(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, sức mạnh đoàn kết đã giúp dân tộc Việt Nam viết nên trang sử hào hùng, vẻ vang thì trong thời đại mới, sức mạnh đoàn kết toàn dân lại được thể hiện bằng những phong trào, cuộc vận động mang ý nghĩa thiết thực.

Đại đoàn kết toàn dân: Những ngôi nhà nghĩa tình

Nếu như trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, sức mạnh đoàn kết đã giúp dân tộc Việt Nam viết nên trang sử hào hùng, vẻ vang thì trong thời đại mới, sức mạnh đoàn kết toàn dân lại được thể hiện bằng những phong trào, cuộc vận động mang ý nghĩa thiết thực.

Đại đoàn kết toàn dân: Những ngôi nhà nghĩa tình

Anh Nguyễn Văn Tuấn (bên trái) thị trấn Thọ Xuân hạnh phúc với niềm vui “lên bờ”, gia đình được an cư.

Về thôn Phú Minh xã Đông Hòa (Đông Sơn) hỏi thăm hộ gia đình bà Lê Thị Chăng, người dân địa phương không khỏi xót xa cho một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Lê Thị Chăng sinh năm 1951, có chồng tàn tật và 3 người con thần kinh không bình thường. Gánh nặng mưu sinh, vất vả gia đình bao năm qua cứ trút xuống vai bà Chăng. Dù đã quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng gia đình bà vẫn không thể thoát nghèo. Cũng vì thế, suốt nhiều năm, căn nhà cũ của gia đình dù dột nát nhưng bà cũng đành bất lực, lúc khẩn cấp chỉ có thể nhờ anh em, làng xóm hỗ trợ che đậy, chắm vá để “nắng bớt chiếu, mưa đỡ dột”. Nhưng niềm vui đã đến với gia đình bà Chăng, khi đầu năm 2022, gia đình bà được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền 80 triệu.

Trong ngôi nhà Đại đoàn kết mới của gia đình, bà Chăng xúc động: “Đến bây giờ tôi vẫn không dám tin rằng gia đình mình đã thực sự có nhà mới. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn về tất cả sự quan tâm, giúp đỡ đối với gia đình. Quả thực, nếu không có sự hỗ trợ quý giá này gia đình tôi không biết bao giờ mới có thể xây nhà”.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Hòa cho biết: “Năm 2022, cùng với gia đình bà Lê Thị Chăng, trên địa bàn xã còn có một hộ gia đình đặc biệt khó khăn được UBND huyện Đông Sơn, xã Đông Hòa và Ủy ban MTTQ các cấp hỗ trợ kinh phí xây nhà. Nhà Đại đoàn kết được xây không chỉ là niềm vui với các hộ gia đình, mà người dân trong xã cũng thấy ấm lòng”.

Căn nhà của gia đình bà Lê Thị Chăng chỉ là một trong số 18 nhà Đại đoàn kết được xây mới trên địa bàn huyện Đông Sơn trong năm 2022. Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Sơn cho biết: “Tháng 12-2021, UBND huyện Đông Sơn đã ban hành đề án về việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện trong năm 2022. Sau đó, Ủy ban MTTQ huyện đã có kế hoạch phối hợp thực hiện. Qua rà soát kỹ lưỡng, Ủy ban MTTQ huyện đã tham mưu cho UBND huyện Đông Sơn hỗ trợ kinh phí cho 18 hộ gia đình xây nhà Đại đoàn kết. Mỗi nhà Đại đoàn kết được hỗ trợ 80 triệu đồng, trong đó bao gồm kinh phí hỗ trợ của UBND huyện, UBND xã, MTTQ các cấp và các nguồn khác. Nhà Đại đoàn kết được xây mới đảm bảo 3 tiêu chí nền cứng, mái cứng, tường cứng, đồng thời đảm bảo vệ sinh”.

Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn khu phố 1 thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) đang gấp rút hoàn thiện để gia đình được đón Giáng sinh trong nhà mới. Anh Nguyễn Văn Tuấn tươi cười chia sẻ: “Gia đình tôi nhiều đời sinh sống trên thuyền, lênh đênh sông nước, cuộc sống khó khăn, không ổn định. Năm 2022, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ủy ban MTTQ bố trí đất và hỗ trợ kinh phí xây nhà ở để gia đình tôi được lên bờ, an cư lạc nghiệp. Trước đây, cuộc sống trên sông nước, dù cố gắng cũng chỉ đủ ăn cho gia đình 4 người, chưa từng dám nghĩ đến việc một ngày có thể mua đất, làm nhà. Lên bờ rồi, lại có nhà cửa kiên cố sẽ không sợ mưa bão nữa, các con cũng có điều kiện để học tập tốt hơn, hạnh phúc thật sự”.

