(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chiều 13/3 đoàn khảo sát do Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ tổ chức cùng các đại biểu Sở, ban, ngành chức năng tỉnh, huyện đã khảo sát tuyến du lịch dọc tuyến Quốc lộ 217 từ Di sản thế giới Thành Nhà Hồ - Đền thờ Trần Khát Chân - Phủ Trịnh, Nghè Vẹt - Chùa Hoa Long - Quần thể thắng tích Kim Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sớm hình thành tour du lịch Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận

(VH&ĐS) Chiều 13/3 đoàn khảo sát do Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ tổ chức cùng các đại biểu Sở, ban, ngành chức năng tỉnh, huyện đã khảo sát tuyến du lịch dọc tuyến Quốc lộ 217 từ Di sản thế giới Thành Nhà Hồ - Đền thờ Trần Khát Chân - Phủ Trịnh, Nghè Vẹt - Chùa Hoa Long - Quần thể thắng tích Kim Sơn.

Tour Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận góp phần thúc đẩy du lịch xứ Thanh. (Ảnh: Hữu Hùng)

Hấp dẫn từng địa danh, thắng tích

Xuất phát từ Thành Nhà Hồ, theo tuyến QL217, đoàn khảo sát dừng chân tại Đền thờ Trần Khát Chân - Nơi thâm u mát mẻ với 7 cây cổ thụ to lớn được liệt danh là cây Di sản Việt Nam. Đền thờ Trần Khát Chân cách Thành Nhà Hồ khoảng 3km về phía Nam. Theo các cụ truyền lại đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XV bao gồm Nghinh môn, Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, ngoài ra còn các công trình phụ khác như lầu Ngư dội, nhà sắm lễ... Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như kiệu long đình, kiệu bát cống, ngựa bạch, kiếm, bộ bát biểu, hệ thống các bức đại tự, câu đối, hoành phi, đồ thờ... Đặc biệt còn lại nhiều sắc phong của các đời vua triều Nguyễn.

Dời đền Trần chúng tôi tiếp tục dọc theo QL 217, và dừng chân tại Di tích lịch sử Quốc Gia Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng). Những ngày này, bà con dòng tộc họ Trịnh, cùng chính quyền địa phương đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 447 năm ngày mất Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1570 - 2017) và lễ hội Phủ Trịnh năm 2017. Phủ Trịnh được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỷ XVI - XVII. Theo thời gian, cụm di tích hiện còn một tòa nhà 7 gian hình chữ Nhất, lợp ngói. Trong quần thể di tích Phủ Trịnh nổi bật là nghè Vẹt với nhiều không gian kiến trúc theo kiểu đăng đối. Tại đây có ban thờ và bài vị, cùng mười hai pho tượng gỗ thờ 12 chúa Trịnh. Đặc biệt, trong nghè còn lại 4 con ngựa thờ bằng gỗ và nổi bật là hai con vẹt lớn được coi là linh vật đồng thời là biểu tượng của nhà Trịnh.

Từ Phủ Trịnh - Nghè Vẹt đi thêm hơn 1km nữa là danh thắng Quần thể thắng tích Kim Sơn. Thắng tích Kim Sơn thuộc địa phận làng Hang, xã Vĩnh An. Nơi đây là hệ thống núi đá vôi có nhiều hang động nổi bật như Ngọc Kiều, Kim Sơn, Tiên Sơn. Động Ngọc Kiều là một trong 7 động rộng và đẹp ở Kim Sơn, trong động còn lưu giữ nhiều tấm bia có bút tích Hán Nôm ca ngợi cảnh đẹp của động Ngọc Kiều và động Kim Sơn.

Cách động Kim Sơn không xa là động Tiên Sơn thuộc núi Thung Vịnh. Đứng trên động ngắm nhìn phong cảnh sẽ cảm thấy thiên nhiên gần gũi. Bước vào động như lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh” với những khối đá thạch nhũ màu sắc lung linh như hình ảnh Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen; giếng tiên, thăm cung vua Thủy Tề,...

Ngoài Nhà Thành (Thành Nhà Hồ), đền thờ Trần Khát Chân với 7 cây di sản; cụm di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt hay điểm đến hấp dẫn cho chúng ta hòa mình vào không gian của thiên nhiên tại quần thể danh thắng Kim Sơn thì dọc tuyến QL 217 du khách còn có thể ghé chùa Hoa Long, khám phá Ly Cung Nhà Trần - Hồ với nhiều phế tích còn sót lại của một cung điện Bảo Thanh xưa.

Sớm hình thành “con đường du dịch”

Kết thúc chuyến khảo sát, đánh giá không chỉ riêng của các nhà nghiên cứu mà lãnh đạo ngành VH,TT&DL khẳng định cần sớm hình thành tuyến, tour du lịch dọc QL217 mà tâm điểm là Thành Nhà Hồ đến các di tích vùng phụ cận. Trong buổi Hội thảo khoa học “Di sản Thành Nhà Hồ và khu di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt trong quy hoạch bảo tồn gắn với phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc” diễn ra tại xã Vĩnh Hùng ngày 14/3, theo ông Phạm Tấn - Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa cho biết: Hiện du lịch tại Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, phần nhiều du khách chỉ biết đến một vài tour du lịch chính như Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương; Sầm Sơn - Lam Kinh - Suối cá Cẩm Lương... Trong khi đó, xứ Thanh còn nhiều danh thắng, di tích, tiềm năng du lịch chưa được khai phá. Riêng Vĩnh Lộc, bên cạnh Thành Nhà Hồ vẫn còn nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng khác có tiềm năng để khai thác du lịch như thắng tích động Kim Sơn, động Hồ Công, Phủ Trịnh - Nghè Vẹt, chùa Báo Ân, chùa Hoa Long... Đó là những tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch bền vững trong suốt 4 mùa. Ngoài việc phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, quảng bá tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, cần phải có sự kết nối thường xuyên giữa di sản thế giới Thành Nhà Hồ với các di tích - thắng cảnh nổi tiếng khác trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh... Đây có thể xem là biện pháp khắc phục hội chứng “du lịch một mùa”.

Nhìn nhận vào thực tại du dịch của địa phương, bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc trong bài tham luận tại Hội thảo đánh giá, với tài nguyên du lịch phong phú, giao thông thuận lợi, Vĩnh Lộc được xác định nằm trong tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, là trung tâm tuyến du lịch quan trọng từ TP Thanh Hóa qua Vĩnh Lộc, lên Cẩm Thủy, Quan Sơn sang Lào... Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Lộc đã nỗ lực, cụ thể hóa bằng các chương trình, nghị quyết về nâng cao chất lượng, phát triển ngành dịch vụ không khói. Với tài nguyên phong phú trên, một số tour du lịch nội vùng bước đầu đã được hình thành và phát triển như: Tour văn hóa tâm linh với tâm điểm là Thành Nhà Hồ; tour du lịch danh thắng và tour du lịch cộng đồng tại các khu làng cổ...

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Vĩnh Lộc cần mở rộng thị trường du dịch với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết các doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động du lịch trên địa bàn; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho nhân dân; sớm quy hoạch tổng thể, chi tiết, phát triển du lịch... Trong đó tuyến du lịch dọc tuyến QL 217 có ý nghĩa quan trọng.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]