(vhds.baothanhhoa.vn) - Được hình thành và phát triển qua hơn 4 thập kỷ, nhưng thị xã Bỉm Sơn đã khẳng định vai trò, vị thế trong kinh tế tỉnh Thanh Hóa và đang phấn đấu trở thành đô thị trung tâm động lực phía Bắc của tỉnh. Đặc biệt thị xã đã và đang phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, văn hóa - danh thắng trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị xã Bỉm Sơn: Phát huy giá trị di tích - danh thắng phát triển du lịch bền vững

Được hình thành và phát triển qua hơn 4 thập kỷ, nhưng thị xã Bỉm Sơn đã khẳng định vai trò, vị thế trong kinh tế tỉnh Thanh Hóa và đang phấn đấu trở thành đô thị trung tâm động lực phía Bắc của tỉnh. Đặc biệt thị xã đã và đang phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, văn hóa - danh thắng trên địa bàn.

Tiềm năng du lịch tâm linh - danh thắng hấp dẫn

Bỉm Sơn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất của những truyền thuyết và huyền thoại. Nơi đây có 9 di tích lịch sử, văn hóa - danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia được công nhận năm 1993: đền Sòng, đền Chín Giếng, đường Thiên Lý, đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim, động Cửa Buồng, đồi Ông, đền Cây Vải, đình Làng Gạo và 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận 3 điểm du lịch tâm linh hấp dẫn gồm: đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, chùa Khánh Quang. Đây là cơ hội tốt cho thị xã tiếp tục phát huy các giá trị di tích - danh thắng.

Nổi bật trong các di tích trên là đền Sòng, nơi được mệnh danh "Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh". Theo các học giả trong và ngoài nước, đền Sòng được xây dựng từ thời Cảnh Hưng triều Vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền nằm cạnh Quốc lộ 1A thuộc phường Bắc Sơn, trên một khu đất rộng, cây xanh ngút ngàn, non nước hữu tình. Truyện kể rằng: Dân làng Cổ Đam nhất tâm dựng ngôi đền Thánh Mẫu bèn đi tìm đất, cụ già người làng Cổ Đam cắm cây tre trên mảnh đất đã chọn và khấn "Nếu Thánh Mẫu bằng lòng chọn nơi đây thì xin cho cây tre tươi tốt". Quả nhiên ít lâu cây tre nẩy lá sinh cành, dân làng bèn dựng đền trên mảnh đất ấy. Lúc đầu ngôi làng còn đơn sơ, nhỏ bé, nhưng dần được mở rộng và sau nhiều lần trùng tu đã khang trang đẹp đẽ. Chiếc gậy của ông lão cắm xuống đất đã thành bụi tre xanh tốt ở sát sau lưng đền như bức hàng rào, gần chỗ gian hàng chính điện. Cạnh đền có một chiếc cầu bằng đá cổ do bà Hoàng Thái Hậu đời Lê xây dựng từ năm thứ 33 triều Cảnh Hưng 1772. Cầu bắc qua một con suối trong veo chảy quanh đền, làm cho cảnh trí càng thêm ngoạn mục.

Hầu đồng tại đền Sòng.

Hướng chính của đền Sòng là Tây Bắc. Trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt, quanh năm nước xanh trong, có hồ cá thần. Từ hồ cá thần có 2 khe nước nhỏ chảy lượn vòng quanh làm cho ngôi đền như ngự trên một hòn đảo bồng bềnh giữa mây trời, non nước. Vì thế du khách rất thích du ngoạn quang cảnh nơi đây...

