(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) ‘Để các di tích thực sự phát huy hiệu quả, tạo dấu ấn, hấp dẫn khách du lịch thì chúng ta phải tập trung kinh phí cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi, kết hợp với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đa dạng hóa các dịch vụ bổ trợ...’ - bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ di tích đến sản phẩm du lịch đặc trưng (Bài cuối): Lời giải cho bài toán du lịch di tích

(VH&ĐS) ‘Để các di tích thực sự phát huy hiệu quả, tạo dấu ấn, hấp dẫn khách du lịch thì chúng ta phải tập trung kinh phí cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi, kết hợp với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đa dạng hóa các dịch vụ bổ trợ...’ - bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết.

Di tích nhiều nhưng thiếu điểm nhấn

Số lượng cũng như giá trị di tích ở Thanh Hóa chỉ đứng sau Hà Nội (mở rộng). Vậy nhưng, phần nhiều các di tích của tỉnh mới đang dừng lại ở việc gìn giữ những giá trị vốn có, còn việc gắn di tích với phát triển du lịch vẫn còn rất hạn chế.

Vậy, điều gì đã “bó chân” các di tích của Thanh Hóa phát huy tác dụng gắn với du lịch trong thực tế như hiện nay?

Trước hết, hãy lấy một ví dụ mà một người bạn đã chia sẻ với chúng tôi sau chuyến du lịch Trung Quốc vừa qua. Đến Trung Quốc, bạn tôi ấn tượng với hai điểm đến: Di sản văn hóa thế giới Thập Tam Lăng và Vạn Lý Trường Thành. Theo đó, Thập Tam Lăng chính là quần thể 13 lăng mộ của Hoàng đế thời nhà Minh. Di sản gây ấn tượng và hấp dẫn du khách bởi hệ thống cảnh quan vòng ngoài rộng lớn được trang hoàng hết sức bắt mắt. Còn Vạn Lý Trường Thành thì đương nhiên đã rất nổi tiếng khắp thế giới nên lẽ dĩ nhiên bạn tôi cũng không thể bỏ qua khi đến đây. Ngoài những thông tin và chứng kiến sự kì vĩ của công trình có lịch sử thời gian xây dựng hàng nghìn năm thì theo bạn, “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (không đến trường thành thì không phải là anh hùng - câu nói của một danh nhân trong lịch sử được những người làm du lịch Trung Quốc khắc trên bia đá để phục vụ khách du lịch chụp ảnh) chính là điểm nhấn mà rất nhiều du khách đã đến Trung Quốc thì không thể không đến Vạn Lý Trường Thành. Và một khi đã đến đây rồi thì không thể không có một bức ảnh lưu niệm ở vị trí “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Bạn tôi khẳng định, đó là một cách làm truyền thông du lịch ấn tượng và thông minh!

Câu chuyện của bạn khiến tôi liên tưởng về hai điểm đến có nét tương đồng ở xứ Thanh: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Theo đó, tại khu di tích Lam Kinh hiện còn lưu giữ quần thể lăng mộ các vua, hoàng hậu (6/8 khu lăng mộ đã được phục hồi) nhà Hậu Lê và bảo vật quốc gia nhà bia Vĩnh Lăng hết sức quý giá. Song dường như ấn tượng của điểm di tích này dành cho du khách vẫn chưa tạo nên những con số gây chú ý!

Còn khi đến với di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, có những du khách, vượt hàng trăm cây số đường dài, đến với di sản chỉ để ngắm công trình đá kỳ vĩ tồn tại suốt 600 năm qua. Có chút gì đó hụt hẫng, thất vọng. Không phải với di sản. Mà với cách làm du lịch.

Ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa cho rằng: việc thiếu đầu tư hạ tầng cơ sở và các dịch vụ phụ trợ đi kèm (văn hóa, ẩm thực…) cùng các điểm nhấn cần thiết khiến điểm đến này “mất điểm” trong lòng du khách. Ngoài tòa thành đá vĩ đại, chúng ta có gì để gây ấn tượng với du khách? Chẳng phải, du khách khi đến đây vẫn tò mò không hiểu bằng cách nào để những khối đá nặng hàng chục tấn được vận chuyển xây Thành. Vậy thì tại sao, một mô hình tái dựng lại cảnh vận chuyển đá, xây Thành lại không được dựng lên. Vừa để khách tham quan hiểu rõ hơn về sự phi thường của người xưa khi xây Thành Nhà Hồ, vừa có thể tạo nên một điểm tham quan, chụp ảnh lưu niệm có thu phí…Đó chỉ là một trong rất nhiều gợi ý mà nếu quan tâm đến phát triển du lịch của Thành Nhà Hồ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sẽ phải suy nghĩ.

Còn đối với khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ông Trịnh Đình Dương - Trưởng Ban quản lý chia sẻ: Sau một thời gian dài tôn tạo, đến thời điểm hiện tại diện mạo khu di tích Lam Kinh đã cơ bản được phục hồi với hệ thống các công trình kiến trúc như xưa. Năm 2017, khu di tích đặt mục tiêu sẽ đón 250 nghìn lượt khách.

