(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực tế một vài năm trở lại đây cho thấy loại hình du lịch cộng đồng tại khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đã và đang thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nhờ phát triển du lịch homestay đã mở ra cho người dân miền núi hướng phát triển kinh tế mới, có những hộ doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch trên vùng đất khó (Bài 2): Homestay - “Con gà đẻ trứng vàng”

Thực tế một vài năm trở lại đây cho thấy loại hình du lịch cộng đồng tại khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đã và đang thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nhờ phát triển du lịch homestay đã mở ra cho người dân miền núi hướng phát triển kinh tế mới, có những hộ doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Con gà đẻ trứng vàng” của miền Tây

Hiện nay các huyện miền núi đang tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm... trong đó loại hình du lịch homestay (nghỉ tại nhà dân) được đánh giá là loại hình mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất và đang có xu hướng phát triển tốt.

Có thể nói, hiện nay thành công nhất trong phát triển du lịch homestay phải kể đến một số huyện như: Lang Chánh, Bá Thước. Cụ thể, đến nay toàn huyện Bá Thước đã có gần 70 hộ tham gia kinh doanh du lịch homestay. Điển hình như bản Đôn (Thành Lâm), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Kho Mường (xã Thành Sơn)... Được biết, mặc dù hoạt động du lịch đã bắt đầu manh nha từ những năm 2007, tuy nhiên cho đến năm 2013 các bản mới bắt đầu đón khách. Đến nay, lượng khách ngày càng gia tăng, có những hộ đón được 100% là khách quốc tế... nhờ đó cuộc sống của người dân trở nên dư dả, ngày càng mạnh dạn tu sửa, mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động du lịch.

Anh Hà Văn Sỹ - một trong những hộ kinh doanh homestay ở bản Hiêu (xã Cổ Lũng) chia sẻ, đến nay hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú của gia đình đã đi vào “quỹ đạo”, nguồn khách có quanh năm và chủ yếu đến từ các đơn vị lữ hành Hà Nội. Trong thời gian gần đây trung bình mỗi tháng gia đình đón được 20 đoàn khách, trong đó 100% là khách quốc tế, với mức giá 100 USD/người/ngày, đêm (có kèm bữa ăn sáng). Do lượng khách ổn định trong những năm gần đây, vì vậy gia đình có nguồn kinh phí để đầu tư mở rộng thêm một số công trình như: nhà sàn, bungalow, nhà vệ sinh, đầu tư cải tạo ao cá, khuôn viên, trang thiết bị trong nhà... với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.

Homestay huyện Bá Thước ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch.

Theo thông tin từ UBND huyện Bá Thước, chỉ tính từ năm 2015 đến nay các điểm du lịch (chủ yếu kinh doanh loại hình du lịch homestay) đã đón được gần 50 nghìn lượt khách, với tổng doanh thu ước đạt gần 50 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 toàn huyện đã đón được trên 23 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 5 nghìn lượt.

Những “con gà đẻ trứng vàng” của huyện Bá Thước đang là minh chứng để các huyện khác trên địa bàn tỉnh như: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh... có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong phát triển du lịch.

Để homestay ngày càng hiệu quả

Loại hình homestay ở một số huyện miền núi như Lang Chánh, Bá Thước... đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của khách du lịch đến đây. Như Simon Kapitza (nữ du khách người Đức) đã từng chia sẻ: “Chỉ homestay mới giúp trải nghiệm, nắm bắt sâu hơn nhịp sống, khát vọng sống đầy sáng tạo và mãnh liệt của vùng đất này”.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng các hoạt động homestay ở một số huyện miền núi của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp, một số hộ đầu tư chưa bài bản...

Theo nhiều doanh nghiệp, nếu làm tốt, du lịch homestay còn nhiều cơ hội phát triển bởi du khách ngày càng có nhu cầu khám phá, tiếp cận gần hơn với cuộc sống của người dân bản địa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giữ được “chất” của homestay và tại những điểm homestay nên cung cấp thêm dịch vụ du lịch hay những gói trải nghiệm cho du khách.

Bà Phạm Hoài Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Eagle chia sẻ, sở dĩ dịch vụ homestay phát triển tốt ở miền Tây Thanh Hóa là nhờ chính quyền địa phương và sự hỗ trợ ban đầu của các tổ chức quốc tế có những chương trình tài trợ phát triển nhằm nâng cao đời sống của người dân bản địa. Mấu chốt đem đến thành công cho những nơi này nằm ở đời sống văn hóa, thắng cảnh đặc sắc đủ sức thu hút du khách. Và hiện nay chúng tôi cũng đang có chương trình đầu tư phát triển du lịch homestay trên địa bàn huyện Như Xuân. Theo đó, khi làm du lịch homestay, chúng tôi sẽ hỗ trợ chủ nhà sửa sang thêm nhà cửa, thêm một số tiện ích cho khách; hướng dẫn họ thêm cách chế biến món ăn cho đa dạng, hợp vệ sinh... Và khi khách đến, việc giữ chuẩn dịch vụ là rất quan trọng. Chính vì vậy, đối với những hộ liên kết với chúng tôi cần cam kết giữ được “chất” của homestay cũng như có thái độ phục vụ khách tốt nhất.

Một số doanh nghiệp cũng đồng tình là dịch vụ homestay muốn sống được thì phải duy trì được nét văn hóa của người dân bản địa. Tại những ngôi nhà làm dịch vụ này, người dân vẫn sống, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng họ được đào tạo để phục vụ du khách. Bởi đó chính là yếu tố cốt lõi để thu hút và phát triển loại hình du lịch homestay bền vững.

Với lợi thế về các điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc, du lịch “homestay” được xác định là một hình thức du lịch phù hợp và dễ phát triển tại khu vực miền núi phía Tây của tỉnh. Đây là một loại hình du lịch còn khá trẻ nhưng với những kết quả gặt hái được ban đầu, homestay hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương - “nhân tố cốt lõi”, các công ty lữ hành - “cầu nối” và các cấp chính quyền - “đòn bẩy”.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]