(vhds.baothanhhoa.vn) - Được khởi công ngày 26/01/1887 và khánh thành ngày 31/03/1889, Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng sắt nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris (Pháp). Công trình do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm Hoàn cầu năm 1889 và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm nền Cộng hoà Pháp 1789.

Tháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thành

Được khởi công ngày 26/01/1887 và khánh thành ngày 31/03/1889, Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng sắt nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris (Pháp). Công trình do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm Hoàn cầu năm 1889 và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm nền Cộng hoà Pháp 1789.

Tháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thànhTháp Eiffel khi hoàng hôn buông xuống. Ảnh: Reuters.

Tháp Eiffel sử dụng khối lượng sắt và đinh tán cực lớn

Người Pháp thường hài hước nói với nhau rằng “Bà Đầm sắt” đã hơn 100 tuổi nhưng không hề có một nếp nhăn nào. Đúng vậy, công trình Tháp Eiffel là một cuộc cách mạng trong việc sử dụng sắt và đinh tán, phá vỡ quy luật kiến trúc xây dựng sử dụng nề đã thống trị các thành phố trong thời kỳ này.

Một trong những yếu tố đưa tháp Eiffel thành niềm tự hào của ngành công nghiệp, kiến trúc và vật liệu cuối thế kỷ 20 là độ chính xác tính đến 1/10mm của hơn 18.000 tấm sắt có độ dài trung bình 5m/tấm và 2,5 triệu đinh tán. Tổng cộng 7.300 tấn sắt nguyên chất đã được sử dụng để chế tạo tháp. Tổng trọng lượng của tháp là 10.100 tấn.

Ban đầu, tháp Eiffel được sơn màu đỏ, sau này chuyển sang màu nâu đỏ và bây giờ tháp có màu đồng. Mỗi lần sơn cần tới 60 tấn sơn. Cứ 7 năm một lần, các thợ sơn mất khoảng 1,5 năm để sơn lại 250.000 m2 bề mặt tháp.

Khởi đầu với những phản đối gay gắt

Năm 1887, ngay từ khi còn nằm trên bản vẽ, Tháp Eiffel đã vấp phải thái độ phản đối kịch liệt, những lời chỉ trích nặng nề từ công chúng, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ vốn si mê nét yêu kiều, cổ kính của kinh thành Paris. Họ cho rằng công trình này là bất khả thi, rằng dự án sẽ không tìm được lực lượng nhân công có thể làm việc ở độ cao như vậy. Dù có thành công “trên giấy”, công trình cốt thép sẽ không thể chống chọi được với sức gió và chắc chắn các thanh kim loại sẽ lắc lư trong gió.

Tháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thànhTháp Eiffel đẹp lung linh ở thành phố ParisTháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thành. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, đây không phải là điểm mà kỹ sư Eiffel bận tâm vì ngành khoa học sức bền vật liệu đã đạt tới trình độ cao cho phép tính toán chính xác sức bền và điểm ứng lực của công trình. Mặc dù, Gustave Eiffel không phải là kiến trúc sư mà là kỹ sư, nhưng vốn là một kỹ sư tài ba, Eiffel tự tin là các đường cong của bộ khung được thiết kế theo các quy tắc toán học sẽ tạo ấn tượng về độ chắc chắn và vẻ đẹp cho công trình.

Sau nhiều lần thảo luận, địa điểm cuối cùng được lựa chọn để xây tháp là khu vực giữa Champs de Mars (nơi diễn ra Triển Lãm Hoàn Cầu) và Quảng trường Trocadéro.

Công trình giúp Gustave Eiffel được lưu danh sử sách

Gustave Eiffel sinh năm 1832 tại Dijon thuộc miền Đông nước Pháp. Sau khi theo học tại trường École Polytechnique và École Centrale des Arts et Manufactures, ông bắt đầu sự nghiệp kiến trúc áp dụng kim loại, tập trung vào xây dựng cầu đường. Ông đã hoàn thành dự án lớn đầu tiên của mình – cây cầu đường sắt tại Bordeaux, cũng như một số công trình nhỏ khác trước khi thành lập công ty riêng của mình với tư cách một kỹ sư độc lập vào năm 1865.