Theo ông Dương, nguồn kinh phí để đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo khu di tích Lam Kinh từ trước đến nay chủ yếu là kinh phí Nhà nước. Và nếu chỉ xét về mặt bảo tồn, gìn giữ giá trị di tích thì cơ bản chúng ta đã làm tốt. Song, nếu gắn với du lịch vẫn còn thiếu và yếu. Cụ thể, mặc dù khách đến Lam Kinh tăng đều qua mỗi năm nhưng mới chủ yếu là khách lẻ, khách nhóm, còn khách đoàn thì rất ít. Mặc dù mỗi năm, các đoàn khách lớn về Sầm Sơn khá đông nhưng việc kết nối đưa khách đến các di tích, cụ thể là Lam Kinh thì vẫn chưa nhiều.

Cùng với đó, không ít người làm trong lĩnh vực du lịch xứ Thanh còn cho rằng: các doanh nghiệp làm du lịch ở Thanh Hóa hiện nay đang hoạt động khá “cô đơn”, thiếu sự kết nối. Mặc dù đã có quy hoạch các tuyến, điểm du lịch song ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm điều phối các tuyến, điểm du lịch, kết nối tour (đi đâu, ăn gì)… cũng là câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ.

Du lịch di tích xứ Thanh cần có những điểm nhấn thực sự.

Cần tập trung đầu tư đồng bộ cho các di tích trọng điểm

Trao đổi về câu chuyện từ di tích đến sản phẩm du lịch đặc trưng, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Để các di tích thực sự phát huy hiệu quả, tạo dấu ấn, hấp dẫn khách du lịch thì chúng ta phải tập trung kinh phí cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi, kết hợp với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đa dạng hóa các dịch vụ bổ trợ như: Đường giao thông kết nối; biển chỉ dẫn, giới thiệu di tích; xây dựng nhà đón tiếp, bãi giữ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn…cùng với đó là các khu bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương; hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, triển lãm phù hợp với tính chất của di sản. Để làm được điều đó, trong thời gian tới sở VH,TT&DL cần sớm tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển du lịch theo hình thức đối tác - công tư đối với các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu…Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa trong việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, khai thác di tích văn hóa, lịch sử …”

Và đây cũng chính là quan điểm của người đứng đầu BQL khu di tích Lam Kinh: Muốn Lam Kinh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Bên cạnh việc phục hồi, tu bổ di tích nguyên trạng thì việc tôn tạo cảnh quan, dịch vụ bổ trợ là rất quan trọng. Và điều này sẽ hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới di tích bởi đó là những yếu tố bên ngoài. Cụ thể, khu di tích Lam Kinh đã được quy hoạch với tổng diện tích 500ha, trong đó có không gian dành cho tôn tạo cảnh quan và công trình bổ trợ: bãi giữ xe, dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm…đang cần được đầu tư bằng xã hội hóa. Song để thu hút các doanh nghiệp thì trước hết và trên hết, nhà nước phải làm công tác dọn đường: tạo mặt bằng “sạch” để doanh nghiệp đầu tư. Cùng với đó là việc đầu tư hệ thống cảnh quan vòng ngoài di tích. Nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên, trong tương lai không xa, diện mạo du lịch khu di tích Lam Kinh chắc chắn sẽ có không ít thay đổi.

Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển du lịch sản phẩm mũi nhọn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035; Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017- 2025 được xem là đòn bẩy thúc đẩy để du lịch nói chung và du lịch di tích xứ Thanh nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Song “đòn bẩy” này lại phụ thuộc trực tiếp vào những chính sách, cơ chế đầu tư và kêu gọi đầu tư cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị chủ quản.

Trước mắt và trên hết, việc đầu tư đồng bộ với các di tích trọng điểm như: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu…để tạo nên những điểm nhấn di tích- du lịch của xứ Thanh là điều cần thiết. Bởi như đã nói, muốn du lịch di tích thực sự phát huy hiệu quả, dứt khoát cần phải có những điểm đến gây ấn tượng, hấp dẫn thực sự.

Số lượng các di tích nhiều, giá trị lớn không chỉ là tài sản quý giá của lịch sử để lại mà còn là nguồn tài nguyên phong phú thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển. Và bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch chưa bao giờ là "bài toán" dễ dàng dù với bất cứ địa phương nào. Tuy nhiên, nếu tìm ra những phương án, lời giải tối ưu thì hiệu quả khi đó chắc chắc sẽ là nhân đôi. Lúc đó, chúng ta không chỉ có nguồn kinh phí để đầu tư ngược trở lại cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích mà còn góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp đẽ, ấn tượng cho bạn bè trong và ngoài nước về hình ảnh một xứ Thanh địa linh nhân kiệt, đắm say lòng người.

Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước sẽ cần đến những giải pháp đồng bộ, sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành. Và đương nhiên, còn phải có những thay đổi thực sự về các nghĩ, cách làm du lịch của các doanh nghiệp, người dân theo hướng chuyên nghiệp. Có như vậy, con đường “Từ di tích đến sản phẩm du lịch đặc trưng” của xứ Thanh sẽ không còn xa.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]