(vhds.baothanhhoa.vn) - Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20-7-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 22) có hiệu lực từ ngày 5-9-2021. Theo lộ trình, từ năm học 2021-2022, thông tư sẽ áp dụng đối với lớp 6. Bên cạnh những quy định mới với nhiều ưu điểm thì các nhà trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn khi triển khai, thực hiện thông tư này.

Đổi mới đánh giá học sinh trung học nhìn từ Thông tư 22

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20-7-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 22) có hiệu lực từ ngày 5-9-2021. Theo lộ trình, từ năm học 2021-2022, thông tư sẽ áp dụng đối với lớp 6. Bên cạnh những quy định mới với nhiều ưu điểm thì các nhà trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn khi triển khai, thực hiện thông tư này.

Đổi mới đánh giá học sinh trung học nhìn từ Thông tư 22Giờ học Tin học của học sinh lớp 6A Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn).

Hình thức đánh giá phù hợp

Thông tư 22 ra đời thay thế cho Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và trung học phổ thông. Theo đó, 3 điểm mới được Thông tư 22 quy định, thứ nhất là đánh giá vì sự tiến bộ của người học căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông. Thứ hai là nhiều môn chỉ đánh giá bằng nhận xét và thứ ba là bỏ tính điểm trung bình các môn học. Thay vì xếp loại học lực: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như Thông tư 58 thì Thông tư 22 đánh giá theo 4 mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt.

Sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) đã triển khai kịp thời đến giáo viên và học sinh. Theo cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên môn Ngữ Văn thì: “Hình thức đánh giá học sinh rất phù hợp, đánh giá bằng hình thức điểm kết hợp nhận xét, do vậy giáo viên kịp thời động viên, uốn nắn, biểu dương học sinh trong quá trình dạy học, giúp các em tiến bộ, đặc biệt học sinh yếu kém sẽ tự tin và phấn đấu hơn”.

Đồng quan điểm, cô giáo Lương Thị Thanh, giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, Trường THCS thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh), cho rằng: “Thông tư 22 bỏ cách tính điểm trung bình các môn, giúp học sinh không còn áp lực giỏi toàn diện, qua đó giảm bệnh thành tích trong giáo dục. Hơn nữa, thông tư cũng loại bỏ được tư tưởng môn chính, môn phụ, các môn học sẽ được đánh giá như nhau, khác với Thông tư 58 trước đây vẫn chú trọng 2 môn Toán, Văn”.

Nhân văn, tiến bộ trong đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh là những nhận định tích cực về Thông tư 22 dù mới được triển khai, thực hiện trong thời gian ngắn.

Những khó khăn đặt ra…

Một trong những khó khăn mà nhiều trường học đang phải đối diện khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, đó là 1 giáo viên phải dạy 1 môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học Tự nhiên (tích hợp từ 3 môn Lý - Hóa - Sinh).

Tại huyện Triệu Sơn, đối với môn Khoa học Tự nhiên, phần lớn các trường học trên địa bàn không có giáo viên được đào tạo cả 3 phân môn này. Hiện nay, các đơn vị vẫn đang thực hiện theo cách, giáo viên được đào tạo môn nào thì dạy môn đó. Một số nhà trường chỉ có 1 giáo viên dạy môn tích hợp thì lại khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu. Ông Lê Đăng Hà, Chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn, cho biết: “Vấn đề này cũng gây khó trong việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22. Nếu 3 người dạy 3 phân môn, đến lúc đánh giá học sinh thì 3 giáo viên phải ngồi lại với nhau. Trong trường hợp đánh giá, nhận xét không đồng nhất sẽ sai lệch kết quả. Nếu có giáo viên được đào tạo cả 3 phân môn này thì sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá”.

Cũng theo quy định tại Thông tư 22, đối với những môn học từ 70 tiết trở xuống thì thời lượng kiểm tra giữa kỳ và thời gian cuối kỳ là 45 phút. Đối với môn học trên 70 tiết, thời gian kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ từ 60 - 90 phút. Tuy nhiên, quy định này cũng gây những bất cập. Theo ông Cầm Bá Châu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh: “Thời lượng kiểm tra một môn học theo Thông tư 22 chưa được sát lắm nên một số nhà trường trên địa bàn huyện cũng lúng túng trong quá trình thực hiện”.

Tại Trường THCS thị trấn Lang Chánh, để gỡ khó vấn đề này, cô giáo Trịnh Thị Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Môn tiếng Anh với học sinh lớp 6 mà yêu cầu bài kiểm tra trong thời gian 90 phút là rất nặng nề. Định hướng của nhà trường là môn Toán và môn Văn thời gian kiểm tra vẫn 90 phút, môn tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên là 60 phút. Như vậy sẽ hợp lý hơn. Nhà trường đang chỉ đạo kiểm tra tập trung đối với giữa kỳ và cuối kỳ”.

Mục đích đánh giá học sinh theo Thông tư 22 nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động quản lý, dạy học.

Thông tư 22 với những quy định mới sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, bỡ ngỡ trong quá trình triển khai thực hiện… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của các nhà trường, ngành GD&ĐT, bước đầu đang góp phần hạn chế bệnh thành tích, khen thưởng học sinh một cách thái quá; cơ bản được giáo viên đồng tình,…

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT được thực hiện theo lộ trình sau:

  • Từ năm học 2021-2022 áp dụng đối với lớp 6.

  • Từ năm học 2022-2023 áp dụng đối với lớp 7 và lớp 10.

  • Từ năm học 2023-2024 áp dụng đối với lớp 8 và lớp 11.

  • Từ năm học 2024-2025 áp dụng đối với lớp 9 và lớp 12.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]