(vhds.baothanhhoa.vn) - Chuyến biển gần đây nhất của Trương Đình Ánh ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) là vào đầu tháng 5. Từ đó đến nay, con tàu TH-90589-TS với 380 mã lực, dài hơn 20m của anh đã cùng chung số phận với nhiều con tàu làm nghề rê khác, là nằm ghếch mũi trên Cảng cá Hoằng Trường.

Nhớ lắm biển ơi!

Chuyến biển gần đây nhất của Trương Đình Ánh ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) là vào đầu tháng 5. Từ đó đến nay, con tàu TH-90589-TS với 380 mã lực, dài hơn 20m của anh đã cùng chung số phận với nhiều con tàu làm nghề rê khác, là nằm ghếch mũi trên Cảng cá Hoằng Trường.

Nhớ lắm biển ơi!Ngư dân Nguyễn Viết Vinh trên con tàu đã rao bán nhưng chưa có người mua.

Như nhiều thanh niên vùng biển này, Trương Đình Ánh kế nghiệp nghề khơi của bố từ lúc hơn 10 tuổi. Năm 2010, 21 tuổi, Ánh được bố và anh trai bán lại cho con tàu TH-90589-TS với giá 500 triệu đồng để làm kế sinh nhai, tự lập cuộc sống. Con tàu sau đó được cải hoán, chuyển đổi từ nghề rê xù sang rê đáy với chi phí gần 1 tỷ đồng để vươn khơi, Ánh ăn nên làm ra. Nhưng 2 năm dịch COVID-19, cá tôm đánh bắt về bán rớt giá đã khiến anh ngao ngán. Từ đầu năm đến nay, giá dầu liên tục tăng cao, lại không thuê được người làm nên tàu của Ánh chỉ ra khơi được 2 chuyến biển. Chuyến đầu vào tháng Giêng, còn chuyến thứ 2 vào đầu tháng 5.

Tôi hỏi, sao lại không thuê được người làm? Ánh phân trần: “Mỗi chuyến biển, các chủ tàu ở xã Hoằng Trường phải tìm người cùng đi. Hải sản đánh bắt được, trừ các loại chi phí, tiền còn lại thì cả chủ và thợ chia nhau. Được nhiều cùng hưởng nhiều, có ít hưởng ít. Nếu không có lãi, bạn thuyền sẽ bỏ mình để đi làm cho tàu khác, hoặc ở lại trên bờ làm công nhân. Đành vậy thôi, ai cũng cần phải lo cơm áo cho gia đình mà”.

Không vươn khơi, con tàu cả tỷ bạc nằm bến phơi nắng mưa, hỏng hóc là điều khó tránh khỏi. Tôi đứng nhìn con tàu lòng nặng trĩu cùng Ánh. Tời lưới bị rỉ sét, ô kính trước buồng lái bị bung vỡ mà chưa được thay, thân tàu đã phải táp vá... Lúc mở bạt che trên boong tàu, Ánh phát hiện đống lưới bị chuột cắn rách thành một lỗ to xuyên vào trong giữa. Anh thở dài: “Rách thế này thì sao vá nổi, cả trăm triệu bạc đấy anh. Rồi tàu nằm bờ lâu ngày, ván bị cong vênh, nứt toác, bong mối ghép, phải sửa lại không dưới trăm triệu”.

Từ ngày tàu nằm bến, trong khi tiền lãi ngân hàng (vay từ ngày chuyển đổi nghề) vẫn phải trả, bên nách 3 đứa con, Ánh chật vật đủ thứ nghề. Lúc đi làm thuê cho các nhà hàng, khách sạn tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, lúc làm trên công trường dự án du lịch Flamingo. Chuyện xong, Ánh ngồi thừ trên mũi tàu hướng mắt về phía khơi xa như cồn cào nỗi nhớ và mong mỏi về những chuyến biển cá bạc đầy khoang.

Tôi nhìn hàng dài tàu cá nằm ghếch mũi trên Cảng cá Hoằng Trường dưới trời chiều xám xịt, lòng thương cảm với đời ngư phủ. Trong cơn chật vật do giá dầu tăng nhanh, Ánh còn là người may mắn hơn, bởi vẫn còn lại con tàu. Theo anh Lê Văn Hùng, cán bộ Khuyến ngư xã Hoằng Trường, phần nhiều do giá dầu liên tục tăng cao, gần gấp đôi so với giá đầu năm, từ đầu năm đến nay nhiều chủ tàu trên địa bàn xã đã phải bán tàu, như: chủ tàu Lê Văn Đảng ở thôn Thành Xuân; các chủ tàu Lê Phạm Quỳnh, Lê Xuân Thịnh, Lê Phạm Tình đều ở thôn Linh Trường; chủ tàu Lê Văn Hành ở thôn Giang Sơn...

Như anh Lê Văn Đảng (sinh năm 1980), đã phải bán lỗ con tàu TH-92656-TS công suất 430 mã lực vào đầu năm nay với giá 600 triệu đồng cho một ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bán con tàu đồng nghĩa là mất đi nghề nghiệp chính, giờ anh đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa). Anh nói: “Làm công nhân thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng đỡ hiểm nguy, vất vả hơn nghề biển rất nhiều”.