Eiffel là thành quả nổi bật nhất giúp Gustave Eiffel được lưu danh sử sách, và đây cũng là công trình cuối cùng trong sự nghiệp chủ doanh nghiệp của ông. Chính trong năm 1889, Gustave Eiffel dính vào một vụ bê bối liên quan đến dự án kênh đào Panama, khiến ông mất một phần tài sản. Cho dù đã được tuyên vô tội, nhưng Eiffel cảm thấy cả uy tín và nhân phẩm đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên ông quyết định rút lui khỏi giới làm ăn và dành 30 năm cuối đời cho sự nghiệp khoa học, đặc biệt là các thử nghiệm về khả năng chống đỡ của các công trình xây dựng trước sức gió.

Tháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thành

Kỹ sư Gustave Eiffel. Ảnh: Internet

Phòng thí nghiệm của Gustave Eiffel nằm trên tầng 3 của tòa tháp mang tên ông cho đến nay vẫn còn hoạt động. Eiffel cũng cho lắp đặt dưới chân tháp một máy tạo gió lớn nhất thế giới để thử nghiệm về lực cản của gió, phục vụ nghiên cứu về khí động học. Còn trên đỉnh tháp, Eiffel cho đặt một đài quan sát khí tượng và một dàn ăng ten làm trạm thu phát điện tín không dây phục vụ quân đội. Có lẽ vì thế mà cho phép tháp Eiffel được bảo tồn, cho dù trước đó tháp chỉ là công trình xây dựng được cấp phép tồn tại trong 20 năm. Nhưng vì nó quá có ích trong vai trò cột truyền tin quân sự và truyền thanh công cộng nên đã trụ vững đến ngày nay, trở thành biểu tượng của nước Pháp và là một địa chỉ thu hút nhiều du khách nhất tại thủ đô Paris.

Công trình thế kỷ

Bất chấp sự phản đối gay gắt của giới văn nghệ sĩ, Tháp Eiffel được xây dựng với tốc độ nhanh kỷ lục là 2 năm, 2 tháng và 5 ngày, khánh thành ngày 31/03/1889. Thành tựu này có được còn nhờ quyết tâm sắt đá của Eiffel. Ông đã đặt cược tài sản cá nhân của mình vào công trình. Ba tháng trước ngày khai trương Triển Lãm Hoàn Cầu, phong trào đình công của công nhân trên công trường nổ ra. Ông chủ Gustave Eiffel gây áp lực cho công nhân bằng câu nói: “Những ai không muốn làm việc vào ngày mai sẽ không bao giờ được phép đặt chân trở lại tháp Eiffel, còn những ai quay lại làm việc vào ngày mai sẽ có thưởng”. Bị đánh vào lòng kiêu hãnh, 99% công nhân quay trở làm việc trên “công trường thế kỷ”.

Nhiều chuyên gia đánh giá ngay cả vào thời buổi bây giờ, với công nghệ hiện đại, chưa chắc một công trình đồ sộ như Tháp Eiffel có thể được hoàn tất trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy. Một điều đáng nể khác là thời đó các điều kiện đảm bảo an toàn cho người lao động không hề có, nhưng không có một tai nạn lao động nào xảy ra trên công trường.

Đặc biệt, Tháp Eiffel biết “cử động” theo thời tiết. Ông Eric, thợ máy phụ trách thang máy trên tháp giải thích trên đài France 3 ngày 29/03/2019: “Tất cả thiết bị được gắn vào cấu trúc của tháp Eiffel đều chịu sự thay đổi, độ giãn nở của sắt và chúng tôi phải lựa để thích nghi với hiện tượng này. Gustave Eiffel đã lựa chọn vật liệu sắt chứ không phải thép. Sắt có độ mềm dẻo hơn thép, nhưng hệ số giãn nở nhiệt của sắt lại khá cao. Vì thế, khi nhiệt độ thay đổi nhiều, tháp lại “nhúc nhích”.

Trên đỉnh tháp, chóp tháp “chạy trốn” ánh mặt trời. Có nghĩa là độ giãn nở nhiệt của sắt khiến tháp nở ra và tháp ngả về phía ngược hướng mặt trời. Khi mặt trời chuyển hướng theo thời gian trong ngày, thì hướng ngả của tháp cũng thay đổi. Như vậy, tháp ngả trong ngày theo đường tròn có đường kính 18cm. Và chúng ta không thể cảm nhận được điều đó khi đứng trên tháp.

Tháp Eiffel và những con số

Trong cuốn Tháp Eiffel năm 1900, Gustave Eiffel cho biết tháp được chia thành 3 tầng: Tầng thứ nhất cao 57,63 mét, tầng thứ hai cao 115,73 mét và tầng cuối cùng là 276,13 mét. Tính thêm gác bao quanh ở bên trên tháp cùng với khu vực chứa đèn, ngọn tháp cao 300,51 mét so với mặt đất (chưa tính ngọn ăng-ten cao 24 mét hiện nay).

