(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định du lịch là 1 trong 5 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm. Các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Thế nhưng, thay vì biến tiềm năng thành hiện thực thì không ít dự án đang bật chế độ “im lặng”, và có đủ lý do để được “hưởng” quyền gia hạn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Vấn nạn” dự án du lịch chậm tiến độ (Bài 1): “Điệp khúc” gia hạn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định du lịch là 1 trong 5 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm. Các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Thế nhưng, thay vì biến tiềm năng thành hiện thực thì không ít dự án đang bật chế độ “im lặng”, và có đủ lý do để được “hưởng” quyền gia hạn.

Hết hạn... lại gia hạn

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Thanh Hóa về “Kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay”, tình trạng không ít doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng kéo dài nhiều năm không triển khai thực hiện dự án đầu tư, khi tỉnh có yêu cầu thu hồi đất thì có đến 13 dự án xin gia hạn, thậm chí có dự án xin gia hạn tới 4 lần.

Với tiềm năng và lợi thế lớn, nhưng đến nay du lịch huyện Tĩnh Gia vẫn chưa thể phát triển tương xứng. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các dự án du lịch triển khai chậm tiến độ. Trong số đó phải kể đến dự án Khu du lịch biển Golden coast resort của Công ty CP Xi măng Công Thanh (gia hạn 2 lần). Dự án này với tổng diện tích trên 20 ha, thuộc địa phận 2 xã Hải Hòa và Bình Minh (huyện Tĩnh Gia), được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép đầu tư tại Công văn số 3081/UBND-CN ngày 25/7/2006. Năm 2008, UBND tỉnh đã duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 24/3/2008, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quý II/2008.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, đến tháng 6/2016 Công ty CP Xi măng Công Thanh lại có văn bản đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho giãn tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) và hồ sơ sử dụng đất, xây dựng, môi trường để khởi công xây dựng vào tháng 10/2017 và hoàn thành dự án, đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5/2019. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây. Gần đây nhất, tháng 3/2018, Công ty CP Xi măng Công Thanh tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng 5,25 ha đất rừng phòng hộ phục vụ dự án. Đề nghị này hiện vẫn phải chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Với lý do nêu trên, hiện dự án Khu du lịch biển Golden coast resort vẫn tiếp tục được dự báo kéo dài trong trạng thái “im lặng”.

Cùng với dự án Khu du lịch biển Golden coast resort phải kể đến một số dự án có “thâm niên” gia hạn như: Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đức Thịnh (Công ty TNHH Đức Thịnh), Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (Công ty CP Tập đoàn T&T), Dự án xây dựng khu du lịch công viên Biển Xanh (Công ty CP Phúc Hoàng Nghiêu), Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Ngọc Lặc (Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ Thăng Long)...

Không chỉ là chuyện lãng phí tài nguyên

Cần phải nhấn mạnh rằng, đến thời điểm hiện nay, tình trạng gia hạn dự án ngày càng trở nên “phổ biến”. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang phấn đấu đến năm 2020 phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và thời gian để “cán đích” không còn xa, vì vậy việc nhiều dự án bật chế độ “im lặng” không còn nằm ở chuyện lãng phí tài nguyên mà còn lãng phí thời gian cũng như cản trở những nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Dự án khu biệt thự Hùng Sơn (xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn) đến nay vẫn còn nằm trên giấy tờ.

Sầm Sơn là đầu tàu của du lịch Thanh Hóa, không chỉ bởi sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu ngành, mà còn bởi sức hút đối với các nhà đầu tư. Hiện nay thành phố này đang triển khai 8 dự án du lịch lớn, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Sầm Sơn thì đến thời điểm hiện nay hầu hết các dự án đều triển khai chậm hoặc chưa đúng tiến độ đề ra. Tình trạng này đã và đang khiến cho đời sống người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là những hộ sống trong vùng dự án đang bị đặt vào tình thế “đi cũng dở, ở không xong”.

Bức xúc trước thực trạng dự án “treo”, ông Viên Đình Hoàn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) cho rằng: Nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất. Bởi theo ông, dự án Khu biệt thự Hùng Sơn đã được phê duyệt cách đây 15 năm, song đến nay mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi. Có chăng sự thay đổi chính là cánh rừng phi lao chắn sóng đã bị chặt phá để bàn giao đất cho nhà đầu tư, đến nay cả chục ha đất mọc toàn cỏ dại. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người dân mỗi khi mùa mưa bão về. Thay vào sự kỳ vọng như trước đây, người dân và chính quyền địa phương ngày càng mất niềm tin vào dự án.

Nếu chiếu theo điểm g, khoản 1, điều 48, Luật Đầu tư năm 2014, thì: “Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này”, thì dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt hoạt động. Luật là vậy, nhưng để áp dụng vào thực tiễn, với hàng chục dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay lại là cả một bài toán khó. Bởi, nhà đầu tư luôn có những “cái lý” để được “hưởng” quyền gia hạn dự án.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]