(vhds.baothanhhoa.vn) - Mảnh đất Trung Sơn, huyện Quan Hóa ngày nay thuộc vùng Mường Páng là một trong những mường lớn - đơn vị hành chính cộng đồng của người Thái cổ, với nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo...

Khám phá vùng đất Mường Páng

Mảnh đất Trung Sơn, huyện Quan Hóa ngày nay thuộc vùng Mường Páng là một trong những mường lớn - đơn vị hành chính cộng đồng của người Thái cổ, với nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo...

Khám phá vùng đất Mường PángGia đình chị Lương Thị Thuyền, khu Poom Bọ, bản Tà Bán là một trong những hộ đang tiếp cận với hướng làm du lịch cộng đồng.

Nét hoang sơ, mộc mạc

Ngược ngàn lên miền Tây Thanh Hóa, sau gần 5 giờ đồng hồ, chúng tôi mới có mặt ở khu Poom Bọ, bản Tà Bán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Trong ngôi nhà sàn của gia đình anh Đinh Công Duẩn và chị Lương Thị Thuyền mâm cơm tối đã được dọn sẵn đón chờ khách. Chúng tôi cảm kích vì sự nhiệt tình, chu đáo của vợ chồng anh chị dành cho khách xa. Mâm cơm mang đặc trưng của đồng bào Thái, với măng rừng, gà đồi, lợn cỏ. Bên mâm cơm, cùng chén rượu chuối men lá thơm, cay nồng, chúng tôi được mọi người kể về vùng đất Mường Páng.

Chị Lương Thị Thuyền là chủ nhà cũng là trưởng khu Poom Bọ, bản Tà Bán, cho biết: Bản Tà Bán là tên chung của 4 khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Trung Sơn gồm các khu: Pa Búa, Keo Đắm (bà con thường gọi Poom Bọ), Pom Chốn, Co Pùng. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu là đi nương làm rẫy, trồng luồng, chăn nuôi… giờ đây đã ổn định rất nhiều, có đường, có điện, có nhà văn hóa, nhà cửa khang trang.

Những người dân nơi đây kể rằng, Mường Páng là tên gọi theo tiếng dân tộc Thái và gắn liền với nhân vật lịch sử đó là ông Tiều Páng, người đầu tiên khai khẩn vùng đất xã Trung Sơn. Chuyện kể rằng ông Tiều Páng thuộc dòng dõi nhà Khằm Ban, tổng Mường Ca Da được cử đến mở mang bờ cõi vùng đất Trung Sơn ngày nay, được Nhân dân rất tôn thờ và đặt tên Mường là Mường Páng. Vùng đất Mường Páng ngày nay có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (Mường Lát), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước). Vì vậy nơi đây được xem là trung tâm kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trung Sơn - Mường Páng thuộc vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nên vẫn giữ được nét nguyên sơ, được thiên nhiên ban tặng núi non hùng vĩ, có lòng hồ thủy điện tạo nên không khí, cảnh quan đẹp, thoáng đãng; có nhiều thác, suối, đặc biệt cách trung tâm bản Tà Bán khoảng 4 km là thác Luông nổi bật giữa núi rừng. Nơi đây còn là vùng đất có con đường Tây Tiến đã đi vào thơ ca, cùng những bản người Thái còn bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống như ẩm thực, dệt vải, hát múa…

Trung Sơn đẹp, hoang sơ, có tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển du lịch nhưng hiện nay mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Gia đình chị Thuyền, anh Duẩn cũng là hộ đầu tiên của khu Poom Bọ bắt đầu tìm hiểu về du lịch cộng đồng. Vừa qua, gia đình chị cũng được tham gia lớp tập huấn về du lịch, mọi thứ còn bỡ ngỡ nhưng chị Thuyền tin mình cũng như các hộ trong bản sẽ tiếp cận cách làm du lịch, đón khách về với Trung Sơn.

