(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã nhiều năm rồi tôi có dịp trở lại với Pù Luông, vẫn mảnh đất trời phú cho quang cảnh hùng vĩ, nên thơ với những đồi nếp nương bậc nối bậc lên ngàn, những chóp sàn nhấp nhô ẩn hiện trong làn sương ken quánh mỗi bình minh... Hoanh, Tương đôi vợ chồng trẻ năm nao tôi biết với cái nghèo khó đeo đẳng, lũ con nhỏ nheo nhóc, nay đã biết làm du lịch cộng đồng (Homestay)!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lên Pù Luông xem nhà Hoanh làm Homestay

Đã nhiều năm rồi tôi có dịp trở lại với Pù Luông, vẫn mảnh đất trời phú cho quang cảnh hùng vĩ, nên thơ với những đồi nếp nương bậc nối bậc lên ngàn, những chóp sàn nhấp nhô ẩn hiện trong làn sương ken quánh mỗi bình minh... Hoanh, Tương đôi vợ chồng trẻ năm nao tôi biết với cái nghèo khó đeo đẳng, lũ con nhỏ nheo nhóc, nay đã biết làm du lịch cộng đồng (Homestay)!

Xe đưa đoàn phóng viên chúng tôi dừng nghỉ tại gia đình Hoanh, Tương vừa lúc mặt trời khuất lấp sau đỉnh Pù Luông hùng vĩ. Chuyến hành trình dài khiến mọi người trong đoàn ai cũng rệu rã, bụng réo chuông... Do liên hệ từ trước nên vợ chồng Hoanh, Tương đã tươm tất cơm nước từ hồi chiều. Gặp người quen cũ, tôi tếu trêu thay lời chào: “Cái bụng người Kinh đói quá! Hôm nay Nọong Tương (Nọong theo tiếng Thái nghĩa là em) cho người Kinh ăn món gì đấy!”. Tương cười khúc khích, rồi mâm cơm thịnh soạn với những sản vật đặc trưng như thịt vịt Cổ Lũng, xôi đầm lá chuối, măng chua om vịt, rau cải xào và một chum rượu Cần nhanh chóng được bầy biện trên nếp nhà mát mẻ.

Chàng thanh niên một thời chỉ biết leo đồi hái ngọn măng, săn con sóc rừng nay đã ra dáng một ông chủ trẻ, một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp với tiếng Kinh sõi. “Màn đêm ở Pù Luông vẫn yên ắng và đẹp như xưa?!”. Hoanh cười bảo: “Tỉnh, huyện cũng như xã bản đã nhất quán làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên nền tảng giữ gìn phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây. Không làm du lịch kiểu công nghiệp, đô thị, không phá vỡ đặc trưng vùng miền”...

Đang mải nhìn ngắm Pù Luông về đêm, tôi chợt hỏi, “có phải nhờ làm Homestay mà 2 vợ chồng đã vươn lên thoát nghèo?!”. Hoanh cười: “Rõ là nhờ Homestay...”.

Gia đình Hoanh, Tương ngoài làm Homestay còn thêu, dệt bán vải thổ cẩm cho du khách.

Hoanh vốn gốc ở bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) dưới chân đỉnh Pù Luông, còn Tương người bên Hồi Xuân (huyện Quan Hóa). Vì nghèo đói, cả 2 trôi dạt vào Nam kiếm sống. Học hành ít, cái vốn sống cũng không nhiều, công việc để có đồng tiền nhon góp gửi về gia đình hàng năm từ nguồn nhặt phế liệu, bán vé số... Lăn lộn trên đất khách suốt gần chục năm, cho tới một ngày trưởng bản gọi điện bảo hai vợ chồng về bản để học cách làm du lịch.

“Vợ chồng mày về đi, không phải leo rừng, lội suối mà về làm du lịch cộng đồng!”- Hoanh nhớ lời trưởng bản. Trước khi về, hai vợ chồng còn không tin, bản nghèo thì làm du lịch kiểu gì?! Đâu có biển, có cái đu quay khổng lồ hay cáp treo như người Kinh đâu!... cho tới khi gia đình điện giục, lấy dẫn chứng hộ nhà bên có cái bụng no nhờ du lịch mới tin. Thế là hai vợ chồng khăn gói trong đêm bắt xe ra Bắc, về bản học làm du lịch!

