(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghi Sơn là xã đảo có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm về trước. Tại đây, ngoài ngôi chùa cổ Biện Sơn được xác định có nguồn gốc từ thời Lý, thì hầu như mọi di tích còn lại đều liên quan đến vua Quang Trung.

Thăm xã đảo Nghi Sơn, nhớ người anh hùng áo vải

Nghi Sơn là xã đảo có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm về trước. Tại đây, ngoài ngôi chùa cổ Biện Sơn được xác định có nguồn gốc từ thời Lý, thì hầu như mọi di tích còn lại đều liên quan đến vua Quang Trung.

Thăm xã đảo Nghi Sơn, nhớ người anh hùng áo vải

Đền thờ vua Quang Trung hướng ra biển.

Theo sử sách ghi lại, vào cuối năm 1788, khi nhận được sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh đem 29 vạn quân ồ ạt tiến vào nước ta nhằm tiêu diệt phong trào Tây Sơn. Nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm lúc này đang chỉ huy trấn giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22-12-1788), Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung; đồng thời làm lễ xuất quân ra Bắc để chặn đứng cuộc xâm lăng của quân Thanh. Trên dọc đường hành binh, đạo quân của Quang Trung đã tăng lên một cách nhanh chóng. Ra đến Thọ Hạc (Thanh Hóa), Quang Trung cho binh sĩ dừng chân nghỉ ngơi và tổ chức lễ thệ sư. Tại buổi lễ long trọng và linh thiêng này, đứng trước ba quân, vua Quang Trung dõng dạc tuyên bố: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho chúng chích luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Với địa thế hiểm yếu, nằm giữa biển khơi, có núi bao bọc, kín gió, từ trên cao dễ bề quan sát kẻ thù, bởi vậy vùng đất Biện Sơn được vua Quang Trung xác định là phòng tuyến quân sự quan trọng. “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi lại việc Quang Trung đánh giá cao kế hoạch của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm: “Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho quân giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng!”. Cụ thể, với kế sách “lui một nước cờ” để chủ động: “Quân thủy chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển, đến vùng Biện Sơn mà đóng. Quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường, lui về giữ núi Tam Điệp. Hai mặt liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu trên đường tiến quân ra Bắc Hà để tiêu diệt quân Thanh”.

Thăm xã đảo Nghi Sơn, nhớ người anh hùng áo vải

Khẩu thần công bên trong di tích.

Cuộc đại phá quân Thanh được thực hiện trong 5 ngày, mở đầu là đêm giao thừa và kết thúc vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789 bằng 2 trận quyết chiến Ngọc Hồi - Đống Đa. Đúng vào đêm giao thừa Kỷ Dậu, quân Tây Sơn tiêu diệt quân địch ở Gián Khẩu, tiếp đó phá tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của chúng trên khắp các tuyến đường vào Thăng Long. Đến sáng ngày mùng 5 tết, Nguyễn Huệ trên mình voi với chiếc áo bào tiến vào Thăng Long trong niềm vui hân hoan chào đón của muôn dân.

Sau thắng lợi, vua Quang Trung đã không quên những ân điển dành cho một số địa phương nơi đại quân đã dừng chân, trong đó có Biện Sơn, vùng đất giữ vai trò vị trí quân sự chiến lược quan trọng trong việc đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Và để ghi nhớ công ơn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, Nhân dân vùng Biện Sơn đã lập đền thờ tại bờ biển, gần căn cứ thủy quân Biện Sơn thời bấy giờ (nay là xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn). Nằm bên vụng nước Nghi Sơn, mỗi ngư dân khi đi biển đều có thể dừng chân trước đền thờ Quang Trung thắp một nén nhang hoặc bái vọng cầu mong một chuyến ra vươn khơi thuận buồm xuôi gió. Hiện trong đền còn lưu giữ bia đá, đôi voi đá cổ, tượng đá và khẩu thần công được xác định có từ lúc khởi dựng đền thờ cách đây hơn 200 năm.

Hàng năm vào ngày mùng 5 tết, Nhân dân ở xã Nghi Sơn đều tổ chức Lễ hội Quang Trung với các nghi thức truyền thống như: rước kiệu, dâng lễ vật, tế lễ, đọc chúc văn để cầu mong thần linh và nhà vua bảo hộ, che chở thuyền bè ra khơi về lộng an toàn, đánh bắt được nhiều tôm cá, kinh doanh phát đạt.

Trên cơ sở phòng tuyến Biện Sơn đã được quân Tây Sơn lập ra trước đó, pháo đài Tĩnh Hải trên đỉnh núi Ngọc đã được xây dựng. “Đại Nam nhất thống chí”, Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: Từ đầu đời Gia Long, triều Nguyễn đã cho xây đảo Biện Sơn tại cửa Bạng “chu vi 58 trượng, 8 thước, 8 tấc; cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, 1 kho thuốc súng”. Đến đời Minh Mạng (năm thứ 9) cho xây “pháo đài Tĩnh Hải ở tấn Biện Sơn, chu vi 11 trượng 8 thước; cao 5 thước, 5 tấc; có một kỳ đài, một nhà quân và 4 khẩu đại bác”. Dấu tích của các công trình quân sự này (đảo Biện Sơn và pháo đài Tĩnh Hải) đến nay vẫn còn tường thành gạch đá xây dựng bao quanh như thuở xưa.

Ngoài ra, tại xã đảo Nghi Sơn, hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn 3 chiếc giếng cổ là: giếng Giận, giếng Uống, giếng Bà Vải với tuổi đời hàng trăm năm. Vua Quang Trung cho mang người Chăm đi theo với mục đích phục vụ đời sống sinh hoạt của quân Tây Sơn, vì thế ngoài kỹ thuật tạo dựng những chiếc giếng vuông, còn là kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm để người dân xã đảo này không bao giờ bị thiếu nước ngọt.

Thăm xã đảo Nghi Sơn, nhớ người anh hùng áo vải

Anh Lê Văn Cường, cán bộ Văn hóa xã Nghi Sơn giới thiệu về tấm bia đá, hiện vật cổ nhất trong đền Quang Trung.

Anh Lê Văn Cường, cán bộ Văn hóa xã Nghi Sơn, cho biết: Đền Quang Trung nằm trong Cụm di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh xã Nghi Sơn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1995. Lần tu sửa gần đây nhất vào năm 2019, nhờ sự đóng góp của bà con Nhân dân trong xã, đền đã khang trang hơn.

Câu chuyện người anh hùng áo vải cờ đào năm nào, đến nay vẫn là niềm tự hào của người dân xã đảo Nghi Sơn. Bởi, không riêng gì ở Thanh Hóa, trên cả nước có nhiều nơi lập đền thờ vua Quang Trung, nhưng những dấu ấn và hình ảnh của vị vua này để lại nơi mảnh đất Biện Sơn thật lớn. Hơn 200 năm đã qua, căn cứ quân sự Biện Sơn thời Quang Trung với khát khao chiến thắng quân Thanh vẫn còn nguyên sức mạnh tinh thần, hòa vào sự lớn mạnh của Khu Kinh tế Nghi Sơn với những nhà máy, công trình, góp phần vào dựng xây một xứ Thanh thịnh vượng.

Bài và ảnh: Huyền Chi


Bài và ảnh: Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]