(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các huyện miền núi xứ Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông miền núi: Nhiều “gam màu" sáng

Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các huyện miền núi xứ Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông miền núi: Nhiều “gam màu sángTuyến đường giao thông từ Quốc lộ 217 đi xã Điền Trung, Điền Hạ nối huyện Cẩm Thủy đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội xã Điền Hạ (Bá Thước) phát triển.

Điểm sáng Bá Thước

Những năm trước đây, con đường từ trung tâm xã Điền Thượng nối Quốc lộ 217 xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương hàng hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Người dân thường xuyên phải chịu cảnh mua đắt, bán rẻ nhiều mặt hàng nông sản. Ngoài ra, khi thời tết bất thường, nhất là mưa, lũ... nhiều học sinh trên địa bàn xã không thể đến trường do đường lầy lội, trơn trượt, ngập nước.

Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình 30a, huyện Bá Thước đã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 217 đi xã Điền Trung, Điền Hạ nối huyện Cẩm Thủy, với tổng mức đầu tư gần 34,595 tỷ đồng. Tháng 3-2020, công trình đã hoàn thành trong sự phấn khởi của cán bộ, Nhân dân xã Điền Hạ. Con đường mới khiến cuộc sống của người dân Điền Hạ vơi bớt khó khăn, không chỉ đơn thuần là việc rút ngắn khoảng cách và đi lại thuận tiện so với con đường cũ, mà còn mở ra cánh cửa hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt là những đứa trẻ không còn nơm nớp lo sợ mỗi lần đến trường khi mùa mưa, bão. Em Lê Thị Trang, học sinh lớp 11, Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước), cho biết: “Trước đây, đường đến trường phải qua dốc cao, đá lởm chởm, thỉnh thoảng xuất hiện ổ trâu, ổ gà; mùa mưa cháu phải ở trọ lại gần trường. Giờ có đường mới thuận tiện cho việc đi học, cháu không phải ở trọ lại nữa”.

Ông Cao Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ, cho biết: “Trước đây, đường giao thông khó khăn lắm, bà con có chăn nuôi được con lợn, con gà mang ra chợ bán cũng khó; trồng được cây luồng, cây keo thì chỉ bán được bằng 2/3 giá so với các xã lân cận. Trong khi người dân mua nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt có giá cao hơn so với thị trường khoảng 20 - 30%. Bây giờ có đường mới thuận lợi, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và trồng thêm rừng để có thêm thu nhập”.

Ở địa bàn miền núi cao, giao thông cách trở, huyện Bá Thước xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chính là giải pháp then chốt, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế nên huyện chú trọng đầu tư các tuyến đường chính, ưu tiên giải quyết ở những địa bàn thật sự khó khăn và bức thiết. Chính nhờ cách làm này, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Bá Thước đã đầu tư gần 231 dự án giao thông với tổng số vốn đầu tư hơn 592.561 triệu đồng. Các công trình giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã góp phần làm “thay da đổi thịt” diện mạo nông thôn huyện Bá Thước.

Thúc đẩy thu hút đầu tư

Cũng như huyện Bá Thước, các huyện miền núi trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Theo Sở Giao thông - Vận tải, từ năm 2016 - 2021, ở các huyện miền núi đã được hoàn thành 15/15 tuyến đường đến trung tâm xã chưa có đường ô tô theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A với tổng chiều dài 240km; đưa vào sử dụng 164/190km tuyến chính và 140/158km tuyến nhánh thuộc dự án đường nối các huyện miền Tây; nâng cấp Quốc lộ 47 đoạn Bát Mọt - Cửa khẩu Khẹo dài 23km đạt tiêu chuẩn đường cấp V; Quốc lộ 217 từ Đò Lèn - Cửa khẩu quốc tế Na Mèo dài 194km với quy mô đường cấp IV miền núi; hoàn thành 22 cầu treo, 24 cầu dân sinh; nâng cấp quản lý 377,5km đường tỉnh thành tuyến Quốc lộ, 239,8km đường huyện thành đường tỉnh; đầu tư nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng gần 865km các tuyến quốc lộ, đường tỉnh nối các huyện miền núi; đầu tư mới 304km đường dân sinh, cứng hóa 942km đường; xây dựng được 225 công trình thoát nước... góp phần đưa tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa 92%, tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa 52,2%. Hệ thống giao thông đường thủy nội địa khu vực miền núi cũng từng bước phát triển trên lòng hồ Sông Mực (36km), lòng hồ Cửa Đạt (43km), trên sông Bưởi... phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển du lịch.

“Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông ở các huyện miền núi được đầu tư khá đồng bộ, các dự án lớn đã và đang được triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực. Hàng loạt công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được xây dựng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời tạo nền tảng để các huyện miền núi quyết tâm hoàn thành thắng lợi công cuộc xóa nghèo bền vững”, ông Mai Xuân Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông khu vực miền núi theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư những công trình, dự án trọng điểm kết nối các vùng kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, khu du lịch, Cảng Hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn, cửa khẩu giáp Lào, như: Tuyến đường nối TP Thanh Hóa với trung tâm huyện Ngọc Lặc, Mường Lát; cầu Cẩm Vân; nâng cấp, mở rộng các quốc lộ trên địa bàn tỉnh (Quốc lộ 217B, Quốc lộ 45, Quốc lộ 15; đường Nghi Sơn - Bãi Trành, đường Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện; xây dựng một số cầu vượt sông lớn để kết nối với các tuyến quốc lộ, cải tạo nâng cấp các tuyến đường khu vực miền núi đạt cấp IV, V. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở các huyện miền núi không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân mà còn góp phần phát triển thương mại - dịch vụ và nâng cao khả năng thu hút các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]