Giới trẻ và cơ hội phát triển từ du lịch địa phương (Bài 1): Dấn thân
Du lịch Thanh Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều tiềm năng chưa khai phá hết. Trong dòng chảy phát triển đó, nhiều thanh niên đã chủ động nắm bắt cơ hội, khẳng định vai trò không chỉ là người thụ hưởng mà còn là chủ thể kiến tạo. Từ khởi nghiệp, sáng tạo nội dung, quảng bá hình ảnh quê hương đến tham gia bảo tồn giá trị văn hóa, họ đang viết nên những câu chuyện đầy cảm hứng, góp phần làm sống động bức tranh du lịch địa phương.
Du khách trải nghiệm tại “Ông Hướng Farm”.
Với đường bờ biển dài, hệ thống di tích, danh thắng phong phú cùng bản sắc văn hóa đa dạng, Thanh Hóa đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Từ Sầm Sơn sôi động, biển Hải Tiến thơ mộng đến Pù Luông hoang sơ hay Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới độc đáo... xứ Thanh hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch. Và ngành công nghiệp không khói này không chỉ tạo đà cho kinh tế địa phương tăng trưởng mà còn mở ra cơ hội lớn cho thế hệ trẻ lập thân, lập nghiệp. Trong đó, Lê Thị Hải, Giám đốc Công ty CP Quốc tế du lịch xanh, một thanh niên trẻ đã dũng cảm lựa chọn con đường khởi nghiệp từ chính thế mạnh của quê hương.
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Thạch Thành (cũ), Lê Thị Hải sớm hình thành trong mình ý thức tự lập và khát vọng làm điều có ích cho quê hương. Khi đang theo học tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chị đã có tinh thần tự lập, vừa học vừa làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Chị không ngại dấn thân thử sức ở lĩnh vực mới, mở một quán cà phê nhỏ, bước đầu tiếp cận với tư duy kinh doanh và mô hình dịch vụ khách hàng. Năm 2016, tốt nghiệp, Hải không chọn con đường an toàn là làm công ăn lương, chị tiếp tục hành trình dấn thân, cùng bạn thành lập Công ty CP Quốc tế du lịch xanh, với ước mơ tạo nên một thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, tận tâm và mang bản sắc địa phương.
Bước chân vào thị trường du lịch đầy cạnh tranh, lại chưa có nhiều vốn liếng hay mối quan hệ, những ngày đầu khởi nghiệp với Hải thực sự là thử thách cam go. Không ít lần, giữa trưa nắng như đổ lửa, cô gái trẻ vẫn kiên trì chạy xe máy đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học... để chào mời, giới thiệu các tour du lịch. “Có hôm 11 giờ trưa, nắng hầm hập, người ướt sũng mồ hôi, mệt lả vì đi mời chào tour. Đến nơi cơ sở thấy mình nhiệt tình quá nên thương, rồi ký hợp đồng ủng hộ...”, Hải kể lại. Khó khăn càng chồng chất hơn khi đây cũng là thời gian chị học lấy bằng thạc sĩ. Quá nhiều công việc và áp lực, đã có những lúc Hải muốn dừng lại, nhưng rồi, tình yêu với nghề, niềm tin vào hướng đi mình chọn đã giúp chị tiếp tục tiến về phía trước.
Vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, công ty dần có lượng khách hàng ổn định. Nhưng rồi dịch COVID-19 ập đến, ngành du lịch rơi vào trạng thái đóng băng. Một lần nữa, Hải và cộng sự lâm vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, với nhiệt huyết tuổi trẻ, Hải không lùi bước mà tranh thủ thời gian này để tái cấu trúc hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu và mở rộng hợp tác. Nhờ sự linh hoạt và quyết đoán, công ty một lần nữa vượt qua thử thách, và từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường. Đến nay, Du lịch Xanh là đối tác chính thức của nhiều công ty du lịch quốc tế, mỗi năm cung cấp dịch vụ cho khoảng 12.000 lượt du khách, trở thành một trong những công ty du lịch có tiếng tại Thanh Hóa.
Lê Thị Hải chia sẻ: “Ngành du lịch hiện đang khát nhân lực, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng và được đào tạo bài bản. Với những bạn trẻ có tinh thần cầu tiến, biết nắm bắt xu hướng và dám dấn thân, du lịch chính là mảnh đất màu mỡ để phát triển nghề nghiệp hoặc bắt đầu con đường khởi nghiệp. Chỉ cần đam mê, bạn có thể tạo ra cơ hội cho chính mình và cả cộng đồng”.
