(vhds.baothanhhoa.vn) - Không ít ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Nói Tây Đô xứ Thanh là kinh đô nước Việt (Đại Ngu) dưới vương triều Hồ đúng song có lẽ vẫn chưa đủ. Lần lại sử liệu, sẽ chẳng sai khi nói rằng, đó còn là kinh đô của vương triều Trần những năm cuối cùng dù thực quyền không còn trong tay nhà vua. Là một thắng tích động Hồ Công - chùa Du Anh với câu chuyện công chúa nhà Trần được chữa khỏi bệnh; hành cung Bảo Thanh (Ly cung) xây dựng nguy nga, kiên cố; hang Nàng và những câu chuyện kể... mỗi di tích, điểm đến trong chuyến trở về đất Tây Đô chắc chắn sẽ mang đến cho lữ khách xúc cảm khám phá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về đất Tây Đô - Bài 1: Đi tìm dấu tích vương triều Trần

Không ít ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Nói Tây Đô xứ Thanh là kinh đô nước Việt (Đại Ngu) dưới vương triều Hồ đúng song có lẽ vẫn chưa đủ. Lần lại sử liệu, sẽ chẳng sai khi nói rằng, đó còn là kinh đô của vương triều Trần những năm cuối cùng dù thực quyền không còn trong tay nhà vua. Là một thắng tích động Hồ Công - chùa Du Anh với câu chuyện công chúa nhà Trần được chữa khỏi bệnh; hành cung Bảo Thanh (Ly cung) xây dựng nguy nga, kiên cố; hang Nàng và những câu chuyện kể... mỗi di tích, điểm đến trong chuyến trở về đất Tây Đô chắc chắn sẽ mang đến cho lữ khách xúc cảm khám phá.

Về đất Tây Đô - Bài 1: Đi tìm dấu tích vương triều Trần

Chùa Du Anh mang tên công chúa nhà Trần.

Từ chuyện kể Ly cung

Dọc theo Quốc lộ 217 từ Hà Trung đi Vĩnh Lộc, hành trình khám phá vùng đất Tây Đô thuở nào bắt đầu bằng những dấu tích còn sót lại của một Ly cung cách Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Thành Tây Đô) khoảng 25 km. Ngày nay, di tích nằm trên địa bàn xã Hà Đông (Hà Trung). Đây có lẽ là di tích gắn liền với vương triều Trần - Hồ ở xứ Thanh cách xa di sản Thành Đá nhất, song cũng là một trong những di tích in đậm dấu ấn vương triều Trần những năm cuối cùng.

Ngược thời gian, trở về với bối cảnh lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XIV. Lúc bấy giờ, nhà Trần đã thực sự bước vào giai đoạn suy vi khó có thể cứu vãn. Các vua Trần người nhu nhược, kẻ bất tài... tất cả như báo hiệu một cái kết diệt vong. Lợi dụng tình thế ấy, ở phương Bắc nhà Minh không giấu diếm tham vọng thôn tính, phía Nam giặc Chiêm Thành cũng không ngừng quấy phá. Thế nước suy yếu, nhà vua lại không thể làm chủ chính sự. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa hạ, tháng 4 (năm Giáp Tuất 1394), khi họp thề xong rồi, Thượng hoàng (Trần Nghệ tông) gọi Quý Ly vào cung, ung dung bảo rằng: “Bình Chương là người họ thân, công việc trong nước đều giao cho cả. Nay thế nước suy yếu, ta đã già yếu, sau khi ta chết rồi, quan gia đáng giúp thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối thì người tự lấy lấy nước”. Đó gần như một sự gửi gắm buông xuôi. Và Hồ Quý Ly với thực quyền nắm giữ trong triều đình nhà Trần cùng tham vọng lẽ dĩ nhiên sẽ có những toan tính của riêng mình.

Bắt đầu bằng việc, ông chuẩn bị cho cuộc dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn (Thanh Hóa), gấp rút xây dựng Thành Tây Đô, hoàn thành thần tốc chỉ trong 3 tháng. Đồng thời “làm cung Bảo Thanh ở tây Nam núi Đại Lại mời vua đến ở đấy”. Có ý kiến cho rằng, cung Bảo Thanh (Ly cung) ban đầu được Hồ Quý Ly nghĩ đến cho việc tọa lạc một kinh đô mới của vương triều. Các cụ cao tuổi trong làng Kim Phát, xã Hà Đông kể lại: Hồ Quý Ly có ý dời đô từ Thăng Long vào Ly cung nên đã cho chuyển về đây ba bè gỗ lim cực lớn. Nhưng mới sử dụng hết một bè thì ông thay đổi ý định... đến nay hai bè gỗ lim còn lại vẫn chìm dưới lòng sông. Thời gian trước, trong quá trình nạo vét thủy lợi, người dân vẫn bắt gặp những phiến gỗ lim lớn.

Không ai dám chắc, liệu có phải vùng đất Đại Lại - quê nhà của Hồ Quý Ly là lựa chọn ban đầu cho việc dời đô của ông hay không. Song có một điều chắc chắn, từ năm 1396 - 1398, cung Bảo Thanh đã trở thành hành dinh chống giặc, nơi bàn luận việc quân cơ của vua tôi nhà Trần. Và dù mục đích xây dựng là “hành cung”, song đó thực sự là một công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy dành cho vua nhà Trần với đầy đủ: Hoàng cung; Giếng ngọc; Thành ngoài; Bến tắm; Suối ngự; lầu Đấu kê; đình Vọng nguyệt... cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1398, sau khi được truyền ngôi “Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu Kiến Tân năm thứ I, đại xá cho thiên hạ”.

