(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nguồn “tài nguyên di sản” phong phú được xem là lợi thế để du lịch xứ Thanh phát triển. Nhưng có lẽ, con đường từ di sản đến những sản phẩm du lịch đặc trưng không phải là chặng đường ngắn. Và để làm được con đường đó, những sự nỗ lực đơn lẻ sẽ là chưa đủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ di sản đến sản phẩm du lịch đặc trưng: Hành trình còn nhiều khó khăn

(VH&ĐS) Nguồn “tài nguyên di sản” phong phú được xem là lợi thế để du lịch xứ Thanh phát triển. Nhưng có lẽ, con đường từ di sản đến những sản phẩm du lịch đặc trưng không phải là chặng đường ngắn. Và để làm được con đường đó, những sự nỗ lực đơn lẻ sẽ là chưa đủ.

Di sản - nguồn tài nguyên du lịch phong phú

Thực tế, không nhiều địa phương trên cả nước sở hữu số lượng di tích, danh thắng đồ sộ như Thanh Hóa. Với 1.535 di tích đã được kiểm kê, trong đó có trên 130 di tích đã xếp hạng quốc gia, Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới và hai di tích quốc gia đặc biệt: Đền Bà Triệu và Khu di tích Lam Kinh, sắp tới đây sẽ là hang Con Moong.

Khu di tích Lam Kinh vẫn được xem là kinh đô thứ hai của nhà Hậu Lê. Nơi đây, với những công trình kiến trúc cổ kính, thâm nghiêm đã làm say lòng biết bao du khách. Mỗi một công trình kiến trúc, hiện vật, cây cỏ tại khu di tích lại mang trong mình những câu chuyện kể làm cuốn hút du khách. Đó là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, là giếng cổ có từ thời ông nội đức vua Lê Thái Tổ; cửa ngọ môn uy nghi; sân rồng rộng lớn. Với tổng diện tích quy hoạch 141 ha, du khách phải dành cả ngày mới có thể tham quan hết các hạng mục của di tích.

Đền Bà Triệu (xã Châu Lộc) huyện Hậu Lộc cũng khiến du khách thấy ngỡ ngàng khi bước chân vào khu vực di tích. Các công trình kiến trúc uy nghi nằm khuất lấp trong núi rừng khiến mọi thứ trở nên tĩnh tại. Năm 2015, di tích đền Bà Triệu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đến tham quan di tích, du khách không chỉ được tỏ lòng ngưỡng mộ trước vị nữ tướng tài bà của dân tộc mà còn thỏa mình trong không gian các công trình kiến trúc độc đáo, giá trị.

Khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu là hai di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.

Và được mệnh danh là tòa thành bằng đá cổ nhất Đông Nam Á, Thành Nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011. Cả một tòa thành rộng lớn, được xây bao quanh toàn bộ bằng đá phiến cỡ lớn cứ sừng sững hiên ngang, thách thức thời gian cùng sự xoay vần của tạo hóa. Đến nay, Thành Nhà Hồ vẫn là kho di sản để các nhà khoa học khai quật, tìm hiểu, là điểm đến để du khách tham quan, chiêm ngưỡng.

Cùng với đó là hàng trăm những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc vẫn còn tồn tại: Bảng Môn Đình (Hoằng Hóa); Đình Động Bồng (Hà Trung); Đình Đông Môn (Vĩnh Lộc)…đó là dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của người xưa để lại cho hậu thế ngày nay. Cùng với việc giữ gìn, bảo vệ thì đó là nguồn tài nguyên để chúng ta phát triển du lịch.

Cần sự đồng bộ và cách làm chuyên nghiệp

Tài nguyên di sản phong phú là vậy. Nhưng chặng đường từ tiềm năng di sản đến phát triển du lịch thực tế liệu có đơn giản? Theo tìm hiểu, di tích đền Bà Triệu trong 7 tháng đầu năm đã đón khoảng hơn 45 nghìn lượt khách. Trong đó, chỉ trong hai tháng lễ hội đầu năm đã chiếm gần 30 nghìn lượt khách. Trong những tháng hè, mỗi tháng di tích đón khoảng hơn 4.000 lượt khách và trên 60% số đó là du khách về Sầm Sơn nghỉ mát, ghé qua tham quan di tích. Hay như Thành Nhà Hồ, theo thống kê về phía BQL di sản thì lượng khách đến đây tăng đều qua mỗi năm và năm 2015, nơi đây đã đón hơn 120 nghìn lượt khách.

Còn theo chia sẻ của BQL di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, lượng du khách về đây được đánh giá khá đều qua mỗi tháng. Đặc biệt, kể từ khi có trang web riêng của di tích thì mỗi ngày, lượng người truy cập vào khoảng 3-4 nghìn người. Tuy nhiên, không riêng gì Thành Nhà Hồ, hay Khu di tích Lam Kinh, chủ yếu khách đến các điểm du lịch chỉ trong thời gian ngắn, lý do là không có các dịch vụ đi kèm.

Trong hội nghị tổng kết công tác VH,TT&DL 6 tháng đầu năm khu vực Bắc miền Trung, Giám đốc Sở VH,TT&DL Thừa Thiên Huế cho biết: các tỉnh Bắc Trung Bộ nên xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực, trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch di sản là một lợi thế mà hầu khắp các tỉnh đều có. Và Thanh Hóa cũng không nằm ngoài số đó.

Nói về việc xây dựng để có sản phẩm du lịch đặc trưng, ghi dấu trong lòng du khách. Ông Trịnh Đình Dương - Trưởng BQL Khu di tích Lam Kinh cho biết: để di sản trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cần thiết có sự đầu tư đồng bộ, cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, một mình BQL di tích thì sẽ không bao giờ có sản phẩm du lịch chất lượng. Cụ thể như hệ thống giao thông đi lại, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng. BQL Khu di tích Lam Kinh đã không ít lần lúng túng khi có những đoàn khách tỉnh ngoài đề nghị được ăn uống và nghỉ lại nhằm có thời gian tham quan di tích.

Cùng với đó là công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu của chúng ta phải chăng cũng còn nhiều hạn chế. Anh Nguyễn Văn Tĩnh, Tổ trưởng tổ quản lý di tích đền Bà Triệu cho biết: hiện tại, di tích vẫn chưa có trang web riêng để những người quan tâm có thể truy cập, tìm hiểu. Hàng năm, mọi công tác tuyên truyền chỉ tập trung vào dịp lễ hội đầu năm cùng tờ rơi phát cho khách đến di tích.

Xem ra, con đường từ di sản đến sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh hiện tại vẫn sẽ phải vượt qua không ít chông gai, thử thách nếu chúng ta thực sự muốn làm du lịch chuyên nghiệp.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]