Lễ hội đền Sòng được tổ chức hàng năm vào ngày 26/2 âm lịch. Ngày lễ rước Thánh Mẫu diễn ra một cách long trọng cả phần lễ và phần hội. Tượng Thánh Mẫu và kiệu Quang Trung được ngự kiệu từ chính tẩm do những cô gái và các bản hội, nhân dân cùng tham gia. Lễ rước kiệu từ đền Sòng về đền Chín Giếng và lên đèo Ba Dội. Ngày lễ chính thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách về thăm quan vãn cảnh và dâng hương. Vì thế có câu:

"Nhất vui là hội Phủ Dầy

Vui là vui vậy, không tày Sòng Sơn"

Cách đền Sòng không xa, khoảng hơn 1 km về phía Đông là đền Cô Chín - thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đền được khởi dựng cùng thời với đền Sòng Sơn, được tu sửa vào năm 1939. Năm 2004 được trùng tu tôn tạo. Đặc biệt phía dưới cửa đền có chín miệng giếng (Chín Giếng) sâu quanh năm dâng nguồn nước trong xanh, không bao giờ cạn. Lễ hội đền Chín Giếng được diễn ra cùng với lễ hội đền Sòng vì khi rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh bao giờ kiệu rước Thánh Mẫu cũng được rước từ đền Sòng sang đền Cô Chín sau đó lên đèo Ba Dội và trở về đền Sòng tế lễ. Ngày 9/9 âm lịch là chính hội của đền Cô Chín. Lễ được dâng tại đền là lễ mặn và những mâm vàng mã, những cành vàng, cành bạc. Mâm lễ được sắp tùy tâm, mọi người vào cửa Cô thắp nén hương, thành tâm cầu khấn xin lộc Cô cho một năm khỏe mạnh, làm ăn phát đạt...

Rước kiệu thánh Mẫu lên đèo Ba Dội.

Theo con đường Thiên Lý lên đèo Ba Dội có chiều dài hơn 4km. Đường quanh co, uốn lượn, len lỏi qua những khe núi vách đá dựng đứng là một địa thế chiến lược vô cùng lợi hại mà cách đây hơn 231 năm Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã dừng chân tuyển quân, chuẩn bị kho lương tiến ra Bắc Hà đập tan 29 vạn quân Thanh giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đèo Ba Dội có độ cao hơn 110m so với mặt nước biển, trên đỉnh đèo có tấm bia đá khắc bài thơ của Vua Thiệu Trị khi đi kinh lý qua đây và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khắc họa bài thơ nổi tiếng ca ngợi cảnh đẹp đèo Ba Dội:

Một đèo một đèo lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Mỏi gối chùn chân vẫn muốn trèo...

Đứng trên đèo Ba Dội phóng tầm mắt về phía Đông Bắc, du khách ngỡ ngàng trước một vùng hồ tự nhiên mặt nước mênh mang giữa 4 ngọn núi với 1 hệ thực vật phong phú có diện tích 210.000m2 và trữ lượng 33.000m3 nước. Từ trên cao nhìn xuống mặt hồ lung linh sắc màu. Hình dáng mặt hồ như một con chim đại bàng tung cánh bay cao. Vì thế mọi người thường gọi là hồ Cánh Chim, thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái... Cách đó không xa là động Cửa Buồng - in đậm hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung với những câu chuyện huyền thoại mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là động Trình, suối Ngọc, kẽm Đó, núi Kỳ Sơn... Đặc biệt trong các hang động có nhiều nhũ đá tạo nên hình Đức Phật ngồi uy nghiêm, voi trầu, hổ phục đẹp và bắt mắt. Những năm qua lãnh đạo phường Ba Đình, các tổ chức, doanh nghiệp đã đóng góp trùng tu, tôn tạo khu di tích này ngày càng khang trang tuyệt đẹp cho du khách về dâng hương, vãn cảnh...

Công tác trùng tu tôn tạo và phát huy di tích

Thị xã Bỉm Sơn là thị xã công nghiệp trẻ đang trên đà phát triển. Những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã đã tập trung khai thác nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho người dân. Cùng với đó là việc phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng phục vụ phát triển du lịch.

Đền Sòng được trùng tu tôn tạo năm 1998.

Đền Sòng chính thức được khởi công tháng 7/1998 theo thiết kế của Công ty tôn tạo di tích Trung ương (Bộ VH-TT) nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Công ty Đầu tư xây dựng Thương mại Hà Nội bỏ tiền trước để xây dựng với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đến tháng 12/1998 đã xây dựng xong phần đền. Quá trình trùng tu tôn tạo đền có sự phối hợp của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa và nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ. Những năm gần đây công tác trùng tu tôn tạo các di tích cơ bản được hoàn thiện...

