(vhds.baothanhhoa.vn) - Tận dụng lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, vượt qua khó khăn... những năm qua, du lịch Thanh Hóa đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, ghi dấu trên “bản đồ” du lịch cả nước. Dẫu vậy, vẫn còn đó không ít vấn đề đặt ra để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói xứ Thanh phát triển hơn nữa..

“Điểm hẹn” ngày hè (Bài 3): Để du lịch xứ Thanh thêm sức hút

Tận dụng lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, vượt qua khó khăn... những năm qua, du lịch Thanh Hóa đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, ghi dấu trên “bản đồ” du lịch cả nước. Dẫu vậy, vẫn còn đó không ít vấn đề đặt ra để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói xứ Thanh phát triển hơn nữa..

“Điểm hẹn” ngày hè (Bài 3): Để du lịch xứ Thanh thêm sức hút

Du lịch Thanh Hóa còn nhiều dư địa để phát triển.

Với hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có biển, có núi, các loại hình nghỉ dưỡng được đầu tư đồng bộ, chất lượng, thời gian qua Thanh Hóa đang dần trở thành điểm đến được nhiều du khách tìm về.

Chị Hoàng Uyên, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây, nhắc đến du lịch Thanh Hóa, tôi gần như chỉ nghĩ đến Sầm Sơn. Nhưng giờ đây, về Thanh Hóa du lịch, tôi đã có nhiều hơn những sự lựa chọn nghỉ ngơi, vui chơi. Đáng nói, các địa điểm du lịch ở Thanh Hóa ngày càng được hoàn thiện, rực rỡ sắc màu. Một điểm cộng của du lịch Thanh Hóa còn ở giá cả cạnh tranh, phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch”.

Chia sẻ của chị Hoàng Uyên cũng là cảm nhận của nhiều du khách khi về với du lịch Thanh Hóa hiện nay. Và sức hút của du lịch xứ Thanh thời gian qua đã được khẳng định qua những con số thống kê. Năm 2024, du lịch Thanh Hóa đón trên 15 triệu lượt khách. Năm 2025, chỉ trong kỳ nghỉ lễ 30/4, Thanh Hóa đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách lưu trú đạt gần 1 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 4.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Những điểm đến thu hút đông đảo du khách là: Sầm Sơn, Hải Tiến, Nghi Sơn, Pù Luông, Bến En...

Theo Cục Du lịch quốc gia, trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, doanh thu từ du lịch của Thanh Hóa chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh thành mà du khách có mức chi tiêu cao.

Ngoài cảnh đẹp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến và sự “bùng nổ” về lượng khách của du lịch Thanh Hóa thời gian gần đây. Một trong số đó là sự thuận lợi về giao thông. Nếu trước đây, từ Hà Nội về Thanh Hóa, du khách mất khoảng 3,5 giờ đồng hồ cho việc di chuyển, thì giờ đây, thời gian được rút ngắn xuống còn khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, phương tiện giao thông đưa đón khách tận các điểm đến... Cùng với đấy, các sản phẩm du lịch phục vụ du khách ở các điểm đến ngày càng đa dạng, được đầu tư bài bản, nâng cao về chất lượng...

Là một người có nhiều trải nghiệm du lịch ở cả trong và ngoài nước, cũng đồng thời hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, chị Phạm Ngọc Lan (TP Sầm Sơn) chia sẻ: “Du lịch Thanh Hóa đang ngày càng hoàn thiện và đẳng cấp hơn, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Chúng ta có những khu du lịch, nghỉ dưỡng, những điểm đến hấp dẫn không thua kém nhiều thành phố du lịch nổi tiếng trong nước. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ từng ngày được nâng lên, chuyên nghiệp hơn cũng là điểm cộng khiến du khách nhớ và tìm đến Thanh Hóa nhiều hơn”.

Theo dõi sự phát triển, đổi thay của du lịch Thanh Hóa, ông Vũ Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh) cho biết: Sự phát triển của du lịch Thanh Hóa thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Đó là kết quả của nhiều yếu tố. Từ công tác quản lý, vận hành đến những người trực tiếp làm dịch vụ du lịch. Du lịch Thanh Hóa thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt về diện mạo điểm đến, cách làm du lịch, công tác đào tạo nguồn nhân lực... Có thể nói, du lịch Thanh Hóa đã và đang ngày càng chuyên nghiệp hơn trên “đường đua” của du lịch cả nước.

Tuy nhiên cũng theo ông Vũ Văn Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận thì sự phát triển của du lịch Thanh Hóa hiện nay vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà chúng ta đang có. Theo đó, lượng khách về Thanh Hóa tuy đông song vẫn chủ yếu tập trung lượng lớn ở Sầm Sơn. Trong khi đó, Sầm Sơn vẫn chưa thực sự “giải được bài toán” du lịch mùa vụ một cách toàn diện. Khách về Sầm Sơn tuy đông song vẫn chủ yếu đang tập trung vào những tháng mùa hè. Việc lượng khách không đều trong năm dẫn đến nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn không khỏi áp lực trong việc vận hành và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng.

“Điểm hẹn” ngày hè (Bài 3): Để du lịch xứ Thanh thêm sức hút

Các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bên cạnh đó, khách đến Thanh Hóa tuy đông song số lượng khách quốc tế chưa nhiều. Trong khi đó, khách quốc tế được kỳ vọng nhiều về mức độ chi tiêu. Nếu đến Đà Nẵng, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ về khả năng hút khách của thành phố du lịch bên sông Hàn. Thanh Hóa rất gần Ninh Bình, so về tài nguyên, sản phẩm du lịch chúng ta không ít hơn, vậy nhưng tại sao du khách quốc tế lại ghé Ninh Bình nhiều hơn - đây là thực tế rất nhiều trăn trở. Phát triển du lịch dựa trên sự tổng hòa của nhiều yếu tố về môi trường cảnh quan, tài nguyên nhân văn, nét đẹp văn hóa bản địa và dịch vụ... mỗi yếu tố như một “mắt xích” mà nếu thiếu hay yếu ở bất cứ khâu nào cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm du lịch - ông Vũ Văn Bình khẳng định.

Dưới góc độ người làm công tác quản lý, ông Hà Nam Khánh, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Thời gian qua, du lịch Bá Thước nói chung mà điểm nhấn là Pù Luông đã và đang thu hút ngày càng nhiều hơn du khách tìm về. Phải khẳng định, du lịch đã thực sự làm thay đổi đời sống của người dân địa phương. Vì thế, để du lịch Pù Luông ngày càng phát triển, chính quyền địa phương, phòng chuyên môn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân làm du lịch. Tuy nhiên, để du lịch Pù Luông phát triển bền vững thì có những vấn đề luôn được đặc biệt quan tâm. Đó là việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hạn chế tối đa những tác động vào tự nhiên, bởi thiên nhiên là một trong những yếu tố cốt lõi của du lịch Pù Luông. Cùng với đó, việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống cũng không kém phần quan trọng, góp phần để du khách nhớ đến Pù Luông lâu hơn. 5 tháng đầu năm 2025, huyện Bá Thước đã đón trên 185.000 lượt khách. Và năm 2025, huyện Bá Thước đặt mục tiêu đón trên 340.000 lượt khách, trong đó có khoảng 25% là khách ngoại quốc.

Năm 2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách với tổng thu được kỳ vọng khoảng 45,5 nghìn tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm, du lịch Thanh Hóa đã gặt hái được không ít kết quả khả quan. Dẫu vậy, để đạt được những mục tiêu lớn, để Thanh Hóa thực sự là điểm đến hấp dẫn và chất lượng thì có không ít vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]