Tôi hỏi tiếp, làm du lịch khó không? Hoanh cười nhanh nhảu: “Không khó! Chỉ khó là không có vốn đầu tư một lúc sắm sửa làm Homestay to như các “ông lớn” nơi khác về, mình chỉ có thể đầu tư dần dần”. Hoanh bảo: “Hiện, du khách đến với nhà Hoanh, Tương hay bất kể một gia đình người Thái đen nào của bản đều rất thích ở nhà sàn, ăn những sản vật đặc trưng, thích đi ngắm cảnh chụp ảnh với đồi nếp nương bậc thang óng ánh mùa lúa chín; hay trải nghiệm với người dân tham gia gặt hái, lội suối bắt cá, bắt cua... nấu ăn... nhất là mấy ông bà bên Tây”.

Hoanh cho biết, kể từ khi làm du lịch Homestay, cuộc sống của hai vợ chồng và con cái đã đổi thay hoàn toàn. Mỗi năm hai vợ chồng có thêm một khoản kha khá để chi tiêu, sắm sửa, mỗi tháng cũng để ra được mươi triệu dành dụm.

“Mình phải đầu tư dần dần. Các lớp tập huấn của huyện, của tỉnh về cách thức làm du lịch trang bị cho mình biết, phải đầu tư như thế nào. Từ chuyện cái nhà sàn cũ phải sơn lại, làm rộng to ra cho khách ở. Cái ao trước nhà phải uốn nắn ra hình cái bể bơi quả bầu, quả bí. Buồng ngủ phải sắm sửa tươm tất nệm, màn... rồi nhà vệ sinh, phải biết vay vốn ngân hàng chính sách xã hội kiên cố, sạch sẽ...” - Hoanh nhẩm. Cũng theo anh hướng dẫn viên “chân đất” này thì du khách đến với Pù Luông gần như bốn mùa, nhưng đông nhất là những ngày dịp lễ, dịp mùa lúa chín (tháng 5, tháng 9)...

Tôi hỏi: Các hộ như nhà mình làm du lịch còn thiếu, còn cần gì không? Hoanh thẳng thắn: “Thiếu nhiều, cần nhiều chứ! Ví như khách đông mà khả năng đầu tư cơ sở lưu trú tại gia của các gia đình còn hạn chế, rồi lương thực, thực phẩm”. Vậy cái cần là gì? - Hoanh lại cười, “Cần nhà báo như các anh truyền thông, quảng bá nhiều hơn!”...

Đêm hôm đó, sau buổi trò chuyện cùng Hoanh tôi gần như không ngủ, không muốn bỏ qua cái khung cảnh nên thơ, tĩnh lặng ở Pù Luông. Những chòm sương đêm bảng lãng dưới ánh trăng mờ, tiếng róc rách của suối, tiếng côn trùng kêu râm ran... cho tới khi sương đã đổ đặc trên cỏ non, bình minh bắt đầu với những tia nắng chiếu rọi qua sương mai cho những hạt lúa óng ánh... Ngày hôm đó, đoàn chúng tôi đã thực sự có một sự trải nghiệm ý nghĩa khó quên, được ăn, được lao động, ngắm cảnh bản làng trên dãy Pù Luông...

Đến tận khi chia tay, sau lưng tôi là những căn nhà Homestay tuyệt đẹp, cán bộ huyện Bá Thước mới thủ thỉ với tôi rằng: “Du lịch cộng đồng ở Pù Luông đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là khách nước ngoài với loại hình du lịch trải nghiệm. Việc các hộ dân đầu tư làm Homestay như hộ Hoanh, Tương đang được huyện khuyến khích nhân rộng. Mở các lớp tập huấn từ văn hóa giao tiếp đến nấu ăn, hướng dẫn giới thiệu... Bên cạnh những nỗ lực cố gắng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng này, rất cần sự quảng bá từ truyền thông từ báo chí”.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]