(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Phúc Tiên, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) hiện nay có trên 10 dòng họ sinh sống, gồm các họ: Lê Văn, Lê Đăng, Trần, Lê Ngọc, Nguyễn Quan, Lê Phú, Lê Phụng, Vũ Ngọc, Lê Đình, Phan, Đặng... Dưới thời phong kiến và thuộc Pháp, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và dệt vải.

Đình làng Phúc Tiên trên đất Hoằng Quỳ

Làng Phúc Tiên, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) hiện nay có trên 10 dòng họ sinh sống, gồm các họ: Lê Văn, Lê Đăng, Trần, Lê Ngọc, Nguyễn Quan, Lê Phú, Lê Phụng, Vũ Ngọc, Lê Đình, Phan, Đặng... Dưới thời phong kiến và thuộc Pháp, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và dệt vải.

Đình làng Phúc Tiên trên đất Hoằng QuỳCổng làng (ảnh trái). Đình làng Phúc Tiên.

Về Phúc Tiên, không thể không đến đình làng. Căn cứ vào các nguồn tài liệu: Sách Thanh Hóa chư thần lục, Địa chí văn hóa Hoằng Hóa, Lịch sử xã Hoằng Quỳ, tập 1 đều thống nhất ghi chép đình làng Phúc Tiên thờ Đô thống tướng quân Lê Phụng Hiểu, người quê ở hương Băng Sơn, sau đổi là Xuân Sơn, thuộc giáp Cổ Hoằng, nay là xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Ông là người có sức khỏe phi thường, ham mê luyện rèn võ nghệ. Truyền thuyết kể rằng: Một mình ông có thể đánh bại tất cả các trai làng. Vì thế mà câu chuyện sức khỏe phi thường của Lê Phụng Hiểu truyền đến tai vua Lý Thái Tổ. Vua đã cho người gọi Lê Phụng Hiểu vào và bổ sung vào đội túc vệ thành Thăng Long. Trong cung, Lê Phụng Hiểu chăm lo luyện võ nghệ, được vua tin dùng cất dần lên tới chức Võ vệ tướng quân, cùng hàng với các tướng giỏi của triều đình như: Đàm Thản, Quách Thịnh Đạt và Lý Huyền Sư.

Thời gian làm tướng ông đã từng phò giá vua đi dẹp giặc ở biên thùy phía Nam. Một lần, đoàn chiến thuyền của giặc kéo vào cửa biển nước ta, lăm le đổ bộ. Thấy vậy, ông tâu vua xin 100 chiếc thuyền nhỏ chở đầy các cây gỗ đã vót nhọn một đầu và một đội thủy binh để ra đánh giặc. Lê Phụng Hiểu được sự trợ giúp của đội thủy binh đã đứng từ xa, dùng những cây gỗ đã vót nhọn phóng liên tục vào thuyền giặc. Thuyền bị thủng, đắm nhiều, quân giặc bị chết đuối, những chiếc thuyền còn lại và những tên sống sót phải mau rút chạy.

Vua Lý Thái Tổ vừa băng hà, trong 6 người con của vua, Phật Mã được lựa chọn làm thái tử. Tuy nhiên 3 người khác lại không chấp nhận, có ý làm phản hòng tranh giành ngôi báu. Lê Phụng Hiểu cùng với Lý Nhân Nghĩa đã tiêu diệt ý đồ làm phản của 3 vị hoàng tử. Thái tử Phật Mã đã khen ngợi Lê Phụng Hiểu “ta sở dĩ gánh vác được sự nghiệp của tiên đế là nhờ sức của khanh ấy” và ví ông với Uất Trì Kính Đức đời Đường đã giúp vua qua cơn hoạn nạn. Lòng dũng cảm của Lê Phụng Hiểu được Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Sau cuộc chính biến, Lý Phật Mã lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tông. Ghi công Lê Phụng Hiểu, vua đã phong cho chức Đô đốc thượng tướng quân, tước hầu. Đến năm 1044, Lê Phụng Hiểu tiếp tục theo vua đi đánh Chiêm Thành, thắng trận, ông không nhận thưởng tước mà chỉ mong muốn đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, ngọn đao cắm xuống chỗ nào thì xin vua ban cho sản nghiệp. Được vua đồng ý, Lê Phụng Hiểu đã lên núi ném đao xa đến hơn 10 dặm, vì thế vua đã ban khoảng ruộng chừng ngàn mẫu. "Thác đao điền” là tên gọi chỉ ruộng đất vua ban cho các công thần trong chế độ ruộng đất thời Lý.

