(vhds.baothanhhoa.vn) - Dành một phần tuổi thanh xuân lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, may mắn được trở về quê hương, những cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế, tích cực vượt khó làm giàu cho quê hương, đất nước.

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Dành một phần tuổi thanh xuân lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, may mắn được trở về quê hương, những cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế, tích cực vượt khó làm giàu cho quê hương, đất nước.

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏiDoanh nhân CCB Nguyễn Duy Nở - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn (TP Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Đông

Gương sáng giữa đời thường

Có dịp lên huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi biết đến CCB Trịnh Duy Lưu (sinh năm 1964) vừa là chi hội phó Hội CCB khu 2, thị trấn Mường Lát, đồng thời là CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Là chi hội phó, CCB Trịnh Duy Lưu đã tham mưu cho cấp ủy chi bộ bám sát nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang; tuyên truyền cho hội viên về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện phong trào “CCB gương mẫu”, ông đã tích cực, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ số vốn vay ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát, ông đã mở gia trại nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả. Sau khi trừ chi phí, ngày công, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ chăn nuôi lợn, gà gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông đã xây 20 phòng trọ cho các em học sinh, người dân thuê, mỗi năm thu trên 60 triệu đồng.

Ở xã Cát Tân (Như Xuân), mọi người ai cũng cảm phục nghị lực vượt khó của CCB Lê Xuân Khương. Ông Khương sinh năm 1950, lên đường nhập ngũ khi 17 tuổi, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trở về sau chiến tranh, CCB Lê Xuân Khương mang trong mình thương tật tỷ lệ 61%, gia đình ông sinh được 6 người con thì 3 người bị nhiễm chất độc da cam. Vượt lên nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, không cam chịu đói nghèo, ông đã quyết tâm làm giàu trên đất trang trại theo hình thức vườn - ao - chuồng - rừng. Hiện nay, trang trại của gia đình ông Khương có tổng diện tích 15 ha, cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 đến 15 lao động tại địa phương.

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏiHội CCB huyện Mường Lát thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình CCB Trịnh Duy Lưu, khu 2, thị trấn Mường Lát.

Cũng như CCB Lê Xuân Khương, CCB Bùi Thiết Thực, sinh năm 1947, dân tộc Mường, xã Thành Long, huyện Thạch Thành là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 1969, ông Thực nhập ngũ và vào chiến trường miền Nam chiến đấu thuộc đơn vị Tiểu đoàn 28, sau này trực thuộc Quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên tại tỉnh Kon Tum. Năm 1982, sức khỏe giảm sút, đơn vị cho ông ra miền Bắc điều trị bệnh và nghỉ dưỡng, động viên ông khi sức khỏe ổn định trở lại đơn vị làm nhiệm vụ. Được thăng quân hàm thiếu úy, nhưng ông đã viết đơn xin phục viên về quê chăm sóc bố mẹ già yếu, sau này lập gia đình với bà Bùi Thị Ước người cùng quê. Năm 1990, Nhà nước có chủ trương cho đấu thầu đất của các lâm trường để sản xuất, ông quyết định nhận 10,8 ha đất, thời hạn thầu là 50 năm để trồng cây keo và cây lát hoa. Dưới tán cây, ông tận dụng nuôi gia cầm, gia súc, nuôi ong lấy mật. Ông còn có thêm 1 ha đất rừng, cách nhà chừng 1 km để canh tác trồng cây keo và trồng cỏ để nuôi bò sinh sản. Từ đói nghèo vươn lên, CCB Bùi Thiết Thực có cuộc sống ổn định nhờ gắn bó với đồi rừng. Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng, ông tiếp tục đầu tư cho việc tái sinh rừng, kết hợp chăn nuôi và tạo dựng cuộc sống cho 5 người con đều bị di chứng của chất độc da cam/dioxin.

CCB thi đua lao động sản xuất, kinh doanh

Trở về sau chiến tranh, mỗi CCB đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng có chung nghị lực vượt khó vươn lên, lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi và còn chung tay giúp đỡ đồng chí, đồng đội, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Trong số doanh nhân CCB tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho hoạt động nghĩa tình đồng đội không thể không nhắc đến ông Nguyễn Duy Nở - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa. Nhập ngũ năm 1972 và xuất ngũ năm 1977, về quê hương, ông đã bắt tay vào làm kinh tế với đủ mọi nghề như nuôi cá, nuôi bò, nuôi vịt thời vụ, nung vôi, sản xuất vật liệu xây dựng... Năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường, của dịch bệnh COVID-19 doanh nghiệp của ông luôn tự chủ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, tạo thêm nhiều việc cho lao động thường xuyên, trong đó đa số là con em người có công, CCB. Những năm qua, CCB Nguyễn Duy Nở đã xây nhà nghĩa tình cho các đối tượng là CCB, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia chương trình ủng hộ học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu cho các cháu mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi học xong đại học; nhận phụng dưỡng suốt đời 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 1 thương binh nặng có tỷ lệ thương tật 81%...

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏiCCB, nạn nhân chất độc da cam Lê Xuân Khương, xã Cát Tân (Như Xuân) điển hình trong phát triển kinh tế trang trại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do CCB làm chủ, là những địa chỉ tin cậy, uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (Tổng Công ty Tiên Sơn), tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động may xuất khẩu do CCB Trịnh Xuân Lâm làm Chủ tịch HĐQT; Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta do CCB Nguyễn Trọng Thấu làm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc; Công ty TNHH Nông sản Hoài An (thị trấn Thọ Xuân) đầu tư, thu mua, chế biến ớt xuất khẩu của CCB Lê Văn Phúc... Nhiều trang trại do CCB làm chủ đã và đang phát triển như trang trại trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, nhà lưới của CCB Nguyễn Như Lai, xã Nga Giáp (Nga Sơn), Trịnh Văn Thành, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân); trồng cây ăn quả, nuôi cá của CCB Phạm Thị Vinh, phường Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Nguyễn Xuân Thơ, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa); trồng thanh long ruột đỏ và nông sản chất lượng cao của CCB Nguyễn Đại Hải, xã Điền Trung (Bá Thước), Nguyễn Quốc Phòng, xã Thành Tâm (Thạch Thành)..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]