(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với các tuyến du lịch trong huyện, liên tỉnh và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện miền núi Quan Sơn đang biến tiềm năng thành hiện thực.

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Quan Sơn

Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với các tuyến du lịch trong huyện, liên tỉnh và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện miền núi Quan Sơn đang biến tiềm năng thành hiện thực.

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Quan Sơn

Cảnh sắc thiên nhiên tại huyện miền núi biên giới Quan Sơn.

Được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đặc biệt cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú với hệ thống hang động, thác nước, cùng nhiều di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện miền núi Quan Sơn đang hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Huyện Quan Sơn có một phần diện tích nằm trong khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, đồng thời nằm ở vị trí giáp ranh giữa các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Xuân Liên, Pù Luông và Khu bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia Nam Xam (CHDCND Lào). Huyện cũng tiếp giáp, kết nối với trung tâm phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước, Mai Châu (Hòa Bình)…

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Quan Sơn

Hòn đá vía xã Sơn Thủy gắn với lễ hội Mường Xia của đồng bào Thái huyện Quan Sơn.

Nhiều ngôi nhà sàn trong huyện vẫn được bảo tồn. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (khèn bè, khua luống, cồng chiêng), nghề dệt, các lễ hội truyền thống (lễ hội Mường Xia của đồng bào Thái), văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa (di tích cầu Phả Lò, đền thờ Tư Mã Hai Đào) được gìn giữ, phát huy.

Cùng với đó, chợ phiên Na Mèo - phiên chợ chỉ họp vào sáng thứ bảy hàng tuần, hàng hóa chủ yếu là những sản vật của đồng bào các dân tộc Việt - Lào khu vực biên giới là điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến Quan Sơn.

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Quan Sơn

Đền thờ Tư Mã Hai Đào - Phò mã Tén Tằn tại xã Sơn Thủy.

Xác định tiềm năng, thế mạnh to lớn đó, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, theo đó phấn đấu đến năm 2025 đón 8.000 lượt khách du lịch cộng đồng, trong đó có 2.500 lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 6.870 triệu đồng. Đến năm 2025 phấn đấu 100% hộ tham gia du lịch cộng đồng sử dụng nước sinh hoạt, nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh; 100% điểm đến du lịch cộng đồng có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách, 100% thôn, bản phát triển du lịch có hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch kết hợp du lịch lịch sử, văn hóa, khám phá thiên nhiên…

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Quan Sơn

Những cọng nước ở Quan Sơn hút hồn du khách.

Thời gian qua, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Do vậy, bên cạnh việc phát huy giá trị các tài nguyên du lịch cộng đồng, thì việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Bên cạnh đó, để phát triển du lịch cộng đồng thực sự mang lại hiệu ứng tích cực, trước hết huyện Quan Sơn cần có chiến lược, lộ trình cụ thể, tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống các điểm lưu trú, điện, đường, trường, trạm; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng; các loại hàng hóa đặc thù của địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị, từ đó phát huy hết tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có.

TRUNG LÊ


TRUNG LÊ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]