(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhắc tới Thanh Hóa, du khách thường nghĩ ngay tới du lịch biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của một bộ phận du khách, thương hiệu này còn kém, thậm chí trong một thời gian dài bị nhận diện xấu. Đây cũng là điều trăn trở và thách thức không nhỏ đối với ngành Du lịch xứ Thanh trên con đường xây dựng thương hiệu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thương hiệu du lịch Thanh Hóa, cơ hội và thách thức (Bài 2): Gian nan lộ trình xây dựng thương hiệu

(VH&ĐS) Nhắc tới Thanh Hóa, du khách thường nghĩ ngay tới du lịch biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của một bộ phận du khách, thương hiệu này còn kém, thậm chí trong một thời gian dài bị nhận diện xấu. Đây cũng là điều trăn trở và thách thức không nhỏ đối với ngành Du lịch xứ Thanh trên con đường xây dựng thương hiệu.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, vấn đề nhận thức trong việc xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh đôi khi còn chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng, dẫn đến phương thức xây dựng gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. Ngoài ra, nhiều khi việc quảng bá, xây dựng hình ảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí.

Các chuyên gia lĩnh vực du lịch cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa không thể nhìn nhận giống như việc làm quảng cáo cho du lịch. Sâu sắc hơn là tìm ra cách để người Thanh Hóa có thể kể những câu chuyện về điểm đến của mình thật hấp dẫn, khiến cho khách du lịch cũng có thể tự kể những câu chuyện khám phá hay nghỉ dưỡng đầy thú vị tại các khu, điểm du lịch xứ Thanh. Bên cạnh đó, thông điệp du lịch cần được gắn liền với thực tế. Để làm được điều này, du lịch xứ Thanh cần “xốc” lại từ những hạn chế nhỏ nhất hiện nay.

Xác định rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng thương hiệu du lịch, trong những năm qua cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, ngành du lịch cùng với các cấp, ngành, địa phương đã và đang tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng đến văn hóa ứng xử của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như cộng đồng dân cư với du khách.

Có nhiều điểm đến nhưng Du lịch Thanh Hóa vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế.

Thực tế cho thấy, không chỉ tại Sầm Sơn mà nhiều khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, văn hóa ứng xử của đơn vị kinh doanh dịch vụ, cộng đồng với du khách còn nhiều hạn chế. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện của xứ Thanh. Biểu hiện của việc giao tiếp ứng xử còn hạn chế đó là ham lợi nhuận trước mắt, chèo kéo, có hành vi khiếm nhã với du khách...

Trong năm 2016, Sở VH,TT&DL đã chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, cùng một số địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm tra 77 cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó phạt tiền 10 cơ sở với tổng số tiền phạt là 70 triệu đồng, nhắc nhở 18 cơ sở. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các điều kiện đón tiếp, phục vụ khách tại các khu du lịch. Trong số hơn 500 cơ sở được kiểm tra thì có gần 100 trường hợp bị vi phạm, xử phạt gần 600 triệu đồng. Cũng trong hoạt động du lịch hè năm 2016, đường dây nóng của TX Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) đã tiếp nhận gần 200 cuộc gọi với các nội dung phản ánh về ép giá, ép khách, thắc mắc của khách về các quy định tại nhà hàng, khách sạn hoặc những mâu thuẫn, lợi ích trái chiều giữa khách và đơn vị kinh doanh... Qua đó, đội xử lý trật tự của Sầm Sơn đã xử lý 37 vụ ép giá, ép khách với tổng mức xử phạt hơn 200 triệu đồng; 15 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với mức xử phạt 81 triệu đồng.

Không phủ nhận các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu du lịch, song đến nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững vẫn còn yếu; công tác quản lý, giám sát hoạt động du lịch chưa cao; tiến độ triển khai các dự án du lịch chậm; tính dự báo nhu cầu và xu hướng thị trường còn hạn chế; công tác đầu tư cho phát triển du lịch chưa được coi trọng và chưa cân đối giữa đầu tư cho khu vực ven biển với các địa bàn khác trong tỉnh, đặc biệt là đối với khu vực phía Tây; hạ tầng giao thông đường thủy, đường biển phục vụ du lịch chưa phát triển, khả năng kết nối các loại hình giao thông chưa tốt... Do đó chưa khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích và hỗ trợ cho cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Do đó chưa khuyến khích được họ tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như chung tay xây dựng thương hiệu du lịch.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân quan trọng “cản trở” con đường xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh đó là ảnh hưởng của tính mùa vụ. Từ đó đã dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng như cạnh tranh không lành mạnh, chặt chém khách du lịch... Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo và xây dựng đội ngũ có tay nghề cao, gắn bó với nghề.

Có thể nói, xây dựng thương hiệu du lịch không phải là việc làm ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài. Chính vì vậy, chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lợi thế quan trọng đối với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng, tạo thuận lợi cho việc tập trung nguồn lực phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]