quân đánh Chiêm Thành đến cửa biển Thần Phù nổi lên liên tục mấy ngày liền, không qua được. Vua nghe tin ở gần đó có vị đạo sỹ tu luyện một mình trong am bèn cho mời đến để giúp dẹp sóng... Nửa đêm hôm đó thì trời lặng gió, sáng sớm, khi quân nhà vua ra biển, trông xa vẫn thấy sóng cao như núi, nhưng binh thuyền đi tới đâu, sóng yên tới đó. Bấy giờ lại còn thoáng thấy bóng đạo sỹ bước đi trên mặt nước, khi phía trước, lúc phía sau, rõ ràng mà không sao tới gần được. Ngày chiến thắng trở về, tới cửa Thần Phù mời đạo sỹ ra để nghênh tiếp, Vua rất vui và phong cho đạo hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” (vị thần có tài dẹp sóng) và gọi tên nơi đây là cửa biển Thần Phù.

Các đời Vua Đinh, Lê, Lý, Trần, khi chinh phục phương Nam, đều đến miếu La Viên cầu, cúng xin phù hộ qua cửa biển Thần Phù, sau mỗi chiến thắng trở về, các vua đều phong sắc “La Viên” là đầu các vị thánh dẹp sóng ở nước Nam và cho quân lính và dân ở đây canh coi, thờ cúng (Sách Thanh Hóa Chư thần lục (bản chữ Hán, tr.38-39). Các đời sau đều có truyền thuyết về sự hiển linh của Thần La Viên dẹp sóng.

Hiện nay, đền thờ vị thần dẹp sóng “La Viên” và những di tích vẫn còn đó, ở chân đường Trèo thuộc (làng Hà Thôn, xã Nga An, huyện Nga Sơn) phía trước là núi Quan Văn, Quan Võ. Nơi đây từ xa xưa tới nay là chốn linh thiêng, dân cư nhiều vùng đến lễ bái, đặc biệt là dân đi biển. Cửa Thần Phù còn là nơi để lại nhiều bút tích của các vua, quan và các thi sỹ, mỗi khi qua đây như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Hạo, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sỹ... có câu thơ còn khắc ghi lại sự hiểm nguy của cửa Thần Phù:

“Lênh đênh qua cửa Thần Phù,

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.”

Cũng tại khu vực này xưa kia, khoảng từ thời Hậu Lê dựa trên những lưng chừng triền núi đá vôi và những bìa rừng từ Yên Mô (Ninh Bình) vào Nga Sơn (Thanh Hóa) là con đường cổ của người Việt nối liền đồng bằng Bắc bộ với đồng bằng sông Mã. Hiện tại vẫn còn những dấu vết con đường dài xuyên qua lưng chừng các dãy núi đá vôi từ phía Nga Điền về chân núi Trèo xã Nga An, do đi nhiều hàng nghìn năm nên mặt đá đã bào mòn, nhẵn bóng, hằn sâu bàn chân người. Những vết tích còn lại ở nhiều tỉnh nhất là ở Thanh Hóa, Ninh Bình minh chứng các bậc tiền nhân xưa kia đi mở nước trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ, cả đường thủy và đường bộ; rừng núi thì nhiều thú dữ; biển thì sóng to gió lớn. Điều đó cho thấy một quyết tâm to lớn và lòng dũng cảm, trách nhiệm với các thế hệ tương lai cùng với tầm nhìn chiến lược mà ngày nay chúng ta phải ghi nhớ và biết ơn các bậc tiền nhân.

TS Phạm Thuyên


TS Phạm Thuyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]