Bốn chân tháp được đánh số theo thứ tự gần sông Seine: Trụ số 1 được gọi là Bắc - Nord, các trụ còn lại được đánh số theo chiều kim đồng hồ, lần lượt là Đông - Est (trụ số 2), Nam - Sud (trụ số 3) và Tây - Ouest (trụ số 4). Tại mỗi trụ đều có hệ thống thang máy đi từ mặt đất lên tới tầng hai, riêng trụ Nam có hai chiếc: một chiếc dành riêng cho khách của nhà hàng sang trọng Jules Vernes, chiếc thứ hai dùng để chở hàng hóa. Từ tầng hai lên trên đỉnh tháp là hai thang máy hai buồng và du khách không còn phải dừng ở giữa và đổi thang máy như trong những năm 1900. Vào thời điểm này, để đi từ mặt đất lên tầng hai, tháp Eiffel chỉ có hai thang máy thủy lực được lắp ở trụ Đông (số 2) và Tây (số 4).

Tháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thànhQuá trình xây dựng Tháp Eiffel. Ảnh: Internet

Thang máy là bộ phận quan trọng của công trình. Mỗi năm, tổng số lần lên xuống của toàn bộ hệ thống thang máy tương đương với chặng đường dài 103.000 km, gấp 2,5 lần vòng quanh Trái Đất. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thang bộ với tổng số bậc ban đầu là 1710 bậc, song hiện nay chỉ còn 1665 bậc.

Nhân dịp khánh thành tháp, Gustave Eiffel đã trèo 1710 bậc thang từ mặt đất lên cắm quốc kỳ Pháp trên đỉnh tháp. Con số bậc thang bộ tượng trưng cho năm ra đời nền Cộng Hòa Pháp 1789. Cũng chính trên đỉnh tháp, Eiffel được trao Bắc Đẩu Bội Tinh, huân chương danh giá nhất nước Pháp.

Tổng cộng, Tháp Eiffel cần đến khoảng 500 nhân viên làm việc cho các dịch vụ. Tháp Eiffel mở cửa tất cả các ngày trong năm.

Tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp

Trở thành biểu tượng của “kinh đô ánh sáng”, Tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Đây một thời là công trình cao nhất thế giới, được tôn vinh thành biểu tượng không chỉ của Paris phồn hoa đô hội mà còn là biểu tượng của cả nước Pháp.

Tháp Eiffel rất dễ nhận ra từ nhiều địa điểm trong thành phố. Khi màn đêm buông xuống, Tháp Eiffel lung linh trong ánh đèn vàng và rực rỡ với những tia sáng nhấp nháy.

Tháp Eiffel vẫn đứng vững sau 134 năm kể từ ngày khánh thành

Ảnh: Internet

Dù mang tên Eiffel, nhưng “Bà đầm sắt” không phải do kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel (1832-1923) thiết kế, mà là thành quả của hai kỹ sư Emile Nouguier và Maurice Koechlin làm việc cho công ty của ông và kiến trúc sư Stephen Sauvestre. Nhà sử học Pascal Vareijka, chuyên gia về lịch sử Paris giải thích trên đài France 24 ngày 1/4/2019 rằng: “Đây là dự án của 3 người và Eiffel đã mua thiết kế của họ. Chính vì thế mà công trình được gọi là tháp Eiffel. Ông ấy đã mua thiết kế và nó là của ông ấy. Theo các điều khoản hợp đồng, ông ấy có quyền khai thác tháp Eiffel”.

Tuy nhiên, sau 134 năm kể từ khi khánh thành, dù không còn là công trình cao nhất thế giới, nhưng Tháp Eiffel vẫn có sức hút mãnh liệt. Người dân khắp nơi trên thế giới vẫn không ngớt đổ về Paris chiêm ngưỡng kiệt tác kiến trúc đồ sộ có từ cuối thế kỷ XIX. Tháp Eiffel là công trình tham quan phải trả tiền được du khách tới thăm nhiều nhất trên thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 25.000 khách, mỗi năm có 7 triệu người lên thăm tòa tháp, trong đó khoảng 80% là người nước ngoài.

Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris. Tòa tháp hiện đang được sơn lại với chi phí hơn 51 triệu Bảng Anh để chuẩn bị cho Thế vận hội 2024. Đây là lần thứ 20 tháp Eiffel được sơn lại.

Hương Giang (tổng hợp)


Hương Giang (tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]