Còn với thanh niên Nguyễn Hà Đông (phường Đông Tiến) ghi dấu ấn cá nhân trong lĩnh vực du lịch bằng những mô hình sáng tạo và đầy tính giáo dục. Anh không chỉ góp phần tạo nên một điểm đến hấp dẫn cho địa phương mà còn mang đến những trải nghiệm giá trị cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Xuất phát từ niềm yêu thích thiên nhiên, nông nghiệp và mong muốn xây dựng một không gian du lịch gần gũi, bổ ích, Nguyễn Hà Đông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình “Ông Hướng Farm”, một điểm đến kết hợp giữa du lịch trải nghiệm và nông trại sinh thái. Không gian nơi đây vừa mang tính thư giãn, vừa giáo dục về môi trường, nông nghiệp sạch, đồng thời tạo điều kiện để khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ tìm hiểu và kết nối với đời sống lao động thực tế. Với cách tổ chức mới lạ, hiện đại “Ông Hướng Farm” nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Chị Hải trong một hoạt động quảng bá du lịch.
Không dừng lại ở việc xây dựng điểm đến, Đông và các bạn của mình còn là những người tiên phong tại Thanh Hóa trong việc xây dựng chương trình du lịch kết hợp giáo dục “Lam Sơn tụ nghĩa”. Thông qua hành trình khám phá các địa danh lịch sử nổi tiếng trong tỉnh, học sinh không chỉ được tìm hiểu về truyền thống hào hùng của dân tộc mà còn được tham gia các hoạt động nhóm, thử thách rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao tinh thần tập thể. “Lam Sơn tụ nghĩa” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhà trường, phụ huynh và đông đảo học sinh. Bên cạnh đó, Đông kết hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện tạo ra nhiều chương trình mới, hấp dẫn, tăng trải nghiệm cho du khách đến tham quan, khám phá Thanh Hóa như trò chơi truy tìm kho báu tại các bãi biển, phiên chợ quê, đêm lửa trại văn hóa... Mỗi hoạt động đều mang dấu ấn riêng, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giáo dục và giải trí, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo mà gần gũi. Theo Đông “trong hành trình khởi nghiệp của mình, việc dám nghĩ, dám làm, không ngại dấn thân tìm cái mới là điều quyết định dẫn đến thành công. Đến bây giờ, mình vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo những điều mới lạ để “Ông Hướng Farm” níu chân và thu hút du khách”.
Không chỉ mở công ty du lịch, tạo dựng điểm đến... nhiều bạn trẻ ở Thanh Hóa còn khởi nghiệp thành công khi là “ông chủ”, “bà chủ” của các homestay, nhà hàng ăn uống, khu du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch đặc trưng... Đó là cặp vợ chồng trẻ Lữ Văn Tính, người dân tộc Thái với nhà hàng ăn uống, khu lưu trú Tuyến Tính tại bản Mạ (xã Thường Xuân); nhóm bạn trẻ Đào Ngọc Bình, Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung (xã Bá Thước) với Công ty TNHH Puluong Cuisine (Tinh hoa ẩm thực Pù Luông) sản xuất các sản phẩm từ quýt hoi... Và chính những câu chuyện về sự dấn thân ấy là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, để họ hiểu rằng du lịch không chỉ là ngành kinh tế dịch vụ, mà còn là vùng đất rộng mở cho những ai mang trong mình khát vọng đổi thay, ý chí lập thân, tinh thần sáng tạo và tình yêu quê hương sâu sắc.
Bài và ảnh: Vân Anh
{name} - {time}
-
2025-07-04 10:55:00
Những người khai canh vùng đất ven biển Nga An
-
2025-07-02 09:13:00
Hy Lạp bắt đầu áp phí với những du thuyền tới thăm các đảo
-
2025-07-01 08:15:00
Di tích thắng cảnh Phố Cát: Điểm đến tâm linh hấp dẫn
Việt Nam đang áp dụng chính sách thị thực đặc thù gì cho du khách quốc tế?
Việt Nam và Trung Quốc vào chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025
Làng Xa Lý thẳng cánh cò bay
Làng du lịch Yên Trung: Điểm đến “giải nhiệt” mùa hè
Tắm thác “giải nhiệt” mùa hè
“Giải nhiệt” ngày hè nắng nóng ở thác Mây
Du lịch cộng đồng ở thôn Bầm
Phú Xá - đất lành, đất thượng phúc