(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong năm 2019, huyện Bá Thước đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận 3 điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Kho Mường (xã Thành Sơn) và bản Đôn (xã Thành Lâm). Đây không chỉ là cơ hội giúp Bá Thước quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo đà phát triển du lịch Bá Thước

Trong năm 2019, huyện Bá Thước đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận 3 điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Kho Mường (xã Thành Sơn) và bản Đôn (xã Thành Lâm). Đây không chỉ là cơ hội giúp Bá Thước quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Bá Thước là huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có hệ sinh thái rừng, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều điểm có cảnh quan đẹp, hoang sơ như: Son Bá Mười, đỉnh Pù Luông, Kho Mường, làng Ươi, làng Tiến Mới, khu thác Hiêu...

Kể từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có tới 3 điểm du lịch được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu, bản Kho Mường và bản Đôn. Đây là những điểm có lợi thế nổi bật về cảnh quan thiên nhiên thanh bình, hoang sơ, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ quanh năm, hệ thống thác nước tuyệt đẹp. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch này đã được nâng lên một cách đáng kể. Đặc biệt sau khi được quy hoạch, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các điều kiện về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, quản lý Nhà nước về du lịch, thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bản Hiêu (xã Cổ Lũng) thu hút đông đảo khách du lịch.

Ông Bùi Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước cho biết: "Bản Hiêu được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh không chỉ mở ra cơ hội lớn trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch. Mặt khác còn mở ra cơ hội giúp địa phương hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, thu hút đầu tư... tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành về khảo sát, xây dựng tour tuyến, góp phần xây dựng bản Hiêu trở thành điểm đến hấp dẫn. Cùng với các ngành, các cấp, tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã thành lập ban quản lý, thường xuyên hoạt động theo quy chế tạm thời, quản lý các hoạt động tại điểm du lịch theo quy định, từ giá cả dịch vụ, đến môi trường nhằm giữ gìn và phát huy hiệu quả hoạt động du lịch của một điểm du lịch cấp tỉnh.

Theo báo cáo thống kê của huyện Bá Thước, 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đón được gần 22 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có gần 6 nghìn lượt khách quốc tế. 3 điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu, bản Kho Mường và bản Đôn thu hút tới 18.000 lượt khách.

Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: "Việc công nhận các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa, tăng sức thuyết phục, hiệu quả của công tác quảng bá, giới thiệu các khu, điểm đến du khách, tạo cơ sở cho việc định hướng đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. Qua đó nhằm thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc được công nhận 3 điểm du lịch cấp tỉnh đã và đang đặt ra vấn đề trong việc nêu cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của chính quyền địa phương và mỗi người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy các khu, điểm du lịch, khẳng định chất lượng thương hiệu, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Thanh Hóa".

"Hiện chúng tôi đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/500, xây dựng điểm dân cư nông thôn gắn phát triển du lịch cộng đồng bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn)... Đồng thời, với các công trình hạ tầng giao thông, chúng tôi sẽ tiếp tục dành nguồn vốn để triển khai có hiệu quả chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện" - ông Lò Văn Thắng cho biết thêm.

Có thể nói, cùng với lợi thế tự nhiên, sự nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương, việc công nhận các điểm du lịch là cơ hội để Bá Thước khai thác tối đa tiềm năng và thu hút đông đảo khách du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, có những hạn chế mà huyện cần nhanh chóng khắc phục tại các điểm du lịch này đó là quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại và nguồn nhân lực phục vụ du lịch... để thương hiệu du lịch Bá Thước ngày càng được khẳng định.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]