(vhds.baothanhhoa.vn) - Quanh thác Hiêu thơ mộng nhiều hộ đồng bào người Thái đen từ nghèo khó đã biết vận dụng tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên ban tặng để làm du lịch, phát triển kinh tế gắn với những mô hình nuôi con đặc sản vươn lên thoát nghèo.

Chuyện những nông dân đến với du lịch cộng đồng bên dòng thác Hiêu

Quanh thác Hiêu thơ mộng nhiều hộ đồng bào người Thái đen từ nghèo khó đã biết vận dụng tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên ban tặng để làm du lịch, phát triển kinh tế gắn với những mô hình nuôi con đặc sản vươn lên thoát nghèo.

Chuyện những nông dân đến với du lịch cộng đồng bên dòng thác Hiêu

Bà Vi Thị Xuyên kể về cơ duyên đến với du lịch cộng đồng.

Bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước những ngày se lạnh cuối năm trái với khung cảnh ảm đạm vắng bóng khách những ngày trước đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch về đây đang dần ổn định trở lại.

Nhiều du khách chia sẻ ngoài sự thích thú khi được trải nghiệm sông, núi, check-in bên nhà sàn, thác suối… thì một trong những ấn tượng để lại trong lòng họ chính là ẩm thực nơi đây. Những món ăn dân dã nhưng lại gắn với vùng miền như: Vịt cổ Lũng, cá suối, măng rừng… là nét riêng biệt không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.

Chuyện những nông dân đến với du lịch cộng đồng bên dòng thác Hiêu

Nước được dẫn từ thác Hiêu, thức ăn của cá là cỏ voi và cây chuối.

Ngược bản Hiêu theo con suối uốn lượn chúng tôi ghé thăm gia đình bà Vi Thị Xuyên (SN 1967) khi bà đang tất bật bên chiếc máy thái chuối làm thức ăn cho cá.

Gác lại công việc, bà Xuyên chia sẻ: “Nhờ mấy ao cá và nhờ làm Homestay mà gia đình tôi thoát được nghèo”.

Câu chuyện của bà Xuyên đến với du lịch cũng rất tình cờ. Chồng mất, mình bà nuôi dạy con cái hết sức khó khăn. Khi ấy du lịch của bản, xã chưa hình thành phát triển như bây giờ, hai mẹ con phụ thuộc vào mấy thước lúa nương; chăn nuôi cũng chỉ mang tính tự cung, tự cấp…

Chuyện những nông dân đến với du lịch cộng đồng bên dòng thác Hiêu

Vịt Cổ Lũng được xem là thương hiệu du lịch của địa phương.

Vào một ngày đẹp trời có một nhóm khách đến xin cho nghỉ lại 1 ngày đêm. Niềm nở đón tiếp khách xa đến bản vì ưng cái bụng không tính đến kinh tế, nhưng khi khách đi, họ trả tiền và nài nỉ bà nhận. Họ bảo đó là làm du lịch.

Kể từ đó, bà Xuyên đã mày mò, học tập từ các hộ ở bản Đôn (xã Thành Lâm) đầu tư cải tạo, chỉnh trang nhà sàn, cổng vườn… làm Homestay. Mấy ao cá trước nhà cũng được bà tận dụng nuôi cá trắm cỏ, nuôi vịt cổ Lũng phục vụ du khách.

“Nước mình dẫn từ suối về ao nuôi, thức ăn cho cá, cho vịt là cỏ voi, là chuối tự trồng… nên thịt vịt, thịt cá ăn rất thơm ngon, khách yêu thích”, bà Xuyên bật mí.

Từ một hộ nghèo của bản, gia đình bà Xuyên đã trở thành hộ làm du lịch có thu nhập mỗi năm gần trăm triệu đồng.

Chuyện những nông dân đến với du lịch cộng đồng bên dòng thác Hiêu

Gần như gia đình nào ở đây cũng có ao thả cá, chăn nuôi vịt phục vụ du lịch.

Cạnh thác Hiêu, gia đình bà Lò Thị Cũng (67 tuổi) cũng vươn lên nhờ du lịch. Bà cho biết có 5 người con thì 4 người làm Homestay. Theo bà, người dân trong bản lâu nay sống phụ thuộc vào đất rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nên vướng nhiều quy định. Ruộng nương ít, việc cải tạo đất rừng làm nương rẫy bị nghiêm cấm.

Kể từ khi phát triển du lịch cộng đồng, bà con cũng như chính quyền địa phương nhận thức đây chính là hướng đi để thoát nghèo. Ngoài phục vụ du lịch, nhiều hộ dân còn biết đầu tư nuôi con đặc sản như vịt cổ Lũng, cá trắm cỏ, dê, nhím…

“Du khách họ thích thú với những món ăn gọi là “sạch” trên này. Thậm chí nhiều nhóm du khách còn mua cả con lợn cỏ, cả con dê đem về quay, ăn liên hoan", bà Cũng cho biết.

Chuyện những nông dân đến với du lịch cộng đồng bên dòng thác Hiêu

Nhờ làm du lịch cộng đồng nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

Bản Hiêu với 110 hộ, chủ yếu là đồng bào người Thái. Những năm gần đây xu hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các mô hình kinh tế nuôi con đặc sản phục vụ du lịch đang phát triển không chỉ ở bản Hiêu (xã Cổ Lũng) mà là xu hướng chung tại các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao… Riêng ở xã Cổ Lũng vịt Cổ Lũng đã đang được nhân rộng mô hình chăn nuôi tại hàng trăm hộ dân, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]