(vhds.baothanhhoa.vn) - Được biết đến với những tên gọi cổ xưa như Kẻ Khao - Khao Rú, làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) còn là nơi phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút. Tiên Hòa hôm nay là một không gian văn hóa làng truyền thống đậm nét đang được người dân tự hào gìn giữ.

Thăm làng cổ Tiên Hòa

Được biết đến với những tên gọi cổ xưa như Kẻ Khao - Khao Rú, làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) còn là nơi phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút. Tiên Hòa hôm nay là một không gian văn hóa làng truyền thống đậm nét đang được người dân tự hào gìn giữ.

Thăm làng cổ Tiên HòaĐình làng Tiên Hòa với lịch sử khởi dựng cách ngày nay gần 200 năm tôn thờ thần Cao Sơn Đại Vương là Thành Hoàng làng.

Theo các cụ cao niên trong làng, trước khi xuất hiện tên gọi Tiên Hòa, vùng đất này có tên nôm Kẻ Khao, Khao Rú, Tiên Cảo. Khoảng giữa thế kỷ XVII, làng được tách thành 2 thôn. Một bộ phận dân cư tập trung xung quanh chân núi để tránh lụt lội về mùa mưa, nên gọi là Tiên Hòa Sơn thôn (hay Khao Rú); số còn lại ở lại sống tại Tiên Hòa Bái thôn (còn gọi là Khao Đồng). Cũng từ đây, Tiên Hòa trở thành một làng hai thôn.

Tại Tiên Hòa, các nhà khoa học đã phát hiện thấy di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút cách ngày nay khoảng 5.000 - 6.000 năm. Đó là dải đất cao giữa thung lũng rộng được bao bọc bởi núi đá vôi và đồi đất, ngày nay thung lũng ấy được người dân gọi là cánh đồng Bọc. Theo các tài liệu được địa phương lưu giữ, di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa được các nhà khảo cổ học khai quật vào khoảng những năm 1979 - 1980. Di chỉ vừa là nơi cư trú, cũng đồng thời là nơi mai táng của người Việt cổ. Tại Cồn Cổ Ngựa, người ta đã tìm thấy số lượng lớn rìu, đục bằng đá của người nguyên thủy. Bên cạnh đó còn có dao được chế tác từ đá phiến (hình trăng khuyết), chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, hòn ghè được đẽo gọt. Cũng tại di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa, còn có sự tồn tại của nhiều vỏ nhuyễn thể (vỏ hến, sò gai…) đây là căn cứ cho suy đoán, tại đây không chỉ có săn bắn hái lượm mà còn có cả đánh cá và khai thác thủy, hải sản (di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm cách sông Mã 3 km).

Di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa được xem như “bằng chứng” sinh động về quá trình lan tỏa của cư dân nguyên thủy từ vùng núi xuống đồng bằng ven biển. “Và chính cư dân Cồn Cổ Ngựa đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong đời sống xã hội nguyên thủy ở Thanh Hóa. Họ đã phát triển nền kinh tế trong hầu khắp tất cả các hoạt động: săn bắn, hái lượm, đánh cá, chăn nuôi, nhất là trồng trọt lúa nước” (Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Hà Lĩnh).

Là nơi “đất lành chim đậu” nên dễ hiểu vì sao, từ xa xưa ở Tiên Hòa đã có nhiều dòng họ đến đây khai hoang lập nghiệp. Các dòng họ đến Tiên Hòa từ nhiều nơi, như: Vĩnh Lộc, Yên Định xuống, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc sang và cả các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình vào. Cho đến nay, ở Tiên Hòa có đến trên 35 dòng họ cùng nhau sinh sống. Trong đó, họ Hoàng Huy được biết đến như dòng họ đến đây sớm nhất. Rồi họ Mạc, họ Lưu Xuân, họ Hoàng Đức… Đây là những dòng họ đến đất Tiên Hòa vào khoảng thời Trần. Người dân Tiên Hòa cho rằng, nơi đây khi xưa người ít đất rộng, dễ làm ăn nên các dòng họ trong quá trình đi tránh loạn lạc, làm ăn… đã đến Tiên Hòa xây dựng cơ nghiệp.

