(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong quá trình phát triển, hoạt động du lịch tất yếu có những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên. Mục tiêu của Thanh Hóa là giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động du lịch gây nên, tạo ra và giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các khu du lịch

Trong quá trình phát triển, hoạt động du lịch tất yếu có những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên. Mục tiêu của Thanh Hóa là giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động du lịch gây nên, tạo ra và giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường trong lĩnh vực du lịch nói riêng, đã được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, đơn vị kinh doanh và cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch.

Tại TP Sầm Sơn, đến nay 100% cơ sở kinh doanh đều thực hiện cam kết sử dụng nước sạch và xử lý rác thải hàng ngày. Các tuyến đường chính trong nội thị và dọc bãi biển đều được trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức của du khách. Việc thu gom và vận chuyển rác dọc bãi tắm và trong khu đô thị được Công ty CP Môi trường Đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn thực hiện 3 lần/ngày.

Khu du lịch biển Sầm Sơn thường xuyên được dọn dẹp, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ông Lê Văn Hiển - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn cho biết: “Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch ngày càng được nâng cao, hạn chế tối đa việc xả rác bừa bãi. Đặc biệt là lối sống văn minh, không xả rác nơi đô thị trong các khu dân cư trên địa bàn TP Sầm Sơn. Đối với cư dân đô thị và hộ sản xuất kinh doanh, việc áp dụng quy định về chế tài xử phạt được TP thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, do đó tình trạng xả rác ra biển và nơi công cộng giảm rất nhiều so với trước đây”.

Cùng với Sầm Sơn, đến nay, các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Lam Kinh (Thọ Xuân)... đã ban hành và thực hiện tốt các quy chế về bảo vệ môi trường, xây dựng được nhiều mô hình quần chúng tham gia bảo vệ môi trường ở các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng, thành lập các tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện tốt công tác tổng vệ sinh môi trường, đảm bảo không để tồn đọng rác trên các trục đường, khu dân cư, khu vực công cộng và dọc bãi biển. Đồng thời phát động một số chiến dịch trồng thêm cây xanh lấy bóng mát và tạo môi trường trong lành, cảnh quan sinh thái.

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, hiện nay hầu hết các khu, điểm du lịch trọng điểm cũng như một số điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đã được trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức của du khách trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm túc quy định của chính quyền địa phương, đảm bảo vệ sinh khu vực du lịch. Đặc biệt, các khu du lịch biển, 100% nhà hàng, khách sạn đều thực hiện cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh, các cơ sở lưu trú thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng, thực hiện tốt việc thu gom và vận chuyển rác tập trung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vào một số ngày cuối tuần, lượng khách tập trung đông tại các khu du lịch biển, vẫn còn hiện tượng vứt rác tùy tiện trên bãi cát (như túi nilon, bao bì, vỏ bánh kẹo, hoa quả, hộp sữa...), nước thải từ các hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, các hoạt động dịch vụ nhỏ, sinh hoạt dân cư, chế biến thủy hải sản quy mô nhỏ, mới xử lý tự thấm tại chỗ, hoặc chảy tràn theo các nguồn nước mặt, nước mưa thải ra biển, gây ô nhiễm bờ biển... Ngoài ra, lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh, phần lớn chưa được xử lý, hoặc xử lý bằng phương pháp thủ công, công nghệ lạc hậu. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên, cảnh quan sinh thái các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ, đến nay một số khu, điểm du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, chưa có hệ thống thu gom nước xả bẩn, thùng đựng rác...

Để môi trường tự nhiên tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề ra một số giải pháp quan trọng như: triển khai có hiệu quả Thông tư liên tịch số 19 (ngày 30/12/2013) giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện tốt Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến của Bộ VH,TT&DL... Đồng thời lồng ghép việc bảo vệ môi trường với một số phong trào, cuộc vận động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Kịp thời động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường du lịch. Khuyến khích các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống áp dụng mô hình xử lý rác thải, chất thải tiên tiến... Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường du lịch theo quy định.

Đó là cách làm từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Để có một môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, rất cần có sự vào cuộc tích cực từ phía cộng đồng dân cư, khách du lịch, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]