Sau giấc ngủ dài, sáng sớm, mây vẫn còn bồng bềnh trên những dãy núi, phía xa là dòng sông Mã, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn hiện lên trong sương sớm. Không khí dễ chịu, mát mẻ, tôi nghĩ về Trung Sơn, về những tiềm năng lợi thế nơi đây, nhưng để “đánh thức” những tiềm năng ấy thì cần lắm sự quyết tâm, mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và chính người dân nơi đây.

Tiềm năng chờ được đánh thức

Thiếu úy Phạm Văn Sáng, quê ở thị xã Nghi Sơn vừa tốt nghiệp đại học ra trường, hiện đang công tác tại Công an xã Trung Sơn là người đưa tôi đi một vòng thăm các bản. Sáng vừa lên nhận công tác từ đầu năm 2022, cảm nhận đầu tiên của chàng trai miền biển về mảnh đất Trung Sơn là con người chân chất, thật thà, tình cảm nhưng đời sống còn nhiều khó khăn. Vượt qua con dốc nhỏ, Thiếu úy Phạm Văn Sáng đưa tôi đến thăm nhà trưởng bản kiêm bí thư chi bộ bản Co Me - Phạm Bá Hoán. Bản Co Me đang xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và mục tiêu về đích năm 2022. Ông Phạm Bá Hoán cho biết: "Bản Co Me có 145 hộ, 476 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn. Bà con Co Me chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, trồng luồng, trong bản có nhiều hộ làm ăn khá giả như gia đình anh Phạm Bá Lĩnh, kinh doanh hàng tạp hóa; gia đình anh Phạm Bá Nhạn, Phạm Bá Tuế chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, trong bản vẫn còn 16 hộ nghèo, hơn 20 hộ cận nghèo. Hiện nay bản chia thành 2 khu là bản cũ và khu tái định cư dành cho hộ chịu ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở năm 2018 - 2019. 64 hộ ở khu tái định cư mới đã ổn định nhà cửa, điện, nước sinh hoạt. Đến nay bản đã đạt 8/14 tiêu chí XDNTM.

Khám phá vùng đất Mường PángThủy điện Trung Sơn và cảnh quan thiên nhiên Mường Páng.

Anh Ngô Sĩ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, mới nhận công tác ở xã được gần 5 tháng. Là một cán bộ trẻ, lại có nhiều năm công tác tại UBND huyện Quan Hóa nên khi được phân công về công tác tại cơ sở, anh rất trăn trở làm sao để cùng cấp ủy, chính quyền và bà con Nhân dân đồng lòng triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống người dân. Trung Sơn có 6 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, hiện có 2 bản đã XDNTM thành công là bản Chiềng và bản Tà Bán.

Anh Ngô Sĩ Tâm cho biết, trong định hướng phát triển KT-XH ở Trung Sơn thì nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Nhà máy Thủy điện Trung Sơn được xác định là mũi nhọn. Vì bà con vẫn nuôi cá theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, nên cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tuyên truyền, vận động, định hướng các hộ nuôi cá theo quy trình, đảm bảo thời gian nuôi, thu hoạch, đặc biệt tập trung vào một số loại cá cho hiệu quả kinh tế cao như cá bống tượng, cá lăng đen… Bên cạnh đó, Trung Sơn có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lòng hồ thủy điện, du khách về đây được tìm hiểu về truyền thống văn hóa, ẩm thực địa phương, đi thuyền trên lòng hồ, khám phá cảnh quan núi rừng, khám phá thác Luông. Xã cũng đang tập trung rà soát các quỹ đất dư thừa, chưa sử dụng để chỉ đạo Nhân dân trồng chuối, cỏ voi hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao như cây gai xanh, sâm Báo… Qua khảo sát đánh giá thổ nhưỡng, nhu cầu và việc chuyển đổi đất kém hiệu quả, xã đã có hơn 40 ha chuẩn bị cho trồng cây gai xanh vào năm 2023 ở các bản Chiềng, Pạo, Pượn, Bó. Hiện nay, Trung Sơn đang xây dựng sản phẩm rượu chuối men lá Mường Páng là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã và đang chờ thẩm định để được công nhận.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]