Cũng chật vật theo đà giá dầu cao, ngư phủ Nguyễn Viết Vinh (sinh năm 1972) ở khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đã rao bán con tàu từ tháng 2 đến nay nhưng chưa có người mua. Vậy nên con tàu 420 mã lực, số hiệu TH-90057-TS đành phải nằm phơi mình trên Cảng Hới đến giờ.

“Ngao ngán lắm. Đi biển vốn nhiều hiểm nguy mà không có lãi thì không ai dám đi”. Nguyễn Viết Vinh mở đầu câu chuyện như thế lúc tôi đến nhà anh trong một con đường nhỏ. Rồi anh xòe bàn tay bấm đốt chi li, rạch ròi từng mục chi phí và tiền thu về sau mỗi chuyến đi. Theo đó, mỗi chuyến đi biển (từ 8-9 ngày), vì làm nghề giã kéo nên tàu của anh cần tới khoảng 6 nghìn lít dầu, với giá dầu hiện tại khoảng 27 nghìn đồng/lít, riêng nhiên liệu đã tốn tới trên 160 triệu đồng; chi phí trả lương cho nhân công từ 500 nghìn - 600 nghìn đồng/người (10 người); cộng tiền thực phẩm, đá, thuốc men, phí hao tổn máy móc, ngư lưới cụ... vị chi mỗi chuyến đi con tàu cần trên dưới 200 triệu đồng. Trong khi đó, giá tôm, cá, mực bán tại cảng hiện tại không tăng, mỗi chuyến biển chỉ thu được khoảng 180 triệu đồng. “Đó là những hôm trời yên biển lặng. Còn hôm biển động thì không tài nào kiếm được số tiền như thế. Đầu năm nay, giá dầu ở mức 16 nghìn đồng/lít, chi phí nhiên liệu chỉ khoảng 90 triệu đồng thì tôi còn kiếm được vài đồng”, anh Vinh trải lòng.

Không riêng tàu TH-90057-TS của anh Vinh, hơn 30 con tàu làm nghề giã ở phường Quảng Tiến cũng đã nằm bờ từ nhiều tháng nay. Anh Vinh thở dài: “Tôi đi biển 20 năm rồi. Chưa năm nào nghề biển lại khó khăn như lúc này. Năm ngoái dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, nhưng chúng tôi cũng đi biển được. Còn từ đầu năm đến nay, giá dầu liên tục tăng, nổ máy ra khơi sẽ lỗ”. Theo UBND phường Quảng Tiến, từ đầu năm đến nay, chỉ khoảng 1/3 số tàu cá trên địa bàn phường ra khơi cầm chừng. Số còn lại thường xuyên nằm bờ. Trong khi phường có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ.

Nhớ lắm biển ơi!Chủ tàu TH-90589-TS Trương Đình Ánh và đống lưới rách trên con tàu đã nằm bờ từ nhiều tháng nay.

Từ ngày tàu gác bến đến giờ, tối nào anh Vinh cũng phải ra trông tàu, không thể đi làm thuê cho tàu khác. Nghề phụ không có, anh đành phải ở nhà giúp vợ nấu cơm, trông con. Vợ anh, chị Trịnh Thị Bút là lao động tự do, ngày kiếm cũng chẳng được là bao. Trong khi đó, anh chị lại có một đứa con bị động kinh, phải nhờ nguồn trợ cấp của Nhà nước.

Hôm đến Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tìm kiếm thêm thông tin về tàu cá, tôi gặp anh Nguyễn Văn Thái (phố Thượng Hải, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) đang hoàn nốt thủ tục hồ sơ chuyển nhượng con tàu TS-90101-TS với 350 mã lực cho một ngư dân ở TP Đà Nẵng. Anh có 3 con tàu, nhưng 2 con còn lại cũng ra khơi bập bõm cầm chừng.

Anh Thái nói: "3 con tàu của tôi làm nghề câu. Giá dầu tăng cao mà giá hải sản không tăng, làm ăn không có lãi nên tôi phải bán bớt. Biết lỗ nhưng vẫn phải bán, vì để lại còn lỗ hơn. Đi biển không có lãi, tàu nằm bờ lâu ngày cũng phát sinh chi phí sửa chữa cả trăm triệu đồng”.

Ông Lê Văn Lực, Trưởng phòng Quản lý tàu cá - Hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 23 con tàu được chuyển nhượng cho ngư dân ở các tỉnh, thành khác. Con số này lớn gấp nhiều lần so với cả năm 2021 và nhiều năm trước đây.

Tôi nhớ mãi lời bộc bạch của chủ tàu Trương Đình Ánh: “Em nhớ biển lắm rồi. Em muốn ra khơi với hy vọng thoát khỏi nặng gánh mưu sinh. Nhưng em không biết sẽ phải chờ đến bao giờ”. Cũng như Ánh, người ngư dân đang mong ngóng giá dầu tiếp tục giảm mạnh để được ra khơi bám biển.

Hình ảnh những con tàu đang nằm dài trên bến, sẽ mang theo lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trở lại trùng dương, rồi trở về với ăm ắp cá tôm và những nụ cười rạng rỡ, thật đẹp biết bao nhiêu!.

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]