(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Quần thể danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn (Xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc), với nhiều hệ thống hang động kỳ vĩ, từ động khô đến động nước; 29 ngọn núi liên kết tạo thành một quần thể tựa “tiên sơn linh mẫu” (người mẹ ôm con)... Miền non nước hữu tình danh thắng Kim Sơn ấy, đã và đang đi vào lòng du khách, trở thành điểm nhấn trên “con đường du lịch” về với miền đất Tây Đô - Thành Nhà Hồ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Non nước Kim Sơn

(VH&ĐS) Quần thể danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn (Xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc), với nhiều hệ thống hang động kỳ vĩ, từ động khô đến động nước; 29 ngọn núi liên kết tạo thành một quần thể tựa “tiên sơn linh mẫu” (người mẹ ôm con)... Miền non nước hữu tình danh thắng Kim Sơn ấy, đã và đang đi vào lòng du khách, trở thành điểm nhấn trên “con đường du lịch” về với miền đất Tây Đô - Thành Nhà Hồ.

Quần thể danh thắng Kim Sơn được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Mục thị Kim Sơn - Động xuyên lòng núi

Từ đầu làng Sen trên con thuyền nhỏ, mái chèo khua khoảng 300m, thuyền chúng tôi đã chạm cửa động. Cửa động rộng chừng 30m vòm cung, nhiều cây dương xỉ mọc bám rễ trên những nhũ đá nghìn năm tuổi. Ngay cửa động, ngước lên vách núi có thể dễ dàng quan sát hàng chữ Hán đề “Thanh Hoa thắng tích”. Từ cửa động, đi sâu vào bên trong, chúng tôi gần như chìm trong bóng đêm “nghìn năm không ánh sáng”, nhưng những báu vật thạch nhũ nghìn năm tuổi với muôn hình vạn trạng của thiên nhiên từng lúc hiện ra trước mắt.

Tiếp tục đi sâu vào lòng động, chúng tôi lại thêm một lần nữa bắt gặp dòng chữ Hán được khắc trên vách đá với tựa đề Phong Môn (tức cửa gió). Quan sát phía trên cửa hang phía Bắc, còn có khắc một bài thơ thất ngôn bát cú: “Quý Dậu Xuân, Huyện Doãn Nguyễn đề Kim Sơn động”.

“Động tiên” trên đỉnh Thung Vinh

Rời động Kim Sơn, để đến được Động Tiên Sơn - hang động được ví von như “tiên động trên núi” mới được lộ khai. Người phát hiện ra hang động cổ này là Bí thư đoàn xã Trần Song Toàn.

Sau khi chinh phục 202 bậc cầu đá uốn lượn dẫn lên cửa động, nằm ở lưng chừng núi Thung Vinh, chúng tôi được tận mắt ngắm cây thị rừng, loại cây có quả to bằng ngón tay cái, hình giống quả thị ta. Từ vị trí này, chúng tôi có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn như một bức tranh sơn mặc. Phía trước, khoảng 400m là động nước Kim Sơn vừa khám phá. Bên cạnh chùa Linh Ứng. Nối giữa động Tiên Sơn và động Kim Sơn là khu đầm Ấu, đầm Sen uốn lượn xanh rì... Bước chân vào động cổ, mọi người sững lại khi ngay trước mắt là khối thạch nhũ to lớn, ánh vàng tựa hình Quan thế âm Bồ Tát ngự trên đài sen, với chiều cao hơn 20m, mặc áo cà sa lấp lánh.

Tiếp tục lên tầng hai của sơn động - được gọi là Thiên Cung. Đẹp nhất của Thiên cung phải kể đến “giếng tiên” chứa đựng những tinh túy được lắng lọc nghìn năm qua những khối thạch nhũ, đó cũng là thứ nước được tôn niệm là những giọt mắt của trời. Từ “Thiên Cung” rộng lớn có thể nhìn thấy trời, chúng tôi tiếp tục được cụ Vang - người coi động - đưa xuống “Thủy Cung”, thăm cung vua Thủy Tề. Tại cung Thủy Tề, có sự xuất hiện của những đàn đá, hòa điệu trong âm thanh tí tách âm vang bản nhạc du dương, khi trầm khi bổng. Từ Thủy cung chúng tôi tiếp tục leo lên cung Tiên Ông. Cung Tiên Ông có tượng Tiên Ông cao hơn 20m, ngay bên trụ đá lớn, cao vút được ví là trụ chống trời, bao bọc xung quanh là những khối thạch nhũ buông xuống lấp lánh...

Điểm nhấn trên “con đường du lịch”

Theo bà Đỗ Thị Loan - Trưởng Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc nhận định: Thắng tích Kim Sơn sẽ là điểm nhấn trên “con đường du lịch” đến với Tây Đô - Thành Nhà Hồ. Xét về vị trí, thắng tích Kim Sơn cách Thành Nhà Hồ 25 km, cách thành phố Thanh Hoá 40 km. Đây là hệ thống núi đá vôi với nhiều hang động. Núi Kim Sơn, là dãy núi có cảnh quan đẹp, hiện nay còn lưu giữ được nhiều bài thơ của các bậc “tao nhân mặc khách” chép đề trên những vách đá tại các hang động. Theo sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Kim Sơn, có một tên nữa là núi Biện, cũng gọi là núi Bông. Mạch núi được ăn từ phía Đông dãy Hùng Lĩnh men theo con sông Mã rồi đổ xuống đây nổi lên 29 ngọn núi tựa “tiên sơn linh mẫu”.

Ngoài 2 hệ thống hang động Tiên Sơn, Kim Sơn thì trong hệ thống danh thắng còn có động Ngọc Kiều là một trong 7 động rộng và đẹp ở Kim Sơn. Trong động, hiện còn lưu giữ nhiều tấm bia đá có bút tích Hán Nôm nội dung ca ngợi cảnh đẹp của động Ngọc Kiều và động Kim Sơn. Mặt bằng của nền động ở phía ngoài có chiều dài 54m, rộng 17m, động hình vòm như một “chiếc ô khổng lồ”. Nơi đây từng là nơi trú quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cũng là nơi đặt xưởng quân giới để sản xuất vũ khí cung cấp cho mặt trận. Từ những năm1889 - 1907 (dưới thời vua Thành Thái) nhân dân đã lập đền thờ ngay trên triền núi có tên là Ngọc Sơn để thờ Ngọc Hoàng vì ngài đã ban phước lành cho nhân dân.

Có thể nói, quần thể hang động của thắng tích Kim Sơn không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị địa lý, kiến tạo, địa chất, là nguồn tài nguyên tự nhiên để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, sinh thái và văn hoá tâm linh của huyện. Với những tiềm năng du lịch “có một không hai” của danh thắng Kim Sơn, huyện Vĩnh Lộc cũng đã lập quy hoạch trình tỉnh.

Đây hứa hẹn sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng trên “con đường du lịch”: Thành Nhà Hồ - Phủ Trịnh - Danh thắng Kim Sơn - Ly cung Trần - Hồ mà cán bộ văn hóa huyện cho chúng tôi biết trước giờ hạ sơn.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]