(vhds.baothanhhoa.vn) - Bộ VH,TT&DL vừa công bố nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây vừa là niềm vui lớn đối với người dân làng nghề, vừa là cơ hội để phát triển nơi đây trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng đúc đồng Trà Đông nắm bắt cơ hội tạo điểm đến du lịch hấp dẫn

Bộ VH,TT&DL vừa công bố nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây vừa là niềm vui lớn đối với người dân làng nghề, vừa là cơ hội để phát triển nơi đây trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn của tỉnh.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Làng Chè (còn gọi là Trà Đúc hay Trà Đông), nay thuộc xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), cách thành phố Thanh Hóa 12 km về phía Tây. Nghề đúc đồng vốn có từ rất lâu đời, cho đến nay người dân làng Chè vẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống do cha ông để lại.

Với công nghệ sản xuất ngày càng phát triển, tuy nhiên đến nay nghề đúc đồng làng Chè vẫn được làm theo lối thủ công, từ công đoạn sản xuất từ việc xử lý nguyên liệu cho đến khâu hoàn thành, đánh bóng và nhuộm sản phẩm. Đó cũng chính là điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm đúc đồng của làng Chè với nhiều địa phương khác trong cả nước. Hiện nay, trong tổng số 32 hộ trong làng nghề của xã Thiệu Trung, có tới 13 hộ hiện đang làm nghề đúc đồng truyền thống.

Nhằm phục vụ du khách tham quan, mua sắm, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân làng nghề đã cùng nhau đóng góp xây dựng Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống, đồng thời thành lập ra BQL. Mặt khác trung tâm được đặt ở vị trí hết sức thuận lợi, ngay đầu trục đường giao thông chính dẫn vào trung tâm xã, các mặt hàng được bày trí hết sức đa dạng, bắt mắt, thuận lợi cho du khách tham quan. Được biết, các sản phẩm được trưng bày tại trung tâm, BQL sẽ thống nhất với các hộ sản xuất đưa ra mức giá chung cho mỗi loại. Có thể thấy, đây là động thái hết sức tích cực mà rất ít làng nghề trên địa bàn tỉnh có thể làm được.

Ông Lê Văn Hùng - Trưởng BQL làng nghề cho biết, trong thời gian gần đây làng nghề chúng tôi đã bắt đầu có khách đến tham quan, tuy nhiên lượng khách vẫn còn hạn chế và không thường xuyên. Chúng tôi rất mong muốn nơi đây trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn của cả tỉnh, được hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ du lịch, bố trí nguồn nhân lực phục vụ công tác thuyết minh... có như vậy sản phẩm, làng nghề mới có hồn và giá trị di sản mới có thể được phát huy.

Cùng với các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng như BQL làng nghề của xã, các hộ dân làng nghề đúc đồng đã và đang tích cực và chủ động trong việc nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp để phục vụ khách du lịch, như quà lưu niệm và một số sản phẩm mới làm từ đồng.

Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống bước đầu thu hút khách tham quan.

Theo nghệ nhân Nguyễn Bá Châu - Giám đốc Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông chia sẻ: Vấn đề đặt ra hiện nay đó là các sản phẩm đang được sản xuất lại chưa thực sự phù hợp làm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch, bởi các sản phẩm đúc đồng hiện nay có mức giá từ 2 triệu đồng trở lên. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong việc nghiên cứu ra bao bì, mẫu mã quà tặng cũng như việc đón tiếp, hướng dẫn du khách tham quan.

Vươn lên để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Ông Trần Ngọc Tùng - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Thiệu Hóa cho biết, huyện Thiệu Hóa xác định việc phát triển du lịch làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho làng nghề phát triển và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hơn nữa, nếu du lịch hoạt động hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho làng nghề được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, thực tế từ trước đến nay làng nghề của xã Thiệu Trung nói chung và nghề đúc đồng chỉ là điểm sản xuất, chưa thu hút được du khách tham quan. Để nơi đây trở thành điểm đến du lịch làng nghề còn rất nhiều vấn đề đặt ra, trước hết là công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... Chính vì vậy, để trở thành điểm đến du lịch làng nghề, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện trong công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nghề đúc đồng truyền thống; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề trên các kênh thông tin. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Tại làng nghề truyền thống xã Thiệu Trung, chính quyền địa phương cũng đã và đang khẩn trương thực hiện các kế hoạch du lịch làng nghề có thể đi vào hoạt động hiệu quả. Một số giải pháp đang được đặt ra như: Xây dựng lộ trình tham quan; kết nối tuyến, điểm du lịch; hướng dẫn du khách tham quan, tham gia trực tiếp vào một số công đoạn sản xuất, hoàn thiện sản phẩm; hình thành dịch vụ ăn uống, lưu trú; tổ chức các trò chơi dân gian... Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền vận động người dân hiểu giá trị nghề truyền thống cũng như có ý thức bảo vệ thương hiệu bằng việc lưu dấu thương hiệu trên sản phẩm; kiên quyết không cho du nhập các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại vào làng nghề...

Từ những mục tiêu đã đặt ra, làng nghề đúc đồng Trà Đông cần tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế sẵn có trên địa bàn để có thể trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]