(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” trong tâm thức văn hóa - tín ngưỡng dân gian của người Việt, Thánh Gióng- Phù Đổng Thiên Vương đại diện cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ở xứ Thanh, có một vùng đất từng lưu truyền huyền tích, lễ hội gắn liền với Đổng Thiên Vương thần.

Về nơi lưu dấu huyền tích Phù Đổng Thiên Vương

Là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” trong tâm thức văn hóa - tín ngưỡng dân gian của người Việt, Thánh Gióng- Phù Đổng Thiên Vương đại diện cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ở xứ Thanh, có một vùng đất từng lưu truyền huyền tích, lễ hội gắn liền với Đổng Thiên Vương thần.

Về nơi lưu dấu huyền tích Phù Đổng Thiên Vương

Đình làng Trịnh Điện là nơi trước đây vào lễ hội Cầu vũ, dân làng rước kiệu từ đền thờ Phù Đổng Thiên Vương về làm lễ.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí: Đền Đổng Thiên Vương thần ở làng Chiềng, nay là Trịnh Điện, xã Định Hải (Yên Định). Đền được xây dựng bên bờ sông Mã, đối diện di tích đồi Sóc bên kia sông...

Ông Bùi Văn Tuyền, nguyên Trưởng thôn Trịnh Điện, cho biết: “Khi chúng tôi lớn lên vẫn còn di tích đền Phù Đổng Thiên Vương. Nhưng sau đó, vì nhiều lý do mà khoảng những năm 70, 80 của thế kỷ trước, di tích dần trở thành phế tích”. Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương được khởi dựng thời Lê Trung Hưng do Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm kêu gọi người dân trong vùng đóng góp công sức, vật lực. Ngôi đền được làm theo kiến trúc đền truyền thống, là nơi người dân trong làng gửi gắm niềm tin tâm linh. Tuy vậy, truyền thuyết về vị thần nhà trời đánh đuổi giặc ngoại xâm thì đã lưu truyền trong đời sống Nhân dân bên bờ sông Mã từ rất sớm.

Truyền thuyết ở làng Chiềng kể rằng: Sau khi vươn vai đứng dậy trở thành dũng sĩ, chàng Gióng đã xông pha ra trận, ngựa phi đến đâu giặc bị diệt đến đó. Lưỡi gươm của Thánh Gióng vung lên như ánh chớp, ngựa sắt phun lửa đỏ rực thiêu rụi kẻ thù... Chỉ tay sang bên kia sông Mã, ông Tuyền cho biết thêm: “Đấy chính là đồi Sóc Sơn thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc). Cha ông truyền lại rằng, ở nơi ngựa sắt phun lửa về sau người ta gọi là làng Cháy (Vĩnh Lộc, Thạch Thành đều có). Hay hệ thống ao hồ dày đặc ở các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh An (Vĩnh Lộc) còn lại đến ngày nay chính là vết chân ngựa phi qua để lại. Rồi cả loại tre đằng ngà có màu vàng óng đặc trưng còn lưu giữ cũng là dấu vết do ngựa sắt phun lửa mà thành”...

Người dân làng Chiềng tin rằng, sau khi đánh tan giặc xâm lược, từ đồi Sóc Sơn bên kia sông, vị thần nhà trời đã cưỡi ngựa sắt bay sang bên này sông Mã (xã Định Hải), ở núi Chân Tiên. Tại đây, người và ngựa cùng lên đỉnh núi bay về trời, để lại dưới núi Chân Tiên dấu vết “4 bàn chân ngựa, 2 bàn chân người in xuống nền đá khối”.

Nếu truyền thuyết và dấu tích về vị thần Phù Đổng Thiên Vương ở làng Chiềng là câu chuyện có từ xa xưa thì di tích thờ thần lại được xác định niên đại rõ ràng, gắn liền với tên tuổi của chúa Trịnh Kiểm. Theo đó, mẹ ông là bà Hoàng Thị Ngọc Dốc vốn người làng Chiềng. Trong những năm tuổi trẻ gây dựng sự nghiệp, chúa Trịnh đã từng lấy nơi đây làm đại bản doanh đóng quân. Lúc bấy giờ, với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, chàng trai họ Trịnh đã kêu gọi Nhân dân cùng nhau đóng góp xây dựng đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ba gian hai chái bằng gỗ lim, cửa bức bàn. Phía trước di tích là hàng trăm cây cổ thụ. Di tích được khởi dựng ngay ở vị trí dưới chân núi Chân Tiên, nơi có những vết chân người, ngựa còn để lại, nhằm tri ân công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của vị tướng nhà trời. Đồng thời, dân gian cũng tin rằng với tất cả sự kính ngưỡng, Nhân dân sẽ được Đổng Thiên Vương thần dõi theo phù trợ, giúp đỡ cho vạn sự bình an.

Gắn liền với di tích đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở làng Chiềng là hệ thống các nghi lễ, lễ hội tâm linh độc đáo. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch), các làng trong vùng (hai bên bờ sông) tập trung “góp lễ” dâng lên thần. Độc đáo hơn cả là lễ hội Cầu vũ diễn ra vào ngày 9 tháng 3 (âm lịch). Ngày này, người dân các làng trong vùng lại nô nức nối chân nhau về đền Phù Đổng Thiên Vương dâng hương, rước kiệu, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Với làng Chiềng, kiệu sẽ được rước từ đền thờ Đổng Thiên Vương thần về đình làng (đình làng Trịnh Điện ngày nay).

Sau lễ Cầu vũ, mưa thường xuất hiện, được người dân địa phương xem như sự linh ứng của vị thần nhà trời. Nối tiếp lễ hội Cầu vũ, lễ hội Kỳ phúc (10 tháng 3, âm lịch) là lời gửi gắm, cầu mong phù trợ của Nhân dân đến đấng thần linh.

Như để khẳng định thêm về sự xác thực của di tích, ông Bùi Văn Tuyền cho biết thêm: "Thế hệ chúng tôi khi lớn lên ở mảnh đất này đều mắt thấy, tai nghe, tay sờ trực tiếp các hiện vật có tại di tích. Từ người lớn đến trẻ con đều tin rằng, đền thờ thực sự rất linh thiêng nên người dân trong làng còn truyền tai nhau những điều cấm kị như: đi qua hoặc vào đền không được phép nói bậy, chửi tục, tâm mang những ý niệm xấu xa...

Cùng với những thăng trầm của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, đền thờ thần Phù Đổng Thiên Vương ở làng Chiềng dần xuống cấp, trở thành phế tích. Vị trí nơi từng hiện hữu đền thờ ở làng Trịnh Điện cũng dần bị quên lãng trong trí nhớ nhiều người. Núi Chân Tiên dẫu vẫn còn đó nhưng những “chân người, chân ngựa” cũng chỉ còn lại trong ký ức của bậc cao niên. Bên cạnh đó là sự gián đoạn của những lễ tục, nghi lễ, lễ hội trong một thời gian liên tục... Tất cả khiến cho truyền thuyết và di tích, lễ hội Phù Đổng Thiên Vương đang ngày càng mờ phai.

Ông Hoàng Trung Thịnh, Chủ tịch UBND xã Định Hải xác nhận: Hiện nay, cả di tích đền thờ Phù Đồng Thiên Vương gắn với lễ hội ở đền đều không còn. Tuy nhiên, ngoài truyền thuyết thì trên địa bàn xã có nhiều dấu tích, hiện vật liên quan tới di tích, lễ hội còn tồn tại. Đây có thể là căn cứ quan trọng cho các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, nhà khoa học, nghiên cứu, tìm ra phương án trùng tu, tôn tạo di tích.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]