Anh Lê Ngọc Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Thọ Xuân thông tin: “Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn thuộc đối tượng đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông có hoàn cảnh khó khăn được bố trí đất và hỗ trợ xây nhà ở. Ngoài số tiền được hỗ trợ, Ủy ban MTTQ thị trấn Thọ Xuân cũng kêu gọi người dân trong xã cùng nhau hỗ trợ ngày công, nguyên vật liệu để chung tay xây dựng nên căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Tuấn”.

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ huyện Thọ Xuân, năm 2022 trên địa bàn huyện có 33 hộ gia đình ở 6 xã, thị trấn là đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông được bố trí đất và hỗ trợ kinh phí xây nhà ở. Trong đó, đến thời điểm hiện tại có 7 hộ hiện đang xây dựng. Bà Lê Thị Hạnh - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thọ Xuân cho biết: “Sau hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông diễn ra vào tháng 4-2022 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ủy ban MTTQ huyện Thọ Xuân tham mưu và phối hợp với các ban, ngành, chính quyền các cấp nhằm tích cực thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng. Ủy ban MTTQ huyện Thọ Xuân phấn đấu, đến hết quý 1 năm 2023 sẽ có 27/33 hộ gia đình công giáo sẽ có nhà Đại đoàn kết để ở”.

Đại đoàn kết toàn dân: Những ngôi nhà nghĩa tìnhGia đình bà Lê Thị Chăng thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Đông Hòa (Đông Sơn) được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết.

Tin liên quan:
  • Đại đoàn kết toàn dân: Những ngôi nhà nghĩa tình
    Đại đoàn kết toàn dân: Cội nguồn sức mạnh dân tộc

    Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng sự đoàn kết là cội nguồn của mọi sức mạnh. Từ thịnh - suy, hưng - vong của mỗi vương triều, đến những thắng lợi vĩ đại trong chống giặc ngoại xâm của cha ông, để có ngày hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết.

Xã Bình Lương (Như Xuân) là địa bàn sinh sống của 4 dân tộc anh em: Thái, Thổ, Kinh, Mường. Năm 2022 xã còn 94 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,5%. Và gia đình bà Bùi Thị Chuẩn thôn Thắng Lộc là một trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 74 tuổi, bà Chuẩn bị tàn tật, sống một mình, không có thu nhập ổn định. Căn nhà xiêu vẹo của gia đình bà đã xuống cấp nhiều năm qua cũng không có tiền sửa chữa. Năm 2022, niềm vui đến với bà Chuẩn khi bà được Ủy ban MTTQ các cấp và chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây căn nhà mới kiên cố.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới của gia đình được hoàn thiện vào tháng 5-2022, bà Bùi Thị Chuẩn xúc động: “Ở tuổi này, cuộc sống quanh năm khó khăn, tôi thực tâm không dám nghĩ mình sẽ có nhà mới. Cũng may, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, mặt trận và bà con đã giúp đỡ. Tôi thực sự biết ơn”. Đi cùng tôi đến thăm gia đình bà Chuẩn, chị Hà Thị Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Lương nói thêm: “Với trường hợp như gia đình bà Chuẩn, được hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để xây nhà. Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ đã phải vận động nhiều lần bà Chuẩn mới dám nhận, vì bản thân bà thực sự quá nghèo, sợ làm nhà phải vay mượn thì không đủ sức. Sau đó, cùng với kinh phí hỗ trợ, Ủy ban MTTQ xã đã kêu gọi họ hàng, làng xóm hỗ trợ thêm nguyên vật liệu, ngày công, cùng nhau cố gắng để bà Chuẩn được an vui tuổi già trong nhà mới. Căn nhà mới của gia đình bà Chuẩn được hoàn thiện với tổng kinh phí 96 triệu đồng”. Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Lương, với nỗ lực xóa nhà tranh tre dột nát, năm 2022, trên địa bàn xã đã có 15 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Trong đó, có 9 nhà xây mới (50 triệu/nhà); 6 nhà sửa chữa (25 triệu/nhà). Đến nay, xã Bình Lương không còn nhà tranh tre, nứa lá”.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2022, trên địa bàn cả tỉnh có gần 1.000 nhà Đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa với kinh phí huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Những ngôi nhà Đại đoàn kết là “trái ngọt” ý nghĩa từ truyền thống đoàn kết, tinh thần sẻ chia yêu thương đầy nhân văn của dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]