(vhds.baothanhhoa.vn) - Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, đồng thời tăng cường và mở rộng chiến tranh phá hoại nhằm đưa miền Bắc trở về "thời kỳ đồ đá”. Thanh Hóa là một trong những địa bàn mục tiêu của đế quốc Mỹ. Ở vị trí cửa ngõ, cầu Đò Lèn (Hà Trung) là một trong những điểm nút quan trọng mà Mỹ muốn chặn đường vận chuyển người, vũ khí và lương thực tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam.

Đò Lèn thời mưa bom bão đạn

Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, đồng thời tăng cường và mở rộng chiến tranh phá hoại nhằm đưa miền Bắc trở về "thời kỳ đồ đá”. Thanh Hóa là một trong những địa bàn mục tiêu của đế quốc Mỹ. Ở vị trí cửa ngõ, cầu Đò Lèn (Hà Trung) là một trong những điểm nút quan trọng mà Mỹ muốn chặn đường vận chuyển người, vũ khí và lương thực tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam.

Đò Lèn thời mưa bom bão đạn58 năm nay, “xã đội trưởng” Phạm Hùng Sỹ vẫn cất giữ cẩn thận Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.

Nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Trung là đầu mối tiếp giáp giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, giữa Quân khu Ba và Quân khu Bốn, chạy giữa huyện là đường thiên lý xưa, nay là Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam. Và cây cầu Đò Lèn, được xây dựng từ năm 1901-1905, chính là huyết mạch giao thông quan trọng, là địa điểm tập kết quân lực của bộ đội trước khi lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Để bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn, Đảng bộ huyện Hà Trung đã có phương án, kế hoạch vừa sẵn sàng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, đồng thời có kế hoạch phối hợp hiệp đồng với các đơn vị pháo và bộ đội chủ lực đóng quân tại địa phương. Vì thế, các trận địa bảo vệ cầu Đò Lèn được xây dựng lên. Dân quân tự vệ ngày đêm luyện tập kỹ thuật bắn máy bay bằng các loại vũ khí được trang bị. Các tổ cứu thương, chữa cháy, tiếp đạn được thành lập và đi vào huấn luyện… Nhờ có phương án tác chiến, kế hoạch phòng tránh và chiến đấu mà khi đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom xuống, quân và dân Hà Trung cùng với các đơn vị pháo cao xạ chủ động sẵn sàng giáng trả.

Sáng 3-4-1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục tốp máy bay phản lực tập trung đánh phá cầu Đò Lèn, một điểm nút quan trọng trên đường 1A nhằm ngăn chặn sự chi viện cho Hàm Rồng từ phía Bắc vào đồng thời để phân tán lực lượng phòng không của ta. Ngay trận thử lửa đầu tiên, dân quân quanh khu vực cầu Đò Lèn đã phối hợp cùng pháo cao xạ phòng không chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngoan cường. Sau khi bị bắn hạ 5 máy bay, giặc Mỹ vội rút về căn cứ. Dẫu mang thương tích trên mình, cầu Đò Lèn vẫn trụ vững hiên ngang để đưa các binh đoàn tiến vào chi viện cho Hàm Rồng để từ đó tiếp tục hành trình chi viện cho chiến trường miền Nam.

Rút kinh nghiệm qua trận chiến đấu đầu tiên, sang ngày 4-4-1965, quân và dân Hà Trung phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi tiếp 7 chiếc máy bay Mỹ, góp phần hạ 30 máy bay trong ngày chiến đấu thứ hai trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.

Làm nên chiến thắng vang dội này có sự đóng góp to lớn của trung đội dân quân các xã Hà Phong, Hà Lâm, Hà Ngọc, Hà Bình, Hà Ninh, tự vệ ga Đò Lèn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các trận địa pháo, dùng súng bộ binh để bắn máy bay tầm thấp đánh phá vào cầu Đò Lèn, khu vực kho nông - lâm - hải sản và khu ga Đò Lèn một cách quyết liệt.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), ở khu vực cầu Đò Lèn, địch đánh phá 194 trận, dội 6.140 quả bom phá, 140 bom từ trường, bắn 102 tên lửa và hàng vạn quả đạn rốc két. Địa bàn các xã dọc theo Quốc lộ 1A của Hà Trung đã trở thành nơi chịu đựng mưa bom, bão đạn của quân thù. Máy bay Mỹ không chỉ tập trung đánh phá vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, các nhà máy, xí nghiệp, công trình thủy lợi, khu đông dân cư mà còn bắn vào bất cứ mục tiêu nào chúng nhìn thấy như người đi xe đạp, xe thồ, đi cày ruộng… Dã man hơn, chúng ném bom cả vào trường học, nhà trẻ, bệnh viện, đền chùa, nhà thờ, Mỹ đã gây ra trên mảnh đất này không biết bao nhiêu nỗi đau thương.

Đò Lèn thời mưa bom bão đạnCầu Đò Lèn.

