(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Két đạn trở thành kệ đựng sách, hoa được cắm trong những vỏ đạn, tranh cổ động thời chiến... những vật dụng chiến tranh được ông chủ quán cà phê khéo léo trang trí, bày biện khiến cho không gian quán trở nên sáng tạo, lôi cuốn và riêng biệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét ‘cách mạng’ giữa lòng thành phố

(VH&ĐS) Két đạn trở thành kệ đựng sách, hoa được cắm trong những vỏ đạn, tranh cổ động thời chiến... những vật dụng chiến tranh được ông chủ quán cà phê khéo léo trang trí, bày biện khiến cho không gian quán trở nên sáng tạo, lôi cuốn và riêng biệt.

Những ai lần đầu tiên bước chân đến quán cà phê Cách mạng ở 27 Hạc Thành, TP Thanh Hóa hẳn sẽ không khỏi lạ lẫm, ngỡ ngàng trước những vật dụng được trang trí trong không gian quán là những đồ dùng của một thời hoa lửa. Và đúng như tên gọi Cách mạng, màu sắc chủ yếu của quán là màu xanh áo lính.

Tại đây, mọi người sẽ được nhìn ngắm cuộc sống ngày xưa của người lính cụ Hồ thông qua những vật dụng nhỏ nhất như: Chiếc thìa, cái ca, bộ đựng đồ ăn, mũ cối, mũ tai bèo, áo giàn di, bi đông nước... cho đến những thiết bị “khủng” hơn như hòm đạn, vỏ đạn, máy truyền phát tín hiệu vô tuyến... Tất cả đều mang chất lính bi hùng và đầy khí phách của thời hoa lửa.

Ở đó còn có những bức tranh cổ động với khẩu hiệu: “Chớ dại dột đụng đến đất nước này”; bức ảnh giải phóng Điện Biên Phủ... đã tạo thành một không gian sinh động, có tính gợi mở thực khách nhớ về một thời huy hoàng trong lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh.

Để có được bộ sưu tập độc đáo như vậy, anh Phùng Mạnh Toàn (chủ quán cà phê) cùng với người bạn của mình đã phải dày công đi khắp mọi miền Tổ quốc để nghiên cứu, mò mẫm, tìm hỏi mua lại từ rất nhiều người. Gắn phong cách của quán theo đúng chất “cách mạng”, nên ngay từ khi có ý định mở quán, anh liền đi tìm hiểu, tham khảo tư liệu về những hình ảnh, cách sinh hoạt của người lính xưa, tích góp tiền để mua sắm các đồ cổ của lính.

“Hầu hết các hiện vật có trong quán là do anh sưu tầm, tìm mua. Nhưng cũng có những vị khách sau khi đến uống cà phê thấy phong cách độc đáo của quán liền tặng cho quán thêm hiện vật thời chiến mà gia đình còn lưu giữ. Còn những bức tranh cổ động ngày xưa do quá khó mua lại nên tôi có tìm hiểu trên mạng rồi thuê lại họa sĩ vẽ lại theo đúng phong cách, khẩu hiệu ngày xưa” - anh Toàn chia sẻ.

Một góc quán cà phê Cách mạng.

Hiện tại, quán có khoảng 100 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị.

Có thể thấy, nhiều thực khách khi đến thưởng thức một ly cà phê sạch bỗng bị cuốn hút lạ kỳ và có cảm giác như đang lạc vào một bảo tàng thu nhỏ nào đó với đầy đủ các kỷ vật của một thời oanh liệt, một thời “không thể quên”.

Tại quán còn bày những quyển sách đã ngả vàng, giấy nâu ngày xưa, là những tác phẩm văn học kinh điển một thời. Mỗi vật dụng, chi tiết bày trí trong quán đều gợi lên trong tâm trí niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, nhất là đối với các bạn trẻ, những người chỉ nghe kể lại câu chuyện chiến tranh.

Đi vào hoạt động đã gần 3 năm, đến nay cà phê Cách mạng đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người, có những người trẻ, những bác cựu chiến binh, những người lính chiến đến nhìn ngắm và ôn lại kỷ niệm xưa.

Đó cũng là nét riêng biệt giữa lòng TP Thanh Hóa đang rất cuốn hút du khách gần xa.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]