Đối với công tác quy hoạch: Đã hoàn thành quy hoạch khu du lịch trọng điểm đền Sòng - Chín Giếng, quy hoạch tổng thể các di tích, danh thắng đã được xếp hạng; quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã, nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ. Đồng thời đầu tư ngân sách từ năm 2016 đến nay hơn 15 tỷ đồng, UBND các phường đầu tư hơn 3 tỷ, xã hội hóa từ các bản hội và các tổ chức hảo tâm gần 28 tỷ đồng cho việc trùng tu tôn tạo các di tích. Cùng với đó là các di tích cơ bản đã được hoàn thiện như: đền Chín Giếng, đình Làng Gạo, động Cửa Buồng, chùa Khánh Quang. Riêng đền Sòng nhiều hạng mục công trình quan trọng tiếp tục được hoàn thiện: Nghinh môn, tường rào bao quanh, lầu hóa sớ, lầu Cô, lầu Cậu, lầu Vọng, kè suối, nhà làm việc của ban quản lý di tích, sân chính lễ hội...

Đặc biệt trong quảng bá du lịch, thị xã đã phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch xây dựng các chương trình xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch, nhất là du lịch tâm linh và danh thắng có ảnh hưởng đến nhiều vùng: đền Sòng, Chín Giếng, xây dựng chuyên mục trên cổng thông tin điện tử Bỉm Sơn, tổ chức tốt lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội hằng năm. Trong phát triển nguồn nhân lực, thị xã đã chú trọng mở các lớp tập huấn bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch, di tích danh thắng, hướng dẫn viên du lịch cho cán bộ BQL di tích cấp quốc gia, phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao & Du lịch và cán bộ văn hóa - xã hội, Đài truyền thanh xã, phường; trưởng các khu phố, thôn... Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý những vi phạm trong quản lý nhà nước về lễ hội. Từ đó tạo điểm đến hấp dẫn khách du lịch về với Bỉm Sơn ngày càng nhiều hơn. Mỗi năm thu hút trên 400.000 lượt khách, doanh thu hơn 20 tỷ đồng...

Lễ Vu Lan tại chùa Khánh Quang.

Thị xã Bỉm Sơn là thị xã công nghiệp nhưng có nhiều di tích danh thắng. Mặc dù những năm qua, nhiều di tích đã được đầu tư và khai thác có hiệu quả nhưng cũng không ít danh thắng và di tích còn đang bỏ ngỏ, chưa được đầu tư và khai thác như đường Thiên Lý, hồ Cánh Chim, động Cửa Buồng. Những di tích này rất có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái với du lịch mạo hiểm, khám phá...

Để tiếp tục phát huy thế mạnh về du lịch tâm linh và sinh thái, phấn đấu đến năm 2025 thị xã đón được 500.000 lượt khách và doanh thu 25 tỷ đồng hằng năm, đưa du lịch thị xã sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thị xã cần sớm có chính sách thu hút đầu tư, tiếp tục hoàn thành dự án mở rộng địa giới, xây dựng các hạng mục phụ trợ cho các di tích, hạ tầng kỹ thuật viễn thông phủ sóng 4G, wifi tại các điểm du lịch. Hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái và du lịch khám phá (đường Thiên Lý, hồ Cánh Chim, động Cửa Buồng, đền Cây Vải gắn với khu sinh thái phường Lam Sơn)... Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất và có chính sách kích cầu hợp lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư, tạo bước đột phá về sản phẩm du lịch, trong đó thế mạnh là văn hóa hầu đồng, tín ngưỡng Thờ Mẫu (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại) tại đền Sòng - Chín Giếng. Tăng cường quảng bá và kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn với các điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài tỉnh...

Có như vậy thị xã Bỉm Sơn mới thực sự là điểm đến thu hút khách du lịch một cách bền vững và có những đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương, trong đó có "ngành công nghiệp không khói" của tỉnh Thanh.

Thanh Thúy


Thanh Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]