Là người chứng kiến toàn bộ cuộc chiến, đến nay hơn 58 năm đã qua nhưng ông Phạm Hùng Sỹ (thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc) vẫn còn nhớ rất rõ. “Đêm 3-4-1965 cả huyện Hà Trung trong đó có Nhân dân Hà Ngọc thức trắng, lực lượng dân quân của các xã được huy động đến khu vực cầu Đò Lèn san lấp hố bom, đào đắp hầm hào, công sự cùng bộ đội, chủ động cho một ngày chiến đấu được báo trước là ác liệt hơn rất nhiều. Cùng bộ đội chủ lực đánh giặc trên mâm pháo, lãnh đạo xã cũng là lính chiến đấu, dân quân lao ra trận địa cứu chữa thương binh, khiêng vác liệt sĩ, tiếp đạn, cứu chữa các kho bông, kho lạc và nhà dân bị sập, bị cháy… Nhiều bà mẹ không quản nguy hiểm, mang cơm, mang nước ra tận trận địa thăm hỏi, động viên, băng bó chăm sóc bộ đội, dân quân".

Thời điểm đó ông Phạm Hùng Sỹ được phân công làm xã đội trưởng. Ông cho biết: Lúc ấy để tăng cường sức mạnh trong thế trận chiến tranh nhân dân, ngoài trung đội dân quân mạnh ngày đêm trực chiến trên trận địa, Hà Ngọc còn tổ chức thêm lực lượng dân quân, tự vệ ở các làng, trong đó có cả đội cứu tải thương, chữa cháy để cứu hàng, cứu người và tài sản của Nhân dân khi xảy ra sự cố. Toàn xã có 7 trung đội dân quân, trong đó có 2 trung đội dân quân cơ động (tức lực lượng dân quân mạnh) làm nhiệm vụ trực chiến phục vụ chiến đấu sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kỳ lúc nào khi cấp trên điều động. Cả 6 làng của xã Hà Ngọc đều nằm gọn trong vùng “tọa độ lửa”, “rốn của đạn bom” cho nên vừa sản xuất vừa chiến đấu và trụ vững tại nơi này trong điều kiện chiến tranh ác liệt quả là điều thần kỳ khó có thể tả hết.

Trong những chiến công ấy, không thể không nhắc đến sự dũng cảm của dân và quân xã Hà Ngọc. Điển hình là đồng chí Hoàng Thị Vường, người trực tiếp chiến đấu và bình tĩnh nổ phát súng đầu tiên, mở đầu cho phong trào thi đua diệt máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Dù bị thương, đồng chí vẫn không rời trận địa. Đồng chí Diệp, Đảng ủy viên xã Hà Ngọc chèo thuyền vượt sông tiếp đạn giữa lúc quân thù đang điên cuồng ném bom bắn phá. Đồng chí Huấn làm nhiệm vụ liên lạc lao đi như con thoi trong làn bom đạn giặc giữ vững giao thông liên lạc khi đường dây liên lạc giữa Bắc và Nam cầu Đò Lèn bị đứt. Và đồng chí Phạm Hùng Sỹ, khi ấy vừa tròn 25 tuổi đang trên đường đi họp về đã lao ngay ra trận địa, dũng cảm, gan dạ, mưu trí, bình tĩnh, vững vàng chỉ huy 36 dân quân, tự vệ chiến đấu ngoan cường.

Với những chiến công dũng cảm trong chiến đấu, Trung đội dân quân tự vệ Hà Ngọc đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Quân khu Ba tặng cờ “Đội dân quân trung dũng”; đồng chí Hoàng Thị Vường được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai và được mời đến đất nước Cu Ba để nói lên tiếng nói của những người chiến thắng trên vùng đất Hà Trung.

Thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng đến nay ông Phạm Hùng Sỹ vẫn nhớ mãi niềm hạnh phúc khi được ra thủ đô Hà Nội nhận Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thưởng vào ngày 16-7-1965.

Và còn rất nhiều tấm gương khác đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong các ngày 3 và ngày 4-4-1965. Họ thật xứng đáng để Nhân dân Hà Trung, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo…

Với cá nhân ông Sỹ, ông còn có thêm một lần vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba vì đã có niên hạn và thành tích trong công tác, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-1994). Kể từ sau khi nghỉ chế độ BHXH với quân hàm Đại úy, ông tiếp tục có 30 năm cống hiến ở các vị trí chủ tịch MTTQ xã và chủ tịch hội người cao tuổi xã. Ông nói với chúng tôi: “Thời gian có thể trôi đi, nhưng ai đã đi qua những năm tháng khói lửa hào hùng thì chắc chắn sẽ luôn cố gắng sống có ích, sống ý nghĩa”.

Sau mỗi lần đau thương mất mát, tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện Hà Trung nói chung và xã Hà Ngọc nói riêng lại đoàn kết giúp đỡ nhau để cùng sống, chiến đấu góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1955-1975, xã Hà Ngọc đã có 82 liệt sĩ và rất nhiều thương, bệnh binh.

Cây cầu sắt trực tiếp chứng kiến và chiến đấu với đế quốc Mỹ đã không còn, nhiều người tham gia chiến đấu năm xưa cũng đã khuất núi. Nhưng, mỗi khi nhắc đến tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Trung nói chung, Hà Ngọc nói riêng, lớp lớp thế hệ sau vẫn mãi tự hào về mảnh đất khói lửa nơi mình sinh ra và trưởng thành.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Hà Trung 1930-2010” và “Lịch sử Đảng bộ xã Hà Ngọc” (NXB Thanh Hóa, 2010).

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]