Đặc biệt, từ năm 1979 đến nay, trải qua 4 lần khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều hiện vật phong phú cả về loại hình lẫn hoa văn trang trí như: Đá bó nền; chân tảng chạm cánh sen, rồng chầu mặt nguyệt; đầu rồng đá; bệ đá hoa sen; hay hiện vật đất nung tượng đầu rồng, tượng đầu chim, tượng đầu sư tử... trong đó, có không ít hiện vật giống với hiện vật đã tìm thấy ở Thành Nhà Hồ.

Đi qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian, Ly cung giờ đây chỉ còn là phế tích. Nguyên vẹn nhất chính là văn bia do vua Lê Tương Dực cho soạn thảo nhân chuyến về bái yết sơn lăng ở Lam Kinh đã qua vùng đất Đại Lại. Nội dung văn bia nói nhiều đến cảnh đẹp của Ly cung đương thời. Cùng với những cứ liệu khoa học được tìm thấy, có thể khẳng định vị thế quan trọng của Ly cung đối với vương triều nhà Trần trên vùng đất xứ Thanh thời bấy giờ.

Khác với Ly cung, nếu có dịp ghé thăm hang Nàng thuộc xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) cách Thành Nhà Hồ chỉ hơn 2 km ta lại được lắng nghe câu chuyện dân gian lưu truyền về việc vị vua cuối cùng của vương triều Trần bị giam lỏng. Theo đó, sau khi bị soán ngôi, Trần Thiếu Đế đã được Hồ Quý Ly đưa tới ở tại Ngọc Thanh động trên núi An Tôn. Tại đây, có hai người con gái lo việc hầu hạ, ăn uống sinh hoạt của vị vua xấu số. Không ai biết vua Trần sống ở đây ra sao, chỉ có hai nàng hầu thường xuyên ra vào. Bởi thế mà về sau Ngọc Thanh động còn được gọi là hang Nàng. Khi hai nàng chết, mối đùn lên thành mộ. Thương xót cho số phận hai nàng hầu, nhân dân địa phương đã tạc vào vách núi hình hai chiếc nón để tưởng nhớ.

Đến thắng tích động Hồ Công - chùa Du Anh

Bên cạnh Ly cung nơi vùng đất Đại Lại, thắng tích động Hồ Công - chùa Du Anh ngày nay thuộc địa phận xã Ninh Khang, cách Thành Nhà Hồ khoảng 4 km về phía Nam cũng nổi danh không chỉ bởi cảnh đẹp trời ban mà nơi đây còn được nhắc đến cùng tên tuổi của công chúa Du Anh con gái vua Trần Nghệ tông.

Tọa lạc lưng chừng ngọn núi Xuân Đài, danh thắng động Hồ Công đã được chép trong không ít tài liệu xưa, như: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Đại Nam Nhất thống chí; Thanh Hóa kỷ thắng của Vương Duy Trinh... và được mệnh danh là “Đẹp nhất trong số 36 động ở phương Nam”. Hoàng đế Lê Thánh Tông khi ghé thăm nơi đây không giấu được cảm xúc, đã phải kinh ngạc thốt lên: “Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san”, đại ý động Hồ Công ở trong muôn vàn lớp núi, vẻ đẹp như có quỷ thần soi tác mới nên. Hay Hồng Ngư Cư Sĩ, Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm - thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du cũng chẳng tiếc lời ngợi ca: Núi không vì cao/ Có tiên nổi tiếng/ Nước không vì sâu/ Có rồng tất thiêng... Xin được dẫn giải lời cổ nhân để thấy rằng, động Hồ Công thực sự là thế giới thần tiên thu nhỏ, một “bầu ngọc” theo cách miêu tả hình ảnh lung linh của chúa Trịnh Sâm với đường lên trời, lối xuống âm cung.

Phải chăng, vì có tiên tu luyện nên động Hồ Công trở nên linh thiêng. Tương truyền, phía dưới động Hồ Công, ngay chân núi Xuân Đài từ thời Lý đã có ngôi chùa cổ được khởi dựng. Đến thời Trần, trong những lần ghé chơi, vua Trần Nghệ tông đã đưa công chúa Du Anh đến đây lễ chùa, dưỡng bệnh. Nhờ cây thuốc được lấy trên động Hồ Công, bệnh của công chúa nhà Trần đã được chữa khỏi. Nhà vua đã phát tâm công đức cho nâng cấp chùa và mọi việc do chính công chúa trực tiếp đốc thúc. Từ đó, ngôi chùa cổ có tên là Du Anh tự, Nhân dân trong vùng thường gọi tên chùa Thông. Vì thời gian tàn phá mà đổ nát, vào thời Lê Trung hưng, niên hiệu Hoằng Định, Quảng Quận công Trịnh Vĩnh Lộc xuất tiền cất dựng lại, Thượng thư Phùng Khắc Khoan viết bài bia minh. Đến nay, văn bia khắc vẫn còn.

Thăm động Hồ Công - chùa Du Anh giờ đây, cảnh và người hẳn không còn như lúc xưa. Dẫu vậy, vẫn là cảnh sắc tĩnh tại nơi tu thiền khiến kẻ mộ đạo thấy mình đang bước chân vào chốn Phật, cõi tiên. Để thấy rằng, tạo hóa quả thực tài hoa trong những tuyệt tác ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây.

Bài và ảnh: Thu trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]