(vhds.baothanhhoa.vn) - Hành trình tìm con với nhiều khó khăn nhưng không bao giờ dập tắt hy vọng, đó là điều dễ nhận thấy nhất ở những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Có thể là 18 - 20 năm nhưng họ vẫn một sự chờ đợi, vẫn một niềm tin: ước mơ thành hiện thực, được thấy con chào đời...

Hành trình yêu thương và quả ngọt

Hành trình tìm con với nhiều khó khăn nhưng không bao giờ dập tắt hy vọng, đó là điều dễ nhận thấy nhất ở những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Có thể là 18 - 20 năm nhưng họ vẫn một sự chờ đợi, vẫn một niềm tin: ước mơ thành hiện thực, được thấy con chào đời...

Hành trình yêu thương và quả ngọtCháu Bùi An Tâm, thành quả tình yêu của anh Bùi Ngọc Phước và chị Nguyễn Thị Bình ở Hậu Lộc.

Có con sau 17 năm kết hôn

Năm 1997, anh Bùi Ngọc Phước và chị Nguyễn Thị Bình ở Hậu Lộc chính thức nên duyên vợ chồng. Khi đó, anh Phước 27 tuổi còn chị Bình ở tuổi 25. Nhưng phải 17 năm sau đó, tức vào năm 2014, hai vợ chồng mới đón đứa con đầu lòng.

17 năm với nhiều khó nhọc, lo lắng nhưng không ngăn được khát khao làm bố, làm mẹ và cứ thế, những bước chân rong ruổi đi tìm thầy, tìm thuốc… ‘‘Sau 1 năm lấy nhau, chúng tôi vẫn không có con. Đi khám thì tôi bị yếu tinh trùng. Cũng từ đây, hai vợ chồng với hành trình tìm con”, anh Bùi Ngọc Phước kể lại.

Vào Nam ra Bắc, lên rừng, xuống biển, không kể ngày mưa hay nắng, có thông tin ở đâu là vợ chồng anh Phước có mặt ở đấy. Chuyến đi nào cũng mang theo niềm tin và hy vọng. Cuộc sống của anh chị vốn nghèo, từ làm nông nghiệp cho đến khi làm công nhân, được bao nhiêu tiền cũng dồn hết cho việc chạy chữa. Trong nhiều năm, hai vợ chồng cứ uống hết thuốc lá lại đến thuốc tây nhưng vẫn không tiến triển. Năm 2013, anh Phước, chị Bình quyết định tìm đến Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Theo như chia sẻ của anh Phước, anh chị có thông tin về điều trị vô sinh hiếm muộn ở bệnh viện đã lâu nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên không thể thực hiện.

Điểm dừng chân tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã mang lại tín hiệu vui cho vợ chồng anh Phước. Sau khi chuyển 2 phôi tươi không đem lại kết quả, 2 tháng sau, vào tháng 10-2013, các bác sĩ đã rã đông phôi dự trữ của chị Bình và chuyển vào tử cung. Việc trữ lạnh phôi là phương pháp giúp tăng thêm cơ hội thụ thai cho bệnh nhân đồng thời giảm chi phí điều trị. Ngày 5-9-2014, điều kỳ diệu đã đến. Vợ chồng anh Phước đón đứa con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Bé tên Bùi An Tâm. Bé sinh ra khỏe mạnh và hiện đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Xuân Lộc (Hậu Lộc).

17 năm, một cuộc hành trình khó nhọc đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Cảm xúc không nói được bằng lời, thay vào đó là những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt xúc động khi lần đầu tiên được làm bố, mẹ của vợ chồng anh Phước. Anh nhớ lại: ‘‘Vợ tôi cùng một người mang bầu trong thôn đi khám thai. Nhưng khi lên viện, bác sĩ chỉ định phải mổ. Lúc tôi lên đến nơi, vợ đã sinh con. Vợ và con lại không nằm cùng phòng. Tôi cứ luống cuống chân tay, chạy đi chạy lại. Lên đến phòng con, xin bác sĩ cho vào nhìn con một lát nhưng không được. Tôi chạy vòng qua cửa sổ phía sau, bà ngoại bế con lại gần, tôi thò tay vào để chạm được tay con thì con nắm chặt tay bố. Tôi ứa nước mắt. Sẽ không bao giờ có thể quên được cảm giác ấy”.

Sinh con ở tuổi 56

Trong số những bệnh nhân đã thực hiện thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, có cả bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh nhân lớn nhất 63 tuổi. Còn nhân vật được nói đến trong bài viết này là một người mẹ sinh con ở tuổi 56. Chị là Lê Thị Vinh (*) ở TP Thanh Hóa.

Câu chuyện của chị Vinh, với tôi, đó là một câu chuyện rất đặc biệt. Ở tuổi 56, đây không phải lần đầu tiên chị Vinh được làm mẹ. Hơn 30 năm về trước, chị đã sinh một bé trai nhưng sau này, cháu bị tai nạn giao thông và qua đời. Nhà vắng tiếng cười con trẻ, nỗi buồn vì thế cứ triền miên. Khao khát được làm bố, làm mẹ một lần nữa đã thôi thúc hai vợ chồng chị đến với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Với một người lớn tuổi, mang thai đã khó, trong khi đó chị Vinh lại có nhiều bệnh nền là huyết áp cao, tử cung nhân xơ... Ngay đến các bác sĩ cũng khuyên chị không nên có con ở tuổi này để tránh những rủi ro. ‘‘Vợ chồng tôi vừa mang những lo lắng nhưng vẫn tin chúng tôi còn cơ hội”, chị Vinh nói. ‘‘Với tôi, đó là một cuộc hành trình đầy khó nhọc. Trứng thì ít. Tôi phải bóc 3 u xơ tử cung mới cấy được phôi. Nhưng may mắn, tôi cấy phôi được luôn. Và điều kỳ diệu đã đến. Từ chuyển phôi thành công đến mang thai thành công, nuôi được con thành công. Với bệnh viện và với chúng tôi, đó là kỳ tích lớn”.

Quả thật, đúng là kỳ tích lớn. Một cuộc hành trình khó nhọc nhưng phi thường. Khao khát một lần nữa được làm mẹ và khao khát ấy đã vượt qua cả nỗi sợ hãi, cả tuổi tác, bệnh tật, dẫu vẫn biết có thể phải đối diện với những rủi ro. Và đặc biệt hơn, khi con chị Vinh được sinh ra tại thời điểm mà dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh. Mừng là cháu sinh ra khỏe mạnh và hiện đã được 22 tháng tuổi. “Với tôi, lúc nào cũng là kỷ niệm. Nhớ nhất khi sinh bé, tôi phải mổ cấp cứu. Nghe con khóc có 1 tiếng, chưa được nhìn mặt con thì con đã được bế vội lên phòng hồi sức. Lúc đấy, bao trùm lên tôi là một cảm giác rất lo sợ. Nhưng khi chồng xuống nói với tôi rằng, mặt mũi, chân tay con bình thường, giống bố y đúc, lúc đấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm...”, chị Vinh xúc động, nhớ lại.

15 năm qua, hơn 2.000 em bé đã ra đời từ các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Đây cũng là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước làm chủ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Kỳ tích này đã mang lại điều kỳ diệu cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trong và ngoài tỉnh.

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]