(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghề hướng dẫn viên du lịch được đi nhiều nơi, tham quan nhiều chỗ, gặp gỡ nhiều người và được biết đến là nghề có thu nhập cao. Nhưng đằng sau những ánh hào quang chói sáng ấy là những giọt nước mắt thầm lặng, sự cô đơn và gia sản của họ chẳng có gì ngoài ‘những chuyến đi’.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vui, buồn nghề hướng dẫn viên du lịch (Bài 2): Tâm sự dọc đường tour

Nghề hướng dẫn viên du lịch được đi nhiều nơi, tham quan nhiều chỗ, gặp gỡ nhiều người và được biết đến là nghề có thu nhập cao. Nhưng đằng sau những ánh hào quang chói sáng ấy là những giọt nước mắt thầm lặng, sự cô đơn và gia sản của họ chẳng có gì ngoài ‘những chuyến đi’.

Hướng dẫn viên giới thiệu Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh với Đoàn công tác Bộ Tư pháp và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Cạm bẫy “bủa vây” nữ hướng dẫn viên

Trở lại với câu chuyện của bạn Cao Hương - thành viên CLB HDV du lịch Thanh Hóa (SN 1990), Hương cho biết mình đã theo nghề HDV du lịch được 4 năm, ít nhiều cũng nếm trải được nỗi khổ của nghề. Khó khăn nghề HDV đã đành là khó khăn chung, nhưng với phụ nữ theo nghề, khó khăn lại tăng lên bội phần. Với tính chất công việc thường xuyên phải đi xa và di chuyển nhiều nên rất khó để tìm được một người bạn đời hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Nếu lấy chồng chắc mình cũng phải chuyển nghề thôi.

Chia sẻ kỷ niệm về những chuyến đi, Cao Hương cho biết, mặc dù rất yêu thích những trải nghiệm khi được là người tổ chức, hướng dẫn cho các đoàn. Tuy vậy trong quá trình trải nghiệm với nghề không ít lần Hương đã bật khóc. Thậm chí nhiều người còn miệt thị, lăng mạ ví nữ HDV du lịch giống như gái bán thân. Có những lần đi tour, khách nam, thậm chí có những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều, cố tình trêu ghẹo, gạ gẫm, nói những câu thiếu tế nhị. Thời gian đầu gặp phải những tình huống này, mình sợ đến mức bật khóc.

Chị Nguyễn Hồng Hương, một HDV tự do tâm sự: “Nhiều lần phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đón khách, lẩm nhẩm trong đầu rằng mình cũng có bằng cấp như ai, học hành tử tế, bạn bè mình thì đã yên bề gia thất, công việc thì ổn định, lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ. Mình thì suốt ngày long dong trên những cung đường, nay đây mai đó”...

Là một HDV, mình phải làm đủ thứ, từ dọn dẹp, bê đồ ăn cho khách, ăn sau khách, dậy trước khách, ngủ sau khách... Khi ăn không được ngồi cùng khách, HDV và lái xe phải ngồi riêng, chi phí do công ty chi trả. Ấy vậy mà có lần mình dẫn đoàn, sau khi lo cho mọi người ổn định vị trí, đầy đủ món ăn, sau đó mình cùng anh em lái xe ăn riêng một bàn, bỗng dưng một bác trưởng đoàn lại chửi té tát, cho rằng mình cắt xén bớt tiền của khách để ăn riêng. Đó mới chỉ là một trong những tình huống HDV gặp phải. Thậm chí nhiều khi tiễn đoàn ra về, một câu cảm ơn, một cái bắt tay, một nụ cười còn chẳng nhận được. Chẳng biết đến bao giờ khách du lịch mới thấu hiểu cho cái nghề của anh chị em HDV” - chị Nguyễn Hồng Hương chia sẻ.

Gia sản “chẳng có gì ngoài những chuyến đi”

“Sau gần 4 năm trời miệt mài làm nghề du lịch, trong những “cơn điên” của tuổi trẻ về công việc, tình yêu, sự nghiệp, tôi chợt giật mình và nhận ra mình đã có được những gì ngoài những chuyến đi. Có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng tôi khoe khoang mình đi nhiều. Không phải đâu ạ, tôi cũng chẳng đi nhiều đâu, cả thế giới bao la trước mặt mà mình biết được bao nhiêu. Nói ra như vậy là vì tôi nhận thấy rằng cái nghề của mình sao bạc bẽo quá. Bao nhiêu năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay...” đó là tâm sự của một bạn trẻ có nick facebook “Người hướng dẫn viên du lịch” chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Chia sẻ về công việc của mình, bạn Lê Thị Dương (Thọ Xuân) cho biết, Dương đã lập gia đình và có một con nhỏ, tuy nhiên, do tính chất công việc cũng như thu nhập của cuộc sống nên phải gửi con ở quê cho ông bà còn mình xuống thành phố thuê trọ. Không những Dương mà hầu hết HDV ở Thanh Hóa hiện nay đều làm tự do, không nhất thiết ổn định ở một công ty nào. Tuy nhiên, làm HDV tự do vấn đề tài chính chưa bao giờ được gọi là ổn định, bởi du lịch dựa theo mùa vụ, rồi dựa vào khách hàng. Có lúc vào mùa cao điểm, có thể HDV nhận được nhiều tour, kiếm được nhiều tiền thật nhưng cũng chẳng đủ để mình chi trả cho cuộc sống lâu dài.

Đó là những câu chuyện bên lề, là một phần rất đỗi bình thường đối với các HDV du lịch. Buồn vui trong nghề là thế, nhưng họ - những HDV du lịch trên từng cây số hay tại mỗi khu, điểm tham quan vẫn nhiệt tình, xông xáo, vẫn nở nụ cười thật tươi - “nụ cười du lịch” mỗi khi thuyết minh hay khi trò chuyện cùng du khách. Và thật đáng trân trọng khi ở khắp mọi miền đất nước vẫn có rất nhiều các bạn trẻ mong ước được trở thành HDV du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]