Là một võ tướng có nhiều đóng góp trong buổi đầu xây dựng nền độc lập nước nhà ở thế kỷ XI dưới hai triều vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông, sau khi Lê Phụng Hiểu chết, Nhân dân khắp nơi lập đền thờ ông. Đặc biệt ông trở thành nhân vật thần thoại trong truyền thuyết dân gian ở Thanh Hóa với tên “Đức thánh Bưng” (do ông sinh ra ở vùng đất kẻ Bưng).

Về thôn Phúc Tiên, xã Hoằng Quỳ, ông Lê Đăng Hoàn, trưởng thôn, giới thiệu với chúng tôi: Theo một số tài liệu như Thanh Hóa chư thần lục, Địa chí văn hóa Hoằng Hóa, Lịch sử xã Hoằng Quỳ, tập 1, có ghi đình làng Phúc Tiên được xây dựng vào năm 1826, thờ Đô thống tướng quân Lê Phụng Hiểu. Đặc biệt, trên thượng lương của đình, có ghi rõ thời gian tôn tạo là vào tháng 12/1926. Đây không phải là đình chính thờ tướng Lê Phụng Hiểu, với tài và đức của ông, nhiều xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã tôn ông làm thành hoàng làng. Riêng ở xã Hoằng Quỳ có 5 thôn thì 4 thôn thờ Thánh Bưng - Lê Phụng Hiểu.

Đình làng Phúc Tiên trên đất Hoằng QuỳTấm bia ghi chép về họ Trần làng Thượng Thọ (nay là làng Phúc Tiên) cung tiến về việc tu bổ, tôn tạo đình dưới triều vua Minh Mạng.

Bước vào di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - đình làng Phúc Tiên, ngoài cổng, ao, sân, nhà bia thì ngôi đình được cấu trúc hình chữ đinh gồm nhà tiền đường (5 gian, 2 chái) và hậu cung, tất cả hòa hợp trong không gian rộng lớn. Những bức hoành phi đến câu đối đều được giữ gìn cẩn thận, ghi lại công đức của thần hoàng làng. Ngoài ra, các hiện vật đá cũ còn lưu giữ được như: Bát hương đá, chân tảng, đế cắm tàn, lộng, đá lăn giai, đặc biệt là tấm bia đá được khắc vào năm Canh Dần (1830) là minh chứng về lịch sử tồn tại của đình làng. Tuy nhiên, cũng như các ngôi đình khác, dấu vết thời gian đã khiến đình làng Phúc Tiên xuống cấp, các vì gỗ đã có những chỗ bị mối mọt, hệ thống cửa đình làm bằng gỗ tạp, kém bền vững.

Điều mà người dân và du khách chờ đợi là hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, được về Hoằng Quỳ tham gia lễ hội đình làng Phúc Tiên, đặc biệt là xem múa hát chèo chải - món ăn tinh thần không thể thiếu. Để thực hiện được, đội chèo chải của làng phải chọn 12 thanh nữ đủ tiêu chuẩn về sắc đẹp, hát hay, múa dẻo... Nghệ nhân Vũ Ngọc Cương người ở thôn Phúc Tiên, dù đã 78 tuổi nhưng ông vẫn say sưa hát và luôn đóng vai “mẹ chải” trong các kỳ lễ hội. Ông cho biết: Một bài chèo chải có nhiều phần như hát nhạc hương, hát giáo đầu, bắt mái đồng hò, bắt mái hò khoan, mái dặm, hát chúc và chèo cạy... Vì thế từ lời hát, điệu bộ đến trang phục đều rất trang nghiêm, không chấp nhận sự ứng tác tùy tiện và những yếu tố bông đùa như chèo chải các nơi khác.

Không chỉ giữ gìn các giá trị văn hóa, người dân thôn Phúc Tiên còn nỗ lực XDNTM. Cuối năm 2022, thôn đã được công nhận NTM kiểu mẫu. Nhờ vào việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất, đến nay thôn có 7 cơ sở kinh doanh cá thể, có 1 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, đó là lúa thương phẩm, HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Tiên ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất trong thôn với tổng diện tích là 8,9ha. Đặc biệt từ khi có Khu Công nghiệp Hoàng Long, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) mà mọi người ở đây có thu nhập ổn định, đều đặn. Ngoài ra, một số nghề như làm thợ mộc, thợ xây cũng góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

“Chúng tôi tự hào là địa phương ở rất gần thành phố nhưng làng Phúc Tiên trên đất cổ Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) nay dù đổi khác với sự phát triển cao về kinh tế, song vẫn là một làng quê truyền thống, có ao làng, có đình đền, miếu mạo”, ông Lê Đăng Hoàn khẳng định.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]