Và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trong quá trình phát triển với nhiều biến động, song địa giới chính của làng Tiên Hòa vẫn là phần đất rộng lớn phía Tây xã Hà Lĩnh. Làng được bao bọc xung quanh bởi núi, rừng và đồi đất. Phía Tây Nam làng là dãy núi Ác Sơn, phía Tây có rừng Đồng Khao, từ Tây Bắc sang Đông Bắc có núi Kẹm Sơn; ở giữa đồng chiêm trũng lại có dãy núi đá vôi Cô Sơn với những hòn núi nhỏ được người dân đặt tên khá thú vị, như: núi Chiêng Ấm, Đúp Lớn, Cánh Gió, Mèo Ngồi, Mang Ếch, núi Vàng, núi Ngọc…

Người Tiên Hòa từ xa xưa đã lấy núi, đồi như “điểm tựa” để quần cư theo hình “vành lược” từ thấp lên cao với cấu trúc dân cư kiểu “ngõ hạng”. Các ngõ hạng lên cao theo bậc, tại đây có 12 ngõ hạng. Mỗi ngõ hạng bắt đầu bằng con đường độc đạo lên theo độ dốc của đồi, núi. Trong đó, mỗi ngõ hạng có tên gọi riêng, từ đầu làng đến cuối làng, có thể kể đến: ngõ Mã, ngõ Cổng, ngõ Thượng, ngõ Cừu, ngõ Hát, ngõ Trung, ngõ Đình, ngõ Chùa, ngõ Trôi, ngõ Nghè… với hướng nhà “mở” ra bốn hướng đồi nhìn xuống cánh đồng trước làng.

Ngõ hạng không chỉ là dấu tích lịch sử mà còn là “sản phẩm” văn hóa của quá trình dài phát triển ở làng cổ Tiên Hòa. Đến hôm nay, đây vẫn là đặc trưng văn hóa của vùng đất này. Theo chân anh Vũ Đoàn Thanh Tùng, công chức văn hóa xã hội xã Hà Lĩnh, chúng tôi được mục sở thị những ngõ hạng cổ kính và yên bình. Những cụ già trong nắng thu vàng ruộm từng bước chậm rãi trên từng bậc đá rêu phong ...

Ngoài ngõ hạng thì giếng làng cũng được xem như nét đẹp văn hóa làng quê truyền thống đang được bảo tồn tại làng cổ Tiên Hòa. Trong khi, ở nhiều nơi giếng làng đã bị người dân lãng quên thì ở Tiên Hòa, thật thú vị khi giếng làng vẫn được người dân cực kỳ coi trọng, giữ gìn và duy trì sử dụng vào mục đích sinh hoạt. Cụ bà Hoàng Thị Thái - một hộ dân sống cạnh giếng làng ở Tiên Hòa cho biết: Suốt bao năm qua, gia đình tôi và các hộ dân xung quanh vẫn sử dụng nước lấy trực tiếp từ giếng làng. Nước giếng rất trong và mát lành, không gì sánh được”, vừa dứt lời, cụ bà ở tuổi 90 vừa chỉ tay xuống đáy nước trong xanh như để minh chứng cho lời nói.

Nói về không gian văn hóa làng ở Tiên Hòa, không thể không ghé thăm ngôi đình cổ của làng - đình Tiên Hòa. Di tích có lịch sử khởi dựng cách ngày nay gần 200 năm, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Đi qua thời gian, mỗi vùng đất “ấp ôm” trong mình những giá trị lịch sử - văn hóa. Ở làng cổ Tiên Hòa, những giá trị ấy đang được trao truyền, gìn giữ, tạo nên nét đẹp riêng có của một làng